Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/11/2010 8:9'(GMT+7)

Đổ lỗi cho Chính phủ không phải là giải pháp

Cuộc khủng hoảng ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) trở thành một vấn đề nóng tại diễn đàn Quốc hội. Trong khi một số đại biểu  bày tỏ sự bức xúc trước vụ việc này và đề nghị xem xét điều tra trách nhiệm liên quan, thì cũng có không ít đại biểu lại đề nghị cần phải bình tĩnh, thận trọng bàn bạc để đưa ra các quyết sách hợp lý.

Trong buổi thảo luận về Ngân sách nhà nước sáng 10/11, đại biểu Lê Văn Thành (đoàn Hải Phòng) cho biết: “Riêng Hải Phòng chiếm tới 60% giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Vinashin và hàng năm Vinashin đóng góp khoảng 15% - 20% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố cảng này”.

Theo ông Thành, qua rà soát, cuộc khủng hoảng kinh tế của Tập đoàn Vinashin có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của địa phương, nhưng không đến mức “ghê gớm quá” như một số thông tin đã đưa.

Đại biểu Lê Văn Thành cho biết: “Thực tế, năm 2010, giá trị sản xuất của Vinashin vào ngân sách thành phố, giảm khoảng 3%. Năm 2008 - 2009, Vinashin đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hải Phòng. Năm nay dự kiến còn 12% . Thứ hai, tổng giá trị tài sản của Vinashin hiện nay theo báo cáo của Bộ Tài chính là 104.000 tỷ đồng, trong khi đó nợ vay là 86.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 8.000 tỷ đồng. Qua phân tích tài chính, chúng ta thấy rằng, tài sản của Vinashin hiện có vẫn lớn hơn so với nguồn vốn vay chứ không phải đây là món nợ hay thất thoát”.

Qua khảo sát các nhà máy đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng, đại biểu Lê Văn Thành cho biết, thiết bị đầu tư của Vinashin rất hiện đại, công nghệ tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu sản xuất chế tạo cả động cơ, cả tàu lên tới 100.000 tấn. Riêng trên địa bàn Hải Phòng đã có trên 2 vạn công nhân  lành nghề của Vinashin. Đại biểu Lê Văn Thành Thành nhấn mạnh: Đây là một lực lượng rất cần thiết để xây dựng CNXH. Với một lực lượng vật chất lớn như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến một thành phố, một tập đoàn. Đại biểu Lê Văn Thành đề nghị các đại biểu Quốc hội cần hết sức bình tĩnh, thận trọng để bàn bạc, đưa ra quyết sách hợp lý để cứu vãn Tập đoàn này.

Vinashin là 1 trong 8 tập đoàn kinh tế đầu tiên được thành lập trong giai đoạn 2005-2006 theo chủ trương thí điểm của Đảng gồm: Than- khoáng sản, Bảo Việt, Dệt may, Dầu khí, Cao su, Điện lực, Tàu thuỷ. Theo đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hoá), mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là một mô hình rất phức tạp về địa vị pháp lý, về tư cách pháp nhân, về cơ cấu tổ chức và nhất là việc thực hiện quyền đối với phần vốn nhà nước của các tập đoàn.

Đại biểu Lê Thị Nga nói: “Tuy là thí điểm nhưng các Tập đoàn đều được thành lập một cách chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Từ khi ra đời, các tập đoàn này chưa có văn bản pháp lý nào điều chỉnh địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và đã hoạt động trong tình trạng này. Đến ngày 5/11/2009 , Chính phủ mới ban hành Nghị định 101 về thí điểm thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Như vậy, 4 năm sau ngày thành lập , chúng ta mới có hành lang pháp lý ở tầm Nghị định cho hoạt động, tổ chức, quản lý của 8 tập đoàn nói trên”.

Vinashin là một bài học xương máu trong quá trình điều hành kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là nhận định của đại biểu Bế Xuân Trường (đoàn Bắc Cạn). Đại biểu này đề xuất: “Nên tái cấu trúc Vinashin cho hợp lý, bởi một lẽ chúng ta là quốc gia biển nên cần thiết phải có một ngành công nghiệp đóng tàu".

Chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng: Không nên vì một sự việc mà kéo lùi tư duy đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước đưa ra cách đây 10 năm tại Hội nghị Trung ương khóa IX. Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà nội)– người được cho là khá thẳng thắng trong các phát ngôn tại Quốc hội thì cho rằng: Đổ lỗi cho chính phủ không phải là giải pháp.

“Tôi không đồng ý với việc cứ đổ lỗi cho Thủ tướng hoặc Chính phủ. Tôi xin hỏi, các đại biểu Quốc hội ngồi đây, đã ai đến thăm Vinashin lần nào chưa? Đã biết họ hoạt động như thế nào chưa? Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội nên hoà chung trách nhiệm với Chính phủ về ngân sách, về vốn và hãy coi đây là một bài học xương máu” - đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nói.

Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đều khẳng định: Chủ trương của Đảng về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước là đúng đắn, hợp với xu hướng quốc tế và có bước đi thận trọng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị  Quốc hội và Chính phủ cần kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn lại, nhất là Tập đoàn Điện lực. Nếu khẳng định thành công thì đề nghị Quốc hội sửa luật để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Hằng năm, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm báo cáo Quốc hội kết quả mô hình Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước. Làm như vậy, một Vinashin thứ hai sẽ khó có nguy cơ lặp lại./.

(Theo: Hương Giang/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất