Chuyện không có gì đáng nói nếu cuộc giao lưu đó diễn ra gọn nhẹ, không phô trương hình thức, dù đó chỉ là những lời chúc mừng trên tấm phông nhưng thực tế nhìn không khác mấy cách thức trang trí của một đêm giao lưu văn nghệ tập thể. Người trong cuộc có lẽ không bị kỷ luật, nhưng uy tín cá nhân ít nhiều bị ảnh hưởng vì đã qua lăng kính “săm soi” của dư luận.
Không phải bây giờ những chuyện tế nhị như giao lưu, tiệc tùng, hiếu hỷ… liên quan đến cán bộ mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước đó, dư luận đã từng ồn ào về những thông tin như: Có quan chức mời ăn hiếu hỷ của gia đình mình lại ghi tên trên tấm thiệp gắn với những dòng chữ khá nhạy cảm như “Ủy ban kiểm tra…”, “Phó ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng…”; có vị lãnh đạo thông báo việc tang cha ra khắp các cơ sở làng xã bằng công văn dấu đỏ; có cán bộ phân công nhân viên thuộc quyền đến giúp việc cưới con gái của mình bằng lịch công tác hẳn hoi…
Cán bộ trước hết cũng là con người. Mà con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, do đó ai cũng phải giải quyết các mối “quan hệ tổng hòa” ấy. Nhưng với cán bộ lãnh đạo, việc giải quyết các mối quan hệ ấy cần phải hết sức tế nhị, khéo léo, công tâm, nhất là các mối quan hệ mật thiết đến việc riêng tư của cá nhân, gia đình mình. Nếu tổ chức việc riêng tư mà quá rình rang, linh đình, làm ảnh hưởng đến nhiều người dưới quyền, gây phiền hà cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, sẽ tạo dư luận không tốt.
Người xưa có câu “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, phần lớn người dân đã trở thành “cư dân mạng”, thế nên bao nhiêu “tiếng lành", "tiếng dữ”, lẽ hay, điều dở, cái đúng, cái sai… của con người, thậm chí cả những chuyện giao tiếp ứng xử của mỗi cá nhân cũng rất dễ bị thu thập, tán phát, lây lan nhanh trong cộng đồng mạng. Nếu không muốn để dư luận có lời bàn tán ồn ào thị phi, mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, rất nên cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong ứng xử, giải quyết các mối quan hệ riêng tư của cá nhân và gia đình. Vì trên thực tế, từng có người bị “giáng chức", "hạ cấp” do phát ngôn không đúng lúc, đúng chỗ; từng có cán bộ bị giảm sút uy tín do thiếu tế nhị khi mời ăn cưới con một cách tràn lan; từng có quan chức bị kiểm điểm do tổ chức tiệc tùng quá đà, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế-xã hội của địa bàn công tác… Nhắc lại những chuyện không vui đó để thêm một lần khuyên nhủ, cảnh tỉnh đối với tất cả những ai đang “ăn cơm Nhà nước, ở nhà công” biết được vị trí, vai trò của mình trong xã hội để không sa đà vào những chuyện cá nhân dễ làm “chướng tai gai mắt” dư luận!
Nên nhớ rằng, mỗi cán bộ, dù to hay nhỏ, đều là “hình ảnh đại diện” của một tổ chức, cơ quan, đơn vị nhất định. Một khi “hình ảnh đại diện” càng có suy nghĩ, việc làm trong sáng, lành mạnh, tốt đẹp bao nhiêu, thì tập thể càng được “thơm lây” bấy nhiêu. Ngược lại, “hình ảnh đại diện” mà có thái độ, cử chỉ, hành vi chưa phù hợp với đạo đức xã hội và luật pháp, chưa hướng tới mục đích nhân văn cao cả của con người, thì chắc hẳn những người trong tập thể đó ít nhiều cũng bị “mang tiếng” lây. Nói ra điều này không mới, nhưng lại luôn có ý nghĩa thời sự đối với đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị.
THIỆN VĂN/QĐND