Đánh giá đúng tình hình đất nước đòi hỏi có phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích khoa học và phương pháp tư tưởng đúng. Có cái nhìn đúng chưa đủ. Còn cần một tấm lòng.
Chuyện kể: có một ông già nọ ngồi chơi ở cửa nhà, nhìn người qua lại. Bỗng một thanh niên dừng bước đến hỏi:
- Thưa cụ, cháu đến từ tỉnh bên cạnh, xin hỏi cụ tỉnh này sống có tốt không?
Ông già hỏi lại:
- Vậy bên tỉnh cháu sống có tốt không?
Anh thanh niên nhăn mặt:
- Tỉnh cháu đời sống nghèo nàn, đầy kẻ tham nhũng, nói chung là một tỉnh rất đáng chán!
Ông già nói:
- Tỉnh này cũng thế, hệt như tỉnh của cháu.
Một lát sau, có chiếc ôtô cũng đến từ tỉnh của anh thanh niên nói trên, dừng lại. Người lái xuống xe đến hỏi ông già:
- Thưa cụ, cháu đến từ tỉnh bên cạnh, xin hỏi cụ tỉnh này sống có tốt không?
Ông già hỏi lại:
- Vậy bên tỉnh anh sống có tốt không?
Người lái xe ôtô tươi cười:
- Tỉnh của cháu kinh tế phát triển, mọi người đoàn kết, chân tình với nhau, nói chung là một tỉnh rất đáng yêu!
Ông già đáp lại:
- Tỉnh này cũng thế, hệt như tỉnh của anh.
Triết lý của ông già: mỗi người mang chính thái độ của mình để nhìn xã hội.
Đánh giá tình hình một xã hội phải khách quan, công bằng, đúng mức, không thổi phồng, cường điệu mặt tốt hay mặt xấu của nó. Nhìn thẳng vào sự thật nhưng phải đánh giá đúng sự thật, nói đúng sự thật, với động cơ trong sáng và thái độ xây dựng. Nhìn trời cao lồng lộng, xanh thẳm một màu, chỉ thấy vài đám mây đen không thể nói bầu trời đang tối lại. Đất nước ta sắp kết thúc một năm lao động gian khổ nhưng rất đáng tự hào với nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tuy còn không ít khuyết điểm. Mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế thế giới phục hồi chậm và chưa vững chắc, nước ta sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn được chăm lo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm tốt hơn. Nhiều công trình xây dựng quy mô lớn và hiện đại đã mọc lên là những bài ca lao động hùng tráng. Chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Nước ta tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế và khu vực rất quan trọng, thực hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và trên trường quốc tế được nâng cao. Đấy là sự thật rõ ràng nhân dân ta đều thấy và dư luận thế giới thừa nhận. Tươi sáng là nét chủ đạo của tình hình đất nước.
Nhưng trên một số diễn đàn và tờ báo gần đây xuất hiện một giọng điệu phê phán quá mức những tiêu cực và mặt trái của xã hội, coi đấy là nét chủ đạo của xã hội và tạo ra một bức tranh màu xám về đất nước. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch kích động những hoạt động chống lại đường lối của Đảng và Nhà nước. Đấy là một cách nhìn phiến diện, bất công, xa thực tiễn, lấy hiện tượng quy thành bản chất.
Khẳng định thành tựu của đất nước không phải là "tô hồng" mà là làm rõ những gì tốt đẹp, tích cực, quý giá nhất nhân dân ta đã cống hiến, tạo ra động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thấy rõ những mặt tiêu cực, suy thoái trong xã hội để tìm cách đẩy lùi, ngăn chặn chúng, làm cho xã hội tốt đẹp lên, chứ không phải để phủ định đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Ông cha ta đã nói: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". "Trách" là trách nhiệm, trách nhiệm xây dựng chứ không phải ngược lại. Trí tuệ nhân dân là tài sản vô giá. Đảng trân trọng mọi sự góp ý kiến chân thành của cán bộ, đảng viên và người dân, kể cả những lời phê bình. Ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình và trên một vấn đề có thể có nhiều ý kiến khác nhau là lẽ bình thường. Nhưng phát biểu ý kiến với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, vì lợi ích của nước, của dân.
Trong cuộc sống, nói thì dễ, làm thì khó, phê phán những gì không tốt thì đơn giản hơn nhiều so với việc nêu ra được những giải pháp đúng đắn và những cách làm hiệu quả. Những lý giải, những đề xuất, những đòi hỏi đưa ra trước dư luận xã hội cần thực sự góp phần bảo vệ độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, lợi ích quốc gia và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có những người đánh giá không đúng tình hình do thiếu thông tin, cần được cung cấp thông tin cần thiết, được giải thích để hiểu đúng và điều chỉnh thái độ. Cũng có cán bộ, đảng viên đánh giá không đúng tình hình do bất mãn và không được thỏa mãn quyền lợi cá nhân với nhiều lý do khác nhau, có khi chỉ vì muốn làm "người nổi tiếng", cần được cấp thẩm quyền quản lý lấy đối thoại làm chính, kiên trì thuyết phục, cảm hóa, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và soát xét các chính sách đãi ngộ.
Đánh giá đúng tình hình đất nước đòi hỏi có phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích khoa học và phương pháp tư tưởng đúng. Có cái nhìn đúng chưa đủ. Còn cần một tấm lòng./
Nhà văn, nhà báo Hồng Hà
(Nguồn: CAND)