Thứ Hai, 7/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 12/7/2017 22:36'(GMT+7)

Quản lý văn học nghệ thuật cần đạt được tinh thần “tâm phục, khẩu phục”

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

1. Cùng với kinh tế - xã hội, văn hoá - cụ thể là văn học nghệ thuật (VHNT) thường được coi là bộ mặt của một quốc gia - dân tộc. Sự hưng thịnh hay suy vong, mạnh mẽ và cởi mở hay yếu ớt, thu mình… của mỗi quốc gia - dân tộc, trong nhiều trường hợp vẫn được “xem xét” và đánh giá qua đời sống VHNT.

Ngược lại lịch sử, chúng ta thấy rất rõ, những trung tâm nghệ thuật lừng lẫy của thế giới như Paris, London, Roma, Berlin, Vien, Genève… bên cạnh là những trung tâm phát triển kinh tế, nhịp sống sôi động còn là những “tâm điểm” phát triển rực rỡ của văn hoá - VHNT; là nơi tập trung dân cư mà ở đó trình độ nhận thức thường cao hơn cư dân sinh sống ở nông thôn hoặc các đô thị nhỏ, lẻ… Tại những trung tâm phát triển, thông tin nhiều hơn, giao tiếp của con người rộng hơn… dần dần hình thành thị trường nghệ thuật mà ở đó, những người quan tâm đến lĩnh vực VHNT có thể tán thưởng hay phê bình, trao đổi và mua bán, v.v.. Như vậy có thể thấy, muốn VHNT phát triển phải có nền tảng kinh tế - xã hội, phải có những điều kiện phát triển ở mức độ nhất định. Ở nước ta, từ thời phong kiến, khi đất nước “thịnh” thì VHNT phát triển, ngược lại, khi đất nước “suy” thì sự thể hiện của VHNT cũng mờ nhạt.

Có thể nói, hầu hết mọi hoạt động VHNT thường bắt đầu từ đời sống dân giã, làng quê… Thời xưa, hầu như không có thị trường, nếu là “đàn ca sáo nhị” thì phát triển theo phường, hội, làng xã… Còn với mỹ thuật (tranh và điêu khắc) thì thường ở đình, chùa, miếu thờ… có đôi chỗ xuất hiện ở các làng nghề truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống...

Trước đây ở phương Tây (xin lấy ví dụ ở lĩnh vực Mỹ thuật), thường có một vị “Họa sỹ cung đình” chịu trách nhiệm lo phần bày biện, trang trí, vẽ tranh cho tất cả các cung điện, lâu đài của hoàng cung và gia đình các thành viên trong triều đình, các hoàng thân, quốc thích… Còn ở ta là một vị quan trông coi việc xây cất, trang trí, bày biện… các công trình kiến trúc ở kinh thành và những nơi thờ tự của triều đình. Như vậy, từ thời phong kiến, vai trò của người chăm lo “cái đẹp” mang tính quốc gia rất được coi trọng. Những tín hiệu của trang trí, mỹ thuật cung đình như sự định hướng và lan tỏa rộng ra toàn xã hội, từ cung đình ra các phủ, trấn, ấp… (tất nhiên với quy mô nhỏ dần, đơn giản hơn). Do đó, mỹ thuật cung đình gần như một sự định hướng cho xã hội. Đối với những lĩnh vực nghệ thuật khác, sự định hướng đó cũng không nằm ngoài quy luật trên.

Ở Việt Nam, có lẽ văn hóa đình - làng, văn minh làng - xã là nét chính của bản sắc văn hóa thời phong kiến; đó cũng là bản sắc của các dòng văn hóa dân gian hiện hữu ở các làng quê, vùng miền (vật thể và phi vật thể). Đôi khi, nghệ thuật dân gian đã được đan xen, kết hợp rất khéo với nghệ thuật cung đình và ngược lại… Trong hoạt động VHNT ấy hầu như không có sự kiểm soát của “ngành dọc” mà thường quy định bởi người đứng đầu (chính quyền ở Trung ương và địa phương). Với điều kiện xã hội thời phong kiến, nhu cầu VHNT, giải trí chưa cao. Vì thế, vấn đề quản lý riêng cho lĩnh vực này cũng chưa được đặt ra…

