Chủ Nhật, 22/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 27/11/2010 17:7'(GMT+7)

Cảm nhận từ một chuyến đi

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm trước bảo tàng Cay xỏn Phôn vi hẳn. Ảnh: QT

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm trước bảo tàng Cay xỏn Phôn vi hẳn. Ảnh: QT

8 giờ sáng, xe chúng tôi rời khỏi trung tâm huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hướng về phía cửa khẩu Cầu Treo vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, với phía bên Đông đầy mây mù ẩm ướt, 10 giờ sáng đoàn đến cửa khẩu đã thấy đoàn bạn đứng đợi. Bỏ qua những nghi lễ rườm rà về ngoại giao, bạn dẫn chúng tôi hướng về phía Viêng Chăn xuất phát, đi khoảng hơn 1km, thời tiết phía bên Tây dãy Trường Sơn đã tràn ngập ánh nắng, sau hơn 1 tiếng đồng hồ, đoàn dừng lại tại thị trấn Lạc Xao ăn cơm trưa.

Thị trấn Lạc Xao là một thị trấn nhỏ của huyện Khăm Kớt, tỉnh Bôlykhămxay, thị trấn có rất nhiều quán ăn của người Việt, chủ quán quê Diễn Châu (Nghệ An) hồi hởi đón khách, câu đầu tiên ông hỏi khách sang Lào lâu không, đi những đâu và thích những món ăn gì. Ngay sau đó, những món ăn truyền thống của người Lào đã được bê lên phục vụ khách. Theo lời chủ quán, thị trấn Lạc Xao là thị trấn đặc trưng cho sự phong phú dân cư ở Lào với tỷ lệ 7 người Việt, hai người Lào và 1 người Trung Quốc.

Tháp Thạt Luổng - biểu tượng của nước Lào. Ảnh: QT


Sau bữa trưa, đoàn chúng tôi rời Lạc Xao lên đường đi Viêng Chăn, đường đẹp và thoáng nên chạy xe rất nhàn. Dân số Lào chỉ có hơn 6 triệu người, nên dọc đường chúng tôi ít khi bắt gặp những những đô thị sầm uất hay những thị trấn đông đúc. Thay vào đó là những nóc nhà mái Thái điển hình mang dáng dấp, phong cách của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (Việt Nam)…

Hơn 17 giờ, xe vào đến của ngõ thành phố Viêng Chăn, đúng vào dịp nước bạn đang tổng duyệt cho chương trình kỷ niệm 450 năm thành lập thành phố tại sân vận động quốc gia. Từ xa từng dòng xe nhẹ nhàng nối đuôi nhau chạy trong các làn đường, tuyệt nhiên không có cảnh bóp còi inh ỏi hay phóng nhanh, vượt ẩu như thường thấy ở Việt Nam, mọi chuyển động trên đường đều êm đềm nhưng chính trong tính cách của người Lào.

Thành phố lên đèn rực rỡ cờ hoa, dịp này không chỉ Viêng Chăn tổ chức kỷ niệm 450 năm và 35 năm ngày quôc khánh nước Lào mà bạn còn đang tiến hành đại hội đảng bộ các tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX vào năm 2011, nên thành phố trở nên đẹp một cách trang trọng, lạ thường. Để chuẩn bị cho ngày lễ này, nước bạn đang dành hơn 1 năm chuẩn bị, nhiều công trình văn hoá, kiến trúc bề thế đã được hoàn thành kịp phục vụ cho ngày hội lớn. Tại trung tâm thành phố, Hội chợ Quốc tế với hàng trăm gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan, mua sắm và thưởng thức.

Làm tháp hoa chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm. Ảnh: QT


Đêm, thủ đô Viêng Chăn thật ấn tượng. Các tuyến đường, các công trình đều được gắn đèn màu, cùng với những bảng hiệu điện tử, băng rôn, khẩu hiệu, cờ Đảng, cờ Tổ quốc đủ màu sắc nhìn rất bắt mắt. Viêng Chăn ngày thường vốn không ồn ào náo nhiệt nhưng trong những ngày này dân thành phố cùng dân các tỉnh đổ về quảng trường Thạt Luổng rất đông.

Tối đến, chúng tôi đi chơi hội đêm ở Viêng Chăn, không khí thật trong lành và yên bình, đi mỏi chân quá thì gọi xe tuk tuk, với 50.000 kíp đã có một chuyến dạo quanh các con phố Viêng Chăn rồi sau đó ra bờ sông Mê Kông hóng gió.Thủ đô Viêng Chăn chỉ có 5 con đường lớn là: Lan - Xạng, Cây-xỏn-phôm-vi-hản, Xu-va-nu-vông, Sệt-thả-thi-rát và đường Sam-xẻn-thay. Tất cả các con đường này đều dẫn đến những địa điểm được coi là “tinh hoa” Lào: Pat-tu-xay (Cổng chiến thắng), Pha-that-luang (Biểu tượng quốc gia không chính thức), Tháp Đam …

Đoàn chúng tôi sang Lào theo lời mời của Ban Tuyên huấn Đảng nhân dân cách mạng Lào, thế nên ngay buổi sáng hôm sau, chúng tôi đã đến chào đồng chí Xa Mản Vinhakết - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa TW Đảng nhân dân cách mạng Lào. Đón đoàn ngay tại phòng làm việc của Ban Tuyên huấn TW Lào, đồng chí Xa Mản Vinhakết đã không quên nhắc lại những tình cảm quý báu, lâu đời mà nhân dân hai nước đã dành cho nhau, đặc biệt là những tình cảm mà cách mạng Việt Nam đã dành cho Lào. Đồng chí cũng cho biết, trong 25 năm đổi mới, nhân dân Lào đã đoàn kết một lòng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, bảo vệ vững chắc thành quả đã đạt được. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 7 (2011-2015) Viêng Chăn phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP không dưới 9%/năm, trong đó nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,79%, công nghiệp và xây dựng đạt 12,51%/năm, dịch vụ đạt 11,28%/năm và phấn đấu xây dựng thành phố có môi trường sinh thái bền vững.

Đồng chí Xa Mản Vinhakêt - Ủy viên Bộ Chính trị Lào tiếp đồng chí Nguyễn Tiến Dũng -
Tổng biên tập tạp chí Tuyên giao. Ảnh: QT


Trong buổi làm việc với Ban Tuyên huấn Đảng nhân dân cách mạng Lào, các đồng chí trong Ban Biên tập tạp chí Tuyên Truyền đã cho biết quá trình tuyên truyền cho Đại hội đảng bộ cấp tỉnh và toàn quốc ở Lào đặc biệt được coi trọng và tuyên truyền tích cực trong thời gian qua, với bế dày 20 năm kinh nghiệm, tạp chí Tuyên truyền Lào đã có nhiều nỗ lực để khẳng định vị trí của mình trong hệ thống báo chí và đảm đương tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Buổi chiều, chúng tôi được bạn bố trí đi thăm bảo tàng Cay xỏn Phôn vi hản, đây là công trình do Việt Nam hỗ trợ, ngay cổng vào bảo tàng, chúng tôi đã nhìn thấy hai bức phù điêu lớn mô tả quá trình dựng và giữ nước của nhân dân các bộ tộc Lào. Tượng Tổng bí thư Cay xỏn Phôn vi hản bằng đồng cao 8 mét 15 đứng sừng sững, uy nghiêm trước tòa nhà bảo tàng.

Cô hướng dẫn viên người Lào dẫn dắt chúng tôi đi thăm bảo tàng với khẩu ngữ tiếng Việt không thể chuẩn hơn, bảo tàng Cay xỏn Phôn vi hản được thiết kế thành 7 chuyên đề riêng mô tả từ thủa thơ ấu của đồng chí Cay xỏn Phôn vi hản đến quá trình học tập, đấu tranh, dẫn dắt Đảng nhân dân cách mạng Lào giành độc lập dân tộc… Ngoài ra, một số chuyên đề khác về văn hóa, tập quán, phong tục của người Lào và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Lào qua 25 năm đổi mới cũng được trình bày ấn tượng, mạch lạc và chi tiết.

Tranh thủ thời gian ít ỏi tại đây, chúng tôi đi thăm tháp Thạt Luổng, biểu tượng của nước Lào. Năm 1566, Vua Setthathilat cho xây dựng Thạt Luổng, một công trình kiến trúc Phật giáo vĩ đại, với hệ thống một tháp chính và 13 tháp phụ. Ngày nay, Thạt Luổng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Lào, du khách đến Lào nếu chưa ăn xôi nếp, thăm Thạt Luổng, uống bia Lào coi nhưng chưa đến xứ xở đất triệu voi này.

Chỉ hơn một ngày lưu trú tại thành phố này, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn về tính cách, văn hóa và con người Lào, ở đó không có sự ồn ào, vồn vã, vồ vập nơi đô hội. Mà tình cảm đó như sự mềm mại, êm đềm rào rạt như dòng Mê Kông cuộn chảy dưới ánh bình minh. Trước khi đến Lào, ấn tượng đọng lại trong tôi từ thủa ấu thơ là bài hát “Hoa đẹp Chăm pha”, một bài hát với giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng đủng đỉnh mang đậm bản sắc đất nước của đền chùa này và khi đến đây, lại càng cảm nhận rõ nét hơn sự nhẹ nhàng, khoáng đạt ấy trong cách cử xử, tình cảm của nước bạn.

Thăm, gặp và làm việc, có lẽ ấn tượng những ngày ở Lào sẽ còn in đậm trong hành trang công tác của chúng tôi phía trước, bởi tại mảnh đất hiền hòa này, chúng tôi đã đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Được ăn xôi Lào, thăm Thạt Luổng, uống bia Lào, nghe ca sỹ Lào hát tiếng Việt và chiêm ngưỡng đền chùa miếu mạo, trước khi rời Viêng Chăn đã hiện diện trong tâm khảm chúng tôi một cảm xúc vô cùng lạ. Phải chăng, đó chính là tình cảm đã được đúc rút từ mối quan hệ gắn bó, keo sơn giữa nhân dân hai nước vun đắp trong nhiều thập kỷ qua, đó là sự gần gũi, chân thành, mộc mạc, bình yên, như khi ta đang đi cùng người bạn./.

Trọng Đạt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất