Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông,
Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa hàng ngàn phòng, lớp học, bàn
ghế học sinh và cấp miễn phí các bộ sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập
cho học sinh dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách theo Nghị định
49, 47 của Chính phủ nhằm phục vụ tốt yêu cầu khai giảng năm học mới
2014-2015.
Các tỉnh Tây Nguyên đã huy động nhiều nguồn vốn, đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới các trường, lớp học, chủ yếu là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó riêng tỉnh Đắk Nông huy động được gần 100 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Lắk hàng năm cũng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa từ 900 phòng học, lớp học trở lên. Nhờ vậy hiện nay hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường tiểu học, các thôn, buôn có trường mẫu giáo, mầm non được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không còn lớp học 3 ca, tăng dần tỷ lệ số trường tiểu học học 2 buổi/ngày.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đầu tư trên 53,5 tỷ đồng mua sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cấp miễn phí cho gần 149.000 học sinh dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách. Đặc biệt, năm học này, tỉnh Đắk Lắk đưa bộ sách giáo khoa tiếng Êđê mới vào giảng dạy ở bậc tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường có đông con em đồng bào dân tộc Êđê.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 6.271 trường học các cấp, với 97.409 phòng học, lớp học, thu hút trên 1,4 triệu học sinh các bậc học phổ thông, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 32%. Đắk Lắk là địa phương có số trường học, lớp học và học sinh bậc học phổ thông nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên./.
Theo TTXVN