Ngay sau đại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa 14 (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch số 09-KH/T.U, ngày 4-6-2006, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mục đích là nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, phù hợp định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh; khắc phục điều kiện là tỉnh miền núi, có nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều cán bộ giỏi về địa phương công tác và tình trạng mất cân đối về cơ cấu đào tạo trước đây; đào tạo cán bộ đa ngành, đa lĩnh vực, gắn đào tạo chuyên môn với đào tạo về lý luận chính trị và rèn luyện kiến thức thực tiễn cho cán bộ.
Cùng với đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, tỉnh đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là cán bộ xã, quan tâm đến việc nâng cao mặt bằng dân trí và đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Kết quả, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng trên đại học cho 166 người; đại học, cao đẳng (hệ vừa làm vừa học) được 894 người; trung cấp (hệ vừa làm vừa học) 312 người; đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị cho312 người.
Qua năm năm triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở từng bước trưởng thành cả về số lượng, chất lượng; trình độ kiến thức được nâng lên, cơ cấu ngành nghề chuyên môn từng bước chuyển dịch theo hướng phù hợp định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, được duy trì và phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Ðến nay, 80% số cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ của cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 2% số cán bộ có trình độ trên đại học; 85% số cán bộ là đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 97% số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên; 90% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó cao đẳng, đại học chiếm 25%. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh có hơn 90% số ủy viên cấp ủy cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trình độ cao đẳng, đại học 39,33%, trên đại học 1,86%, tỷ lệ nữ 22,44%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số 41,33%, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm 23,11%.
Ðạt được kết quả trên là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với cán bộ. UBND tỉnh đã ban hành các quy định hỗ trợ đối với cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; hỗ trợ đối với cán bộ xã, cán bộ dự nguồn, con em gia đình chính sách (không hưởng lương, sinh hoạt phí) theo học các lớp đại học tại tỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ cán bộ đi học và đi nghiên cứu thực tế. Các cơ quan chức năng và các cơ sở đào tạo của tỉnh đã phối hợp làm tốt công tác tuyển sinh; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cơ sở đào tạo của tỉnh đã chủ động liên kết với các học viện, các trường đại học trong nước để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ các cấp, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy; cử cán bộ tham gia giảng dạy theo từng chuyên đề được giao. Việc đào tạo chuyên môn đã từng bước gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với ngạch, chức danh của cán bộ, công chức đang đảm nhiệm và cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên đội ngũ cán bộ của tỉnh vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; xét về số lượng, chất lượng và cơ cấu có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Ðó là tình trạng hẫng hụt cán bộ (kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý) ở một số ngành, địa phương, còn có cán bộ được bố trí chưa đúng với tiêu chuẩn chức danh hoặc chưa đúng trình độ chuyên môn được đào tạo. Kết quả đào tạo chuyên môn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tỷ lệ, cơ cấu ngành nghề các nhóm ngành thương mại - du lịch và nhóm ngành kinh tế, tài chính còn thấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng có lúc chưa gắn với quy hoạch, nhu cầu cán bộ; nội dung chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chậm đổi mới; chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở về địa phương công tác chưa thực sự có hiệu quả.
Ðể làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020; xây dựng kế hoạch tổng thể, lâu dài về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đào tạo cán bộ theo chức danh, cán bộ nữ, cán bộ là dân tộc thiểu số; liên kết đào tạo các ngành học, bậc học giữa các trường của tỉnh với các trường đại học, học viện trong nước. Kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình đào tạo khác, đồng thời khuyến khích phong trào tự học, tự nâng cao trình độ của cán bộ bằng nhiều hình thức. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ cho cán bộ các cấp. Công tác đào tạo cán bộ cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo; chú ý đào tạo cán bộ theo quy hoạch một cách toàn diện cả phẩm chất chính trị, trình độ nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, phù hợp với yêu cầu sử dụng, chức danh công tác và cơ cấu ngành nghề theo hướng chuyên sâu, ưu tiên đào tạo sau đại học; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những chính sách cụ thể, phù hợp, nhằm thu hút được cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi về địa phương công tác./.
Nguyễn Hồng Thắng
UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang
(Nguồn: ND)