Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 24/11/2010 21:5'(GMT+7)

Những trái tim đen núp danh thánh thần

Tại Việt Nam, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. (Ảnh minh hoạ)

Tại Việt Nam, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. (Ảnh minh hoạ)

Ngay cả Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ trong những năm gần đây cũng đã nêu rõ những phát triển tích cực của tình hình tôn giáo Việt Nam. Tuy nhiên, các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, kể cả bản mới nhất vừa mới được công bố ngày 18-11, vẫn tồn tại những đánh giá không khách quan vì đã dựa trên những thông tin sai lệch từ các nguồn tin mang động cơ xấu hoặc từ sự khác biệt về quan điểm lịch sử, văn hóa đối với các sự kiện, vụ việc liên quan tới tôn giáo ở Việt Nam. Những đánh giá thiếu khách quan trong các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo ở Việt Nam thường bị lợi dụng để bóp méo sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, trong quá trình du nhập vào Việt Nam, đã hòa nhập với các tín ngưỡng bản địa để cùng phát triển hoặc tạo nên những tôn giáo nội sinh mang đậm sắc thái Việt Nam như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Ngay từ những ngày đầu mới ra đời, Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã đề ra những chính sách đúng đắn về tôn giáo. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó có việc thực hiện “tín ngưỡng tự do, Lương Giáo đoàn kết”. Đây là quan điểm cơ bản mà sau đó đã được củng cố, phát triển xuyên suốt qua các bản hiến pháp của Việt Nam sau này. Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động tôn giáo, năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo. Đây có thể coi là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, vừa điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, vừa thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Một điểm đáng nói là Pháp lệnh có sự tham khảo luật pháp về tôn giáo của một loạt nước trên thế giới và khu vực như Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Xin-ga-po... Như vậy có thể thấy văn bản quan trọng này có sự tiếp cận ngang bằng với luật pháp quốc tế, các quy phạm pháp luật về vấn đề tôn giáo của các nước trên thế giới và khu vực. Để khẩn trương đưa Pháp lệnh vào cuộc sống, năm 2005, Chính phủ đã sớm ra Nghị định về việc hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh này.

Không chỉ xây dựng các văn bản pháp lý, Nhà nước Việt Nam liên tục phấn đấu nhằm bảo đảm đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong thực tế cuộc sống. Hiện Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo 12 tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Trong những năm qua, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại các nước như Mỹ, Pháp, I-ta-li-a, Ấn Độ... Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2008 được tổ chức thành công rực rỡ tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đời sống tôn giáo sinh động và cởi mở ở Việt Nam không chỉ được nêu rõ trong Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” mà còn được thế giới chứng thực và đánh giá cao khi Liên hợp quốc thông qua Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam vào tháng 9-2009. Trong chuyến thăm Va-ti-căng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI đã đánh giá Việt Nam là hình mẫu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở châu Á. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 11, tại Diễn đàn tín ngưỡng toàn cầu, mục sư Bốp Rô-bớt (Bob Roberts), người đứng đầu Nhà thờ Tin lành Northwood ở bang Tếch-dớt (Mỹ) đã nêu bật Việt Nam như một biểu tượng về tôn trọng tôn giáo. Hay ngay chính Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo ở Việt Nam khi viết trong Báo cáo năm 2010 rằng: “Từ năm 2006 đến năm 2008, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản gần 1.800 đầu sách và ấn phẩm các loại, với tổng cộng hơn 4,5 triệu bản. Kinh thánh được in bằng tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Ê Đê, tiếng Gia Rai, tiếng Ba Na, tiếng Mông, tiếng K’hor và tiếng Anh”.

Ấy thế mà thực tế hiển hiện này vẫn liên tục bị xuyên tạc, bóp méo. Những người mang trái tim đen núp danh thánh thần ở trong nước không ngừng tung những loại tin như kiểu “tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị quấy nhiễu, nhiều người bị cầm tù vì niềm tin tôn giáo”... Ở bên ngoài, một số phần tử Việt kiều chưa rũ bỏ được quá khứ hận thù và vài ba nghị sĩ Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam như Crít Xmít (Chris Smith), Ét Roi-xơ (Ed Royce)..., đồng thanh phụ họa với ý đồ bôi nhọ và chống phá Nhà nước Việt Nam. Rắp tâm chia rẽ Nhà nước Việt Nam với các tôn giáo, chia rẽ đồng bào theo đạo và không theo đạo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gần đây những người này còn dựng lên cái gọi là “làn sóng nhà nước cướp đất của các cơ sở tôn giáo”. Một số tín đồ đã bị lợi dụng, bị kích động dẫn đến việc vi phạm pháp luật một cách đáng tiếc như sự việc ở giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu… Trong khi đó, đại đa số các tín đồ chân chính đều nhìn thấu mưu đồ chia rẽ Nhà nước Việt Nam với các tôn giáo của các phần tử cực đoan, bởi họ hiểu rõ, luật pháp Việt Nam quy định Nhà nước đại diện cho toàn dân quản lý đất đai. Và hơn cả là việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự của các tôn giáo luôn được chính quyền các cấp tạo điều kiện và giải quyết nhanh theo quy định của pháp luật. Nhiều chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường của các tôn giáo được nâng cấp, xây dựng mới trong những năm qua. Đặc biệt, một số chi hội Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã và đang được xem xét cấp đất xây dựng nhà thờ.

Các quốc gia văn minh đều không chấp nhận việc mượn danh tôn giáo để gây hại đến xã hội và sự phát triển của con người. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã đặt các phần tử tôn giáo cực đoan ra ngoài vòng luật pháp và thậm chí còn coi là khủng bố. Tại Việt Nam, luật pháp nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ các tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác. Chính vì vậy, thời gian qua, việc một số cá nhân có hành vi vi phạm bị nghiêm trị sau khi được xét xử theo đúng trình tự pháp luật cũng là hết sức bình thường.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào theo tôn giáo chân chính luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, họ đang góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, chung tay phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, tươi đẹp. Việt Nam luôn hoan nghênh các nghị sĩ, các quan chức chính phủ Mỹ tới thăm Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết, để có những cái nhìn trung thực nhất về bức tranh tôn giáo mang sắc màu tươi đẹp này ở Việt Nam, tránh để những thông tin sai lệch xuất phát từ dụng ý xấu của một số cá nhân ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương đang trên đà phát triển tốt đẹp về cả chiều rộng và chiều sâu./.

(Theo: Bảo Trung/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất