Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 21/2/2016 20:44'(GMT+7)

Lễ hội Lim 2016: Điểm sáng mùa lễ hội

Các nghệ nhân quan họ hát đối đáp tại Lễ hội Lim 2016. (Ảnh: QĐND)

Các nghệ nhân quan họ hát đối đáp tại Lễ hội Lim 2016. (Ảnh: QĐND)

Văn minh, sinh động hơn

Trong hai ngày 19 và 20-2 (tức 12 và 13 tháng Giêng âm lịch), tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh diễn ra Lễ hội Lim năm 2016. Lễ hội Lim, hội hát quan họ đặc sắc nhất bao đời nay đã trở thành điểm thu hút mỗi mùa lễ hội tại tỉnh Bắc Ninh-địa phương sở hữu hơn 500 lễ hội lớn nhỏ.

Tỉnh lộ 295B đã được nâng cấp nên dù phương tiện lưu thông đông nhưng cũng không xảy ra tắc đường. Sức hút của Lễ hội Lim kéo hàng chục nghìn du khách về dự hội nhưng không hề lộn xộn như những năm trước, các hàng quán, điểm trông xe giờ đây khá gọn gàng, quy củ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tiên Du, Phó trưởng ban chỉ đạo lễ hội, cho biết: “Lễ hội năm nay có nhiều thuận lợi vì được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đặc biệt năm nay ban tổ chức lễ hội tập trung cao độ làm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Đồng thời, lãnh đạo địa phương đã huy động lực lượng bảo vệ an ninh; kiên quyết không để tình trạng cờ bạc trá hình, bán hàng bừa bãi, ăn xin… hoạt động tại lễ hội”.

Tại khu vực trung tâm lễ hội ở đồi Lim, Ban tổ chức đã tổ chức hát quan họ tại 6 lán và trên sân khấu chính của lễ hội, hát tại cửa đình, cửa chùa, dưới thuyền tại 10 làng thuộc 3 xã xung quanh đồi Lim, các lán này sẽ có các nghệ nhân, câu lạc bộ từ các làng quan họ gốc về hát. Kèm theo đó là một số các gian hàng bày bán các sản phẩm truyền thống của Bắc Ninh, khu vực đấu vật, cờ người, đập niêu, tổ tôm điếm... Một điểm “cộng” cho lễ hội Lim năm nay là hiện tượng liền anh, liền chị ngả nón xin tiền gần như không còn. Tại các lán hát quan họ trên đồi Lim, hay thuyền hát ở ao đình, mọi người trật tự đứng nghe các liền anh, liền chị khoe giọng. Ở cuối các thuyền rồng được đặt một chiếc hòm nhỏ, nếu nghe thấy hay và yêu cầu liền anh liền chị hát bài hát nào, du khách có thể thưởng vài chục nghìn đồng. Theo ý kiến của một vài du khách, thưởng tiền cho người hát quan họ cũng là một nét đẹp, thể hiện sự tôn trọng, mến mộ và cảm ơn các liền anh, liền chị đã hát say sưa. Năm nay, tuy vẫn có liền anh, liền chị mời khách mua đĩa, sách bài hát nhưng giá cả rất hợp lý và tục thưởng tiền, mời trầu đã trở lại với nét đẹp thanh nhã ngày xưa. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số hình ảnh xấu như khách du lịch trải chiếu ngồi ăn uống, nhậu nhẹt gần với các lán hát; một số tụ điểm bán và cho thuê quần áo quan họ để chụp hình hết sức lộn xộn, gây mất mỹ quan lễ hội.

Không lựa chọn tham dự những hoạt động náo nhiệt, nhiều du khách lại chọn cách vào làng nghe hát canh buổi tối để được thưởng thức quan họ cổ. Nghe lời giới thiệu của nhiều đồng nghiệp, chúng tôi về nhà cựu chiến binh Nguyễn Năng Dụ (thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) thưởng thức hát canh. Hát canh có thể gọi là một nghi lễ, được thực hiện ngay trước ban thờ của nhà chủ, với hình thức hát đối đáp gồm 3 phần mời trầu, vân vi, giã bạn. Theo một liền chị, để hát được một bài quan họ cổ không dễ chút nào, chất giọng phải luyến láy tốt, vang, rền, nền, nảy. Các liền chị ngày thường đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, vì niềm đam mê mà theo hát quan họ đến tận bây giờ...

Có đi dự Hội Lim, có đi vào tận những ngôi nhà đơn sơ trong ngõ làng để nghe hát canh mới thấy hết giá trị của dân ca quan họ đã vượt ra ngoài biên giới để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với việc đầu tư kinh phí xây dựng các công trình, hạng mục mới và nỗ lực tổ chức Hội Lim ngày một chuyên nghiệp, tin rằng những năm sau, Hội Lim sẽ tiếp tục trở thành một “điểm sáng” mùa lễ hội.

Còn đó những nỗi lo


Sau hơn 6 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chuyện gìn giữ và phát huy bảo tồn di sản quý báu này nhìn từ vùng đất tổ chức Hội Lim danh tiếng có vẻ ngày càng có nhiều điều đáng mừng. “Vốn” quan họ cha ông truyền lại cho người dân huyện Tiên Du thật quý với 9 làng quan họ gốc và 10 cá nhân được phong tặng nghệ nhân quan họ. UBND huyện Tiên Du đã thực hiện nghiêm túc Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh. Trao đổi phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cán bộ tiền khởi nghĩa, nghệ nhân quan họ Nguyễn Thừa Kế (97 tuổi), tâm sự: “Chúng tôi rất cảm ơn các việc làm mà chính quyền tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du đang thực hiện nhằm gìn giữ và phát huy giá trị quan họ Bắc Ninh. Ở tuổi gần đất xa trời, cá nhân tôi mong muốn lớp trẻ có lợi thế về thanh sắc, cần được quan tâm hơn để lưu giữ những bài quan họ cổ, dần thay thế những nghệ nhân cao tuổi tiếp tục truyền dạy cho lớp sau giúp quan họ trường tồn cùng người Kinh Bắc, cùng dân tộc”.

Ý thức được điều sống còn là quan họ được bảo tồn tốt nhất là nằm trong tâm trí của cộng đồng, nhiều năm qua, huyện Tiên Du đã tập trung khôi phục và đẩy mạnh phong trào ca hát quan họ trong quần chúng, lan tỏa ở khắp cộng đồng. 68/68 thôn, làng đều thành lập CLB, đội văn nghệ quan họ và hoạt động tích cực nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ kinh phí của huyện. Hội Lim cho đến các hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca quan họ từ cấp cơ sở đến huyện được tổ chức thường xuyên, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Đó là lý do vì sao ở vùng đất Tiên Du chẳng kể đến dịp lễ mà ngày bình thường những cán bộ hưu trí, chị hàng xén cho đến những cháu bé đang học mẫu giáo lớn, ai cũng đều thổ lộ niềm tự hào về quan họ, tình yêu với quan họ và ít nhiều có thể hát được những bài quan họ phổ biến.

Tuy nhiên, không phải không còn đó những nỗi lo trước nhịp sống gấp, sự xâm lăng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai đối với sự tồn tại bền vững của quan họ. Trò chuyện với các liền chị vừa đạt giải Hội thi hát dân ca quan họ Bắc Ninh Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi mới biết một thực trạng đáng lo là lớp trẻ ngày càng ít người học hát quan họ cổ. Phần lớn những người trẻ chỉ học hát dăm ba bài quan họ phổ biến để đi “giao lưu”, để cho người khác biết mình là người Kinh Bắc, còn quan họ cổ thì khó học, thời gian eo hẹp và cũng vì không lấy việc hát làm nghề hay làm vui nên theo học cũng chẳng để làm gì. Chính vì thế những liền chị hát vững quan họ cổ đã lên chức bà nội, bà ngoại may mắn lắm cũng chỉ “tuyển” được vài ba học trò đã qua tuổi... tứ tuần.

Thực trạng này không phải các cơ quan chức năng huyện Tiên Du không biết, nhưng để giải quyết cần kế hoạch dài hơi và cần thời gian để kiểm nghiệm được hiệu quả. Ông Ngô Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Tiên Du, cho biết: “Hiện nay, công tác truyền dạy quan họ trong các trường học, mở các lớp học cho các em thiếu nhi trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai. Ngoài ra còn rất nhiều lớp học tại các thôn, làng do các nghệ nhân tâm huyết truyền dạy miễn phí dành cho mọi đối tượng. Với cách truyền dạy bài bản về kỹ năng ca hát và lề lối của dân ca quan họ, chúng tôi tin rằng sau vài năm nữa sẽ xuất hiện nhiều người trẻ có nền tảng tốt từ kiến thức cho đến trình diễn quan họ”.

Hội Lim đến hẹn lại lên, qua từng mùa lễ hội, ai yêu câu hát quan họ đều mong lễ hội nổi tiếng ngày càng phát triển. Và nhất là trên sân khấu ngày hội, những liền anh liền chị trẻ đẹp xuất hiện ngày một nhiều hơn./.

Theo: Hoàng Hoàng-Lê Hiếu/Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất