Cần phải khẳng định rằng, việc một số tổ chức tôn giáo không được phép hoạt động là do có những hành động, hoặc tiếp tay cho những hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia Việt Nam.
Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2010, do Bộ Ngoại giao Mỹ xây dựng dựa trên những thông tin thu thập được về tình hình thực thi quyền tự do tôn giáo trong vòng một năm qua tại hơn 180 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù Chính phủ Mỹ không coi bản báo cáo này là một phán quyết của Mỹ với các quốc gia khác mà chỉ nhằm thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề tự do tôn giáo trên toàn cầu, nhưng bản báo cáo này đang gây ra những phản ứng trái chiều từ nhiều quốc gia.
Mặc dù khẳng định Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong hoàn thiện khung pháp lý, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hiện thực hóa việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, nhưng với cái nhìn thiếu thiện chí, bản báo cáo vẫn nêu một số quan ngại dựa trên tiêu chuẩn của Mỹ về những thông tin thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bản báo cáo tiếp tục nhắc lại một số việc mà Việt Nam đã nhiều lần khẳng định và bày tỏ quan điểm, như: Hành động sách nhiễu và ngăn cấm một số tổ chức tôn giáo hoạt động, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất…
Cần phải khẳng định rằng, việc một số tổ chức tôn giáo không được phép hoạt động là do có những hành động, hoặc tiếp tay cho những hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia Việt Nam. Riêng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tại Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo diễn ra vào tháng 11-1981, tại Hà Nội, 165 tăng ni, cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước (trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất) đã quyết định thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Điều này không chỉ thể hiện trong Hiến chương, đường hướng hoạt động mà còn được thể hiện rõ trong lời kêu gọi của Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ đọc tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 7-11-1981, trong đó có đoạn: “Từ nay, chúng ta không còn là Phật tử của miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, không còn bị gò bó chia cách bởi tổ chức này hay tổ chức nọ, mà đều là Phật tử Việt Nam, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước”.
Với tinh thần đó, Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, mọi hoạt động của cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” là trái với pháp luật Việt Nam, đi ngược lại Hiến chương và đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sự việc đã rõ như ban ngày, vậy mà bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cho rằng Việt Nam “sách nhiễu”, “ngăn cản” cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” hoạt động. Điều này chứng tỏ Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn có những cái nhìn định kiến, thiếu thiện chí về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam./.
(Theo: Kim Ngọc/QĐND)