2. Trong xã hội mới, với sự phát triển đa dạng, phong phú về mọi mặt, sự phân công quản lý trong lĩnh vực văn hoá, VHNT ngày càng rõ ràng và rành mạch. Cấp vĩ mô có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cục, vụ chuyên ngành…; ở địa phương có Sở, Phòng. Cùng với đó là sự phối hợp, đan xen trong quản lý từ dọc đến ngang. Với tư duy mới của sự phát triển trong xã hội hiện nay, sự phân công theo từng cấp chính là để đáp ứng có hiệu quả công tác quản lý ở một lĩnh vực đang có sự phát triển rất nhanh, sâu rộng và phong phú. Đó là những chuyển động, sáng tạo nội tại trong nước cũng như chịu sự ảnh hưởng và du nhập từ các dòng, các khuynh hướng nghệ thuật quốc tế, vì vậy rất cần có sự điều chỉnh uyển chuyển mà khoa học, làm sao đảm bảo nguyên tắc mà hài hòa với sự phát triển mạnh mẽ của ngành, của xã hội.

VHNT là một lĩnh vực nhạy cảm, gắn liền với cảm xúc của con người trong bói cảnh xã hội là tổng hoà những cung bậc, trạng thái cảm xúc khác nhau. Vì vậy, việc đúng, sai, hay, dở, đẹp, xấu… thật khó xác định được quan điểm chung tuyệt đối, không thể có đáp số rành mạch như lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Do đó, đòi hỏi và yêu cầu đặt ra đối với người làm công tác quản lý trong lĩnh vực VHNT là cần phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phải có tư duy xã hội sâu sắc và nhạy cảm chính trị cũng như sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, cảm thông với dội ngũ trí thức, nghệ sỹ. Có những “nguyên tắc” không cần văn bản nhưng lại như một thứ “quy định” trong giới văn nghệ sỹ, như: Người quản lý không phải là người giỏi tất cả; không phải cứ ở đâu có phong trào mạnh thì sẽ phát lộ nhân tài; tiền, vật chất là điều kiện cần thiết, nhưng không phải là yếu tố và điều quyết định để có tác phẩm xuất sắc, thu hút được công chúng. Yếu tố quyết định là tài năng.

Bên cạnh đó người quản lý “ngoại đạo” (tức là không học những bộ môn thuộc lĩnh vực VHNT) khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo thì cần lắng nghe, cầu thị để có thêm kiến thức cho công tác lãnh đạo của mình tốt hơn. Không bao giờ nên “xông vào”, tự biến mình thành “nghệ sỹ”. Yêu thích nghệ thuật khác với hiểu biết nghệ thuật… Từ yêu thích nghệ thuật đến am tường về nghệ thuật là một chặng đường rất dài…; trong nghệ thuật phải là yếu tố cá nhân, không thể có tác phẩm tập thể…; tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những gì vừa sức, phù họp với nó và tác giả. Không nên ép phải chuyển tải những gì quá sức thành gượng ép, khô cứng… Giá trị Chân - Thiện - Mĩ của tác phẩm là sự tự tỏa sáng, mà ở đó, với cảm xúc và tâm hồn của mình, người thưởng thức (độc giả, khán giả) sẽ cảm nhận và cảm thụ được.

Quản lý VHNT trong thời đại hiện nay rất cần sự nhạy cảm và bản lĩnh. Bản lĩnh là sự vững vàng, kiên định đường hướng nghệ thuật chân chính, là sự chia sẻ, cảm thông với giới nghệ sỹ, là sự nhạy cảm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những khát khao trăn trở, những khó khăn, vướng mắc của họ…Người nghệ sỹ sẽ thấy người Lãnh đạo cao hơn, xứng tầm hơn khi người được giao nhiệm vụ này luôn thật tâm gần gũi, định hướng, đồng cảm, chứ không phải là đứng trên họ.

3. Đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng, lĩnh vực VHNT ngoài phát triển, sáng tạo trên cơ sở bản sắc của mình còn được đan xen với nhiều khuynh hướng, loại hình nghệ thuật quốc tế du nhập vào Việt Nam. Nhiều nghệ sỹ nước ngoài, nghệ sỹ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài mong muốn được trở về Việt nam sống, làm việc, sáng tạo và cống hiến… Trách nhiệm của Nhà nước nói chung, những người làm công tác quản lý VHNT nói riêng phải tạo cho mỗi cá nhân nghệ sỹ ở nước ngoài thấy một đất nước Việt Nam đổi mới,  thân thiện, luôn dang rộng cánh tay chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để họ đóng góp cho đời sống VHNT Việt Nam thêm phong phú, đa dạng… Giao lưu, trao đổi là một yêu cầu tự nhiên của nghệ thuật nói riêng, VHNT nói chung. Phải đón những chương trình nghệ thuật lớn, nghệ sỹ lớn của quốc tế vào Việt Nam, phải đưa tác phẩm của ta, nghệ sỹ của ta cọ xát với các “sân chơi” lớn của quốc tế nhiều hơn…

Sau hơn 70 năm, những tiêu chí trong Đề cương Văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo vẫn luôn đúng. Tinh thần “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” vẫn luôn là đường lối, mục tiêu đặt ra cho VHNT và mỗi người nghệ sỹ chân chính.

Vấn đề quan trọng và là điều rất cần ở người quản lý lĩnh vực này là cái Tâm - “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!”, biết cảm thông, yêu thương, chia sẻ với anh chị em văn nghệ sỹ… Người nghệ sỹ nhạy cảm với tất cả những gì diễn ra xung quanh, để rồi những cảm xúc đó sẽ được  hiện hữu trong tác phẩm của họ. Vì vậy, người làm công tác quản lý càng cần thấy điều này để đồng hành, ghi nhận thành công cũng như thất bại của họ…

Cái giỏi của người lãnh đạo, người quản lý VHNT nói chung phải thông thoáng mà chặt chẽ, khơi dậy cho anh chị em nghệ sỹ cảm hứng tự do trong mọi sáng tạo mà vẫn đi đúng định hướng, đúng với chân giá trị của nghệ thuật là Chân - Thiện - Mĩ vì nguyên tắc cao nhất của công tác quản lý là để cho văn hóa nghệ thuật phát triển, phong phú, đa dạng và mạnh mẽ; giúp cho tinh thần của công chúng sảng khoái, phấn chấn và làm đẹp hơn cho đất nước mình.

Lãnh đạo, quản lý VHNT giỏi cần phải đạt được tinh thần “tâm phục, khẩu phục”, tức là nắm bắt và biết được những diễn biến đó của nghệ sỹ - những thứ mà ta không nhìn thấy… cái đó chính là sự “tâm phục” (còn “khẩu phục” là những văn bản quản lý nhà nước, những chính sách, cơ chế mà chúng ta cung cấp cho anh chị em văn nghệ sỹ…).

Đan xen hài hòa “tâm phục, khẩu phục” có lẽ là đặc điểm rất riêng của công tác lãnh đạo, quản lý VHNT - những thứ mà nhìn vào đó công chúng cũng như bạn bè quốc tế có thể đánh giá đất nước thịnh hay suy… Nói thế để cho có logic, vì rõ ràng chưa bao giờ VHNT có được điều kiện tốt như bây giờ, văn nghệ sỹ được xã hội quan tâm như bây giờ và cũng đầy thách thức như bây giờ! Khó khăn thuận lợi luôn đan xen… mà những người lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật cần phải định hướng được bằng “tâm phục” để anh chị em nghệ sỹ vững vàng vượt qua những khó khăn, hạn chế thách thức, vững tâm với sáng tạo và tâm huyết của mình cống hiến cho đất nước, cho dân tộc…để sao thấy rõ được thời “thịnh” của một Việt Nam đổi mới và hội nhập đang đến!./.

NSND. Họa sỹ, Nhà điêu khắc Vương Duy Biên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất