Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết: Chương trình hành động của các cấp Hội được cụ thể hóa, tập trung vào những nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định, nhằm phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội và vai trò chủ thể của hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức vững mạnh.
Sau khi được Ban Bí thư thông qua Đề án “nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”; Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020”, Trung ương Hội đã chỉ đạo thực hiện trong toàn hệ thống.
Hội đã tổ chức ký kết và thực hiện chương trình phối hợp với hơn 40 bộ, ngành ở Trung ương. Tại các địa phương, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn củng cố kiện toàn 63.200 tổ vay vốn với 626.800 thành viên, đến giữa tháng 6/2011, dư nợ cho vay đạt trên 11,66 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 12 chương trình ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với gần 69.300 tổ tiết kiệm vay vốn, trên 2,44 triệu thành viên và số tiền dư nợ gần 32.300 tỷ đồng (tính đến thời điểm cuối tháng 6/2011). Từ năm 2009 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tăng thêm 274 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn Quỹ các cấp đạt 638 tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương là 50 tỷ đồng, Quỹ cấp tỉnh 403 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện 63 tỷ đồng, Quỹ cấp xã 122 tỷ đồng.
Thực hiện quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020, năm 2011, Ngân sách Trung ương sẽ chuyển cho Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đã có chủ trương tạo điều kiện cấp vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn. Nguồn vốn trên sẽ tạo điều kiện để nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn.
Tham gia tổ chức dạy nghề và hỗ trợ nông dân, đến nay, Hội đã xây dựng được một hệ thống các trung tâm có chức năng dạy nghề và hỗ trợ nông dân từ trung ương đến các khu vực và địa phương với 52 cơ sở trong đó có mới thành lập một Trường trung cấp nghề. Hội đang xúc tiến đầu tư nâng cấp và xây dựng các Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ tư vấn và dạy nghề cho nông dân, là đầu mối tham gia với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo tổng hợp từ các địa phương, bình quân mỗi năm, hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho trên 198 nghìn người; tổ chức giới thiệu việc làm cho trên 43 nghìn người, trong đó phối hợp tuyển và đưa 4.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khyến công cho trên 6 triệu lượt hội viên, nông dân mỗi năm. Các cấp hội phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, mua vật tư, phân bón, máy nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao để tuyên truyền, phổ biến nhân rộng. Nhiều hội chợ nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân đã được tổ chức; hệ thống “sàn kết nối cung cầu nông nghiệp, thực phẩm” đã được thành lập nhằm tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thông thị trường. Hội phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai chương trình tăng cường thông tin cho nông dân trồng lúa 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm qua, các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự chỉ đạo của các cấp Hội và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân. Bình quân mỗi năm cả nước có trên 6 triệu hộ nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có hơn 4 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển và có bước chuyển biến về chất theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP tại các vùng chuyên canh rau xã Tân Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội); vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); sản xuất chè tại Lào Cai, Thái Nguyên, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, xoài cát ở Tiền Giang… Nhiều sản phẩm sản xuất theo quy trình này đã có chỗ đứng ở các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Phong trào đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với công nghệ chế biến. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên, nông dân còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ “ngày vì người nghèo”, tương trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm làm ăn, nguồn vốn, giống cây con, tạo việc làm tại chỗ… Chỉ tính riêng năm 2010, hội viên, nông dân cả nước đã đóng góp 2 triệu ngày công, trên 4,2 ngàn tấn lương thực, giúp đỡ gần 110 ngàn hộ nghèo, ủng hộ Quỹ ngày vì người nghèo gần 7 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào lũ lụt, 6,8 tỷ đồng xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho những hộ không có nhà ở, góp phần giúp trên 10 ngàn hộ thoát nghèo, xóa 2.521 nhà tạm.
Thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, các cấp Hội đã vận động nông dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hội Nông dân các địa phương đã vận động nông dân thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nhà ở, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế cộng đồng… Hội coi trọng vận động nông dân tham gia xây dựng các chương trình, dự án của địa phương với sự hỗ trợ của nhà nước theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, vấn đề bảo đảm an ninh chính trị, xã hội ở địa bàn nông thôn cũng được Hội Nông dân các cấp đặc biệt quan tâm. Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trung ương Hội đã phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Công an đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn./.
Chu Thanh Vân