Ngược dòng thời gian, hơn ba mươi năm trước, các hiệu sách cũ ở Hà Nội khá nhiều, nhiều như những quán ăn ngon bây giờ. Khi đó, phương tiện giải trí không đa dạng như thời công nghệ số hiện tại, số lượng máy truyền hình không nhiều, cả khu phố chỉ đôi ba nhà có. Còn để đến nhà hát, rạp chiếu phim hay ra thư viện thì không phải ai cũng có điều kiện và thời gian. "Món ăn" tinh thần chủ yếu của người dân bấy giờ phần nhiều là sách, báo. Thời bao cấp khó khăn, số lượng đầu sách ra mỗi năm của các nhà xuất bản còn khiêm tốn. Chủ hiệu sách cũ thường là những viên chức đã về hưu và yêu thích, đam mê sách. Mỗi người trong số họ đều có những độc chiêu trong việc sưu tầm sách. Lúc cao hứng, họ bàn luận với nhau về cái hay, cái đẹp của những cuốn sách quý, trao đổi về các cuốn sách cũ hoặc sách hay mới xuất bản ở các hiệu sách quốc doanh.
Ông chủ quán sách trong ngách nhỏ ở số 5 phố Ðinh Lễ là người đã có nhiều năm gắn bó với sách và có sự am hiểu rộng trong lĩnh vực này. Tôi tình cờ biết ông nhờ đi cùng người bạn đến tìm mua sách về thanh nhạc. Ông bảo: "Sách về thanh nhạc thì nhiều, nhưng quyển hòa âm của R. Coóc-xa-cốp là chuẩn nhất". Tôi hỏi tiếp cuốn giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, ông cho biết: "Cuốn của Trần Ngọc Thêm viết khá đầy đủ, cháu nên đọc". Thế rồi, chẳng đợi tôi trả lời, ông say mê giới thiệu về nội dung cuốn sách, rồi lại còn kê ra một số cuốn tham khảo khác có liên quan. Sau lần ấy, mỗi khi đến quán của ông, hỏi sách về các lĩnh vực: Văn học, giáo dục, triết học, kinh tế, kinh doanh... ông đều thuộc làu làu. Ông thường "quân sư" cho tôi cuốn nào nên tìm đọc. Có những lúc, kiếm được cuốn sách hay, ưng ý, ông còn gọi điện thoại báo cho tôi đến cùng trao đổi. Tùy theo giọng nói biểu cảm, nét mặt, cử chỉ xuýt xoa của ông, tôi có thể cảm nhận được mức độ đặc sắc của cuốn sách. Có hôm, ông còn giữ tôi lại cho thưởng thức một tác phẩm thơ cổ đời Ðường của Trung Quốc vừa dịch xong. Có điều lạ, gặp ông nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông đọc sách. Tên ông là Luy. Và tôi đặt biệt danh cho ông là ông "Thông thái".
Theo thời gian, chúng tôi gắn bó với nhau hơn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tôi đến mượn ông cuốn Almanach - Những nền văn minh thế giới. Giống như hầu hết những người thuê sách, tôi đọc rất nhanh, chỉ trong vài ngày đã "tua" xong. Khi mang sách đến trả, ông ngạc nhiên hỏi: "Cháu đọc xong rồi à?" Tôi đáp: "Vâng ạ, cháu đọc nhanh lắm". Ông nhìn tôi, chậm rãi nói: "Cuốn này có giá trị lớn về trí tuệ, phải đọc từ từ mới thấy hết cái hay". Rồi ông đưa lại sách cho tôi và bảo: "Cháu cầm về đọc kỹ lại nhé". Lúc đó, tôi cũng hơi tự ái, nhưng miễn cưỡng cầm sách về nghiền ngẫm, để rồi sau này mới thật sự thẩm thấu hết ý nghĩa, giá trị những kiến thức trong cuốn sách. Ông "Thông thái" đã cho tôi một bài học cần thiết về cách đọc sách, nhất là sách quý.
Cách đây mấy hôm, tôi có anh bạn (là người bắc, chuyển vào nam lập nghiệp từ năm 1995) ra Thủ đô chơi, đến nhà thăm. Trong lúc hàn huyên, anh nói: "Vì công việc lâu rồi mới có dịp trở lại, tớ thấy Hà Nội đổi thay nhiều; nhưng vẫn còn giữ được những nét đặc trưng: chè chén vỉa hè, ngõ nhỏ, cây hoa sữa ở phố Bà Triệu, hàng lộc vừng ở Hồ Gươm...". Rồi anh hỏi: "Quán sách cũ của ông Hùng ở 61 Ngô Thì Nhậm còn không, giờ chắc ông ấy cũng xấp xỉ tuổi bát tuần rồi nhỉ?". Rót nước chè cho bạn, tôi trả lời: "Ông ấy mất rồi. Hiện con gái tiếp tục nối nghiệp, mở quán sách Thư Hiên, nằm trên gác hai số 259, phố Bạch Mai". Ðây là quán sách tôi hay đến tìm sách bởi có khá nhiều sách đáng đọc của các tác giả nổi tiếng. Ðiều thú vị của quán này là vừa đọc sách, vừa được thưởng trà trong không gian yên tĩnh, đem lại tâm trạng thư thái, tĩnh tại cho người đọc. Anh bạn tôi còn hỏi về hiệu sách nổi tiếng một thời cùng với ông Luy, ông Hùng. Tôi cho bạn biết, thời buổi công nghệ hiện đại, việc in ấn dễ dàng, hiệu sách, văn hóa phẩm nhiều như nấm, nhưng những quán sách cũ vẫn tồn tại trong những ngõ nhỏ và vẫn đông khách như trước. Tôi dẫn bạn đến quán sách của ông Dư ở ngõ 180 phố Bà Triệu. Vẫn chiếc biển cũ từ bao lâu nay, với những chồng sách, tạp chí, báo chót vót chạm đến trần nhà, nhưng phần lớn đã ố vàng theo thời gian. Ông bày những cuốn sách thường được bạn đọc tìm mượn ngay ở giá sách bên dưới, còn cuốn ít được tìm đọc hơn thì ông cất tít trên tận mái cao. Bao năm qua, quán sách của ông lúc nào cũng có khách đến, đủ các lứa tuổi từ trẻ đến già. Ông tiết lộ, một trong những bí quyết quán "hút" khách là biết họ muốn gì, chính vì vậy ông đọc sách rất nhiều, với sự yêu thích muốn được khám phá, trau dồi thêm kiến thức. Bên cạnh quán sách ông Dư, có thể kể tới quán sách ông Cảnh ở ngõ số 5 phố Bát Ðàn cũng là địa chỉ mà không người yêu sách nào không biết, nơi có những tác phẩm hay về văn học Việt Nam xuất bản hàng chục năm về trước, trong đó có bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam dân gian, bộ Hán - Nôm và Hán văn tân khoa thư xuất bản năm 1928, Ngũ thiên tự xuất bản năm 1929…
Thời gian trôi đi, xã hội giờ đổi khác nhiều, hàng loạt hiệu sách, nhà sách rộng rãi, khang trang xuất hiện với những người chủ thế hệ mới ở độ tuổi từ ngoài 30 đến hơn 40. Ðó là những người sôi sục ý chí làm giàu, nhạy bén trong kinh doanh, nắm bắt thị trường, thị hiếu bạn đọc nhanh chóng. Bên cạnh các tác phẩm kinh điển của những văn hào như: Lép Tôn-xtôi, V.Huy-gô, La Quán Trung, Hê-minh-uê..., họ cũng sẵn sàng đáp ứng các loại sách "mì ăn liền", sách ngôn tình, giải trí thương mại. Cũng hợp lý thôi, bởi trong thời buổi cơ chế thị trường, mấy ai chịu là kẻ thua cuộc! Thế nhưng vẫn có không ít người như anh Hợp, chủ quán Sách cũ Hà thành ở ngõ 55 phố Lê Thanh Nghị. Họ chỉ lưu giữ, chắt lọc và muốn phổ biến tới người đọc những cuốn sách nghiêm túc, những tác phẩm tinh hoa của nhân loại. Quán sách của anh mới mở được chừng hơn năm năm. Trong ngôi nhà bốn tầng anh đang sinh sống cùng gia đình đâu đâu cũng thấy sách, đủ các thể loại từ văn học, thiếu nhi, khoa học - kỹ thuật, trinh thám... Anh nhớ lại: "Mình là con mọt sách từ bé. Hồi đó, bố mẹ cho tiền ăn quà sáng, toàn nhịn lấy tiền mua sách, truyện để đọc; nhiều cuốn hay, đọc bao năm rồi vẫn nhớ như in: Chiếc chìa khóa vàng hay Chuyện ly kỳ của Buratino, Hiệp sĩ Don Quixote, Hai vạn dặm dưới đáy biển...". Anh Hợp chia sẻ: "Sau này trưởng thành, rồi đi làm, thời gian ít hơn, nhưng mình vẫn nghiền sách, tích lũy nhiều cuốn hay bởi sách giúp bản thân thêm hiểu biết, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chính từ cái được đó đã thôi thúc mình mở quán sách này với mục đích giao lưu, học hỏi mọi người là chính, kinh doanh chỉ là thứ yếu. Nhiều khách sinh viên quen đến đây mua sách, nhưng do thiếu tiền, không có được cuốn họ cần, mình cho mượn về nhà đọc. Khi trả sách, mình cảm nhận được nét mặt rạng rỡ, ánh mắt hân hoan của các bạn trẻ. Ðối với mình đó là hạnh phúc, vì đã góp một phần công sức nhỏ bé giúp ích cho đời, đơn giản vậy thôi".
Cuốn theo dòng đời hối hả, tôi vẫn thường nhớ về lời tâm sự của ông Luy, chủ quán sách số 5 Ðinh Lễ: "Ðời người cần có những giây phút phải biết thong thả sống để cảm nhận những điều bình dị, những giá trị cuộc sống bền vững mà không phải cứ có tiền là mua được!". Miên man nghĩ về những điều tưởng như xưa cũ và hiện tại, cảm nhận đó như chợt rõ rệt hơn khi nghĩ về những quán sách đáng yêu của Hà Nội. Nơi thời gian như chậm trôi với những hàng sách phủ màu thời gian cùng những ông chủ quán sách Hà Nội sống trong tình yêu với sách và mong muốn trao truyền niềm đam mê ấy đến với mọi người.