Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/11/2010 10:49'(GMT+7)

Phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ - yêu cầu bức thiết

Hội nhập kinh tế quốc tế, người lao động Việt Nam cần được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết.

Hội nhập kinh tế quốc tế, người lao động Việt Nam cần được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết.

Nền tảng vật chất cơ bản

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã rất chú trọng đến “thực lực, binh cường” để yên dân và bảo đảm cho non sông bền vững. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được đề cập đến trong nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là từ Đại hội VI đến nay.

Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, có thể quan niệm rằng, độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất cơ bản để phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay và các mặt khác như văn hóa – xã hội. Độc lập, tự chủ kinh tế theo quan điểm toàn diện, luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với độc lập, tự chủ về chính trị, văn hóa, xã hội và các mặt cụ thể khác, tạo thành sự độc lập, tự chủ và sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Nói tới độc lập, tự chủ về kinh tế, trước hết phải nói tới sự độc lập, tự chủ về đường lối, chính sách phát triển; nói tới một nền kinh tế phát triển bền vững, không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào nước khác, hoặc phụ thuộc vào tổ chức quốc tế nào đó về đường lối, chính sách định hướng phát triển, vào những điều kiện kinh tế, chính trị mà họ áp đặt cho ta, gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.

Độc lập, tự chủ về kinh tế, do vậy cũng là sự bình ổn, có khả năng chủ động và thích ứng cao, có thể duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội và giữ vững định hướng phát triển ngay cả trong tình hình chấn động của thị trường, của khủng hoảng kinh tế, tài chính ở khu vực, trên thế giới, trong tình thế bị bao vây, cô lập và chống phá của các thế lực thù địch. Bảo đảm độc lập, tự chủ về kinh tế chính là bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập, mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đương nhiên, trong thời đại ngày nay, độc lập, tự chủ về kinh tế tuyệt nhiên không phải là nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp, mà đặt trong mối quan hệ biện chứng với việc chủ động tham gia vào quá trình giao lưu, hợp tác và cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy tốt nhất nội lực và lợi thế so sánh của quốc gia.

Trong mối quan hệ đó, nên nhìn hai mặt: Một mặt, cần thấy nền kinh tế vững mạnh độc lập, tự chủ là điều kiện quan trọng nhất để hội nhập kinh tế mạnh ngang bằng, cân sức với các nước khác thì mới tham gia hội nhập. Ta chủ động hội nhập dựa trên sức lực của ta, tham gia đến đâu, mức độ nào là do ta độc lập suy nghĩ để quyết định. Mặt khác, chính việc hội nhập kinh tế quốc tế là phương thức nhanh nhất, là giải pháp tốt nhất để chúng ta thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Như vậy, nền kinh tế độc lập, tự chủ là tiền đề và mục tiêu mà chúng ta xây dựng, vấn đề mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế có thể được coi là phương tiện hữu hiệu để đạt tới mục tiêu đó.

Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm

Để đảm bảo độc lập, tự chủ về kinh tế và từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng lớn mạnh, vững chắc, cần thực hiện tốt một số chủ yếu sau:

Trước hết, cần thực hiện tốt đường lối chung và đường lối kinh tế để xây dựng và phát triển đất nước. Đường lối đó do Đảng ta đề ra và lãnh đạo thực hiện, thể hiện sự độc lập, tự chủ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

Chúng ta khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp vô cùng khó khăn và phức tạp nhưng nhất định chúng ta sẽ đi tới đích. Đích chủ nghĩa xã hội và mục tiêu của cách mạng Việt Nam mà chúng ta hướng tới và thực hiện bằng được là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Quá trình thực hiện mục tiêu cao cả đó bao hàm nội dung trọng yếu là từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cho đến giai đoạn phát triển mới hiện nay, Đảng ta hình thành đường lối kinh tế là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa đất nước ta thành một nước công nghiệp. Ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy cao độ nội lực của cả dân tộc gắn với tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài và chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững. Tăng trưởng kinh tế đi liền từng bước với cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh. Việc thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế của Đảng chính là xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ, phù hợp với điều kiện của đất nước và thích ứng với tình hình quốc tế.

Làm được như vậy sẽ phát huy mọi nguồn lực bên trong và tận dụng các nguồn lực bên ngoài để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nền kinh tế có tính độc lập, tự chủ cao sẽ tăng cường tiềm lực đất nước, tạo sức mạnh cho đất nước vươn lên.

Vấn đề thứ hai là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, giúp chúng ta đi tắt, đón đầu, tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác.

Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thực hiện với những bước đi vững chắc, vừa tuần tự, vừa nhảy vọt, phát huy mạnh mẽ các lợi thế của đất nước, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước, tiếp cận và ứng dụng kinh tế tri thức trong những ngành nghề thích hợp; tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ tiên tiến, hiện đại về kinh doanh, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam thông qua phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển một số ngành công nghiệp then chốt, xây dựng và phát triển một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; đồng thời coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cuối cùng, đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Đây là nhiệm vụ hết sức trọng đại, tạo môi trường hòa bình và điều kiện quốc tế thuận lợi cho chúng ta thực hiện những mục tiêu chiến lược của đất nước; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Mở rộng quan hệ đối ngoại là mở rộng quan hệ nhiều mặt, chú trọng cả quan hệ song phương và đa phương đối với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chống mọi hành vi đe dọa, gây sức ép, áp đặt và cường quyền.

Nội dung trọng yếu của quan hệ đối ngoại là quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng yêu cầu và lợi ích của nước ta trong quá trình phát triển, đồng thời qua đó phát huy vai trò của nước ta trong quá trình hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực và thế giới. Chủ động hội nhập là để kết hợp nội lực là chính với ngoại lực là quan trọng, tạo thành sức mạnh to lớn đưa đất nước tiến lên. Những nguồn lực đó là vốn, thiết bị, vật tư, tiến bộ khoa học và công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường và các quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Nguyên tắc cơ bản và bao trùm trong hội nhập quốc tế là bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Trong hội nhập quốc tế, phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để tranh thủ được thời cơ và hạn chế nguy cơ, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế./.

GS, TS Vũ Văn Hiền
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất