Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 14/7/2017 9:6'(GMT+7)

Bảo tàng vắng khách, vì đâu nên nỗi?

Lượng khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chưa xứng tầm với những giá trị đang hiện hữu nơi đây. (Ảnh: Vương Hà)

Lượng khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chưa xứng tầm với những giá trị đang hiện hữu nơi đây. (Ảnh: Vương Hà)

Khi nhân viên bảo tàng ngồi… đếm khách

Nhắc đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chắc hẳn giới làm nghề bảo tàng sẽ trầm trồ ngưỡng mộ về một địa chỉ đầu ngành với nhiều ưu thế vượt trội, từ hiện vật quý hiếm, phong phú; vị trí đắc địa ngay trung tâm Thủ đô; không gian, kiến trúc độc đáo… thế nhưng trong bảng xếp hạng những điểm đến bảo tàng nước ta, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại chưa bao giờ lọt vào danh sách các điểm đến hàng đầu, mà lại là những tên Bảo tàng: Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam…

Tôi có mặt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày thứ bảy - thời điểm được cho là khá lý tưởng để đón khách đến tham quan - 8 giờ sáng bảo tàng mở cửa, nhưng phải hơn một tiếng sau bảo tàng mới có khách đến mua vé vào cổng, một đôi bạn trẻ là khách du lịch đến từ Đan Mạch. Chừng 30 phút nữa có thêm một gia đình gồm hai vợ chồng cùng hai con nhỏ đến từ Bắc Giang. Vé vào cửa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bán cho người lớn 40.000 đồng để được tham quan hai khu vực, phía bên Phạm Ngũ Lão (du khách gọi nôm na là khu tham quan lịch sử) và bên Tông Đản (khu trưng bày về các thời kỳ kháng chiến), vậy nhưng như lời của chị Hoàng Thu Giang, cán bộ Phòng Giáo dục công chúng, thường du khách chỉ vào phía bên Phạm Ngũ Lão, bên Tông Đản còn vắng vẻ hơn nhiều. Lý giải cho sự vắng khách, theo chị Giang có thể do "đang là mùa hè nên khách họ đi nghỉ mát, không tìm đến bảo tàng". Mặc dù thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có nhiều đổi mới trong công tác trưng bày, từ việc thường xuyên tổ chức trưng bày hiện vật theo chuyên đề (hiện đang trưng bày hiện vật quý với chủ đề “Nét vàng son-sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng”) đến việc học tập các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đưa hệ thống máy thuyết minh tự động miễn phí tới du khách, nhưng gần hai tiếng đồng hồ, 11 máy thiết bị thuyết minh tự động không có khách đến mượn; bình quân mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 400 lượt khách. Trong khi đối chiếu với hình thức sử dụng máy thuyết minh tự động này với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (trên phố Lý Thường Kiệt), khách muốn sử dụng phải trả phí 30.000 đồng, có 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Việt, thuyết minh trong 2 tiếng rưỡi với 57 bài phong phú các chủ đề về hôn nhân, cuộc sống gia đình… kết hợp âm nhạc, tiếng động, cách hướng dẫn sử dụng và cho thuê có bảng chỉ dẫn để ở ngay quầy vé, khách rất dễ tiếp cận; trung bình mỗi ngày thu hút khoảng 1.000 lượt khách.

Vắng vẻ hơn cả phải kể đến Bảo tàng Hà Nội nằm trên phố Phạm Hùng. Sáng chủ nhật mát mẻ, không gian Bảo tàng Hà Nội rộng thoáng, cây xanh, hoa cảnh khá bắt mắt, nhưng trong bảo tàng rộng lớn này có lẽ nhân viên đếm được từng người, dù rằng nơi đây miễn phí vào cửa. Nghệ nhân viết chữ Nôm Lưu Đức Hạnh gần hai tháng nay được bảo tàng mời vào mở không gian trình diễn viết chữ Hán, Nôm nói vui, có lẽ đây là không gian lý tưởng cho công tác nghiên cứu, học tập, ôn thi bởi khá tĩnh lặng, ngày cuối tuần còn thấy người ra vào, dù ít, nhưng có hôm ngày thường từ sáng đến chiều chẳng có một ai, chỉ nhân viên lặng lẽ chào nhau…

Cần thay đổi tư duy làm bảo tàng

Sau cùng thì công văn đề nghị của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xin được nghỉ ngày thứ hai hàng tuần với mục đích đầu tiên là tiết kiệm chi phí, đã không được Bộ VH-TT-DL chấp thuận, mà yêu cầu vẫn tiếp tục mở cửa đón khách tham quan. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, phụ trách tua nội của Công ty Cổ phần Du lịch Hồng Gai, thời gian qua Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã được các công ty lữ hành bán tua cho khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy chưa được chọn lựa nhiều như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhưng để đặt được tua với các đoàn nước ngoài là cả một quá trình vất vả, nếu nghỉ thứ hai sẽ bị “gãy” tua, mất uy tín đối với du khách. Mặt khác, để có sự hợp tác chặt chẽ giữa bảo tàng và các công ty du lịch, cần thiết các bảo tàng phải có những đổi mới về hoạt động; sản phẩm lưu niệm của bảo tàng phải phong phú, độc đáo.

PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học thẳng thắn, nên chăng ngành bảo tàng nước ta cần phải có một cuộc “đại phẫu”. Không phải chỉ những người làm bảo tàng mà cả những người quản lý ở cấp trên của bảo tàng. Rất nhiều bảo tàng hiện nay cả ở Trung ương và địa phương vẫn làm bảo tàng như làm thông sử, nghĩa là lịch sử diễn ra như thế nào thì bảo tàng cũng phải trình bày tuần tự theo đúng các giai đoạn lịch sử đó, trong khi lại có hiện vật, như thế đã biến bảo tàng thành nơi minh họa sách giáo khoa lịch sử. PGS. TS. Nguyễn Văn Huy lấy ví dụ, khi ông tham quan một triển lãm về hiện vật chiến tranh, có những hiện vật rất quý giá của người chiến sĩ đã hy sinh, nhưng chỉ là câu chú thích đơn giản về tên hiện vật và tên người chiến sĩ đó. Mà lẽ ra, người làm trưng bày đã có thể thu hút được sự quan tâm của người xem hơn khi họ chỉ thêm khoảng 7-10 dòng chữ, hiện vật này gắn bó với người chiến sĩ trong hoàn cảnh nào, ở đâu người chiến sĩ có hiện vật đó, do đâu mà sưu tầm được… Người đến bảo tàng họ muốn tìm kiếm thông tin, sức sống của tư liệu hiện vật, tính ứng dụng và câu chuyện của hiện vật đó từng có là gì, đôi khi với người nghiên cứu còn là một công trình khoa học lịch sử cần phải được giải đáp.

GS. TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho hay, có rất nhiều các bảo tàng đang rục rịch xây dựng, nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy. Cần phải rút ra từ những bài học sai lầm đã gây tổn thất cho hệ thống bảo tàng là cứ xây, nội dung chuẩn bị sau. Tư duy này đã làm thất bại cho hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay, đó là bảo tàng thiếu sức sống, không có khách. Cho nên, chúng ta phải tiến hành song song, vừa xây dựng tòa nhà, vừa xây dựng nội dung, không thể khánh thành tòa nhà trước và làm nội dung trưng bày sau mà quá trình cho ra đời một bảo tàng là sự đồng bộ cả hai phương diện đó./.

Vương Hà (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất