Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 26/8/2010 9:24'(GMT+7)

Cán bộ Tuyên giáo cần có tấm lòng yêu nước, thương dân, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi

Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn TW. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn TW. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn TW, trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tuyên giáo nhân kỷ niệm 80 năm truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Đầu đề là của Tòa soạn.

PV: Là một cán bộ lâu năm hoạt động trên lĩnh vực Tuyên giáo, đồng thời là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đầu tiên khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, xin đồng chí chia sẻ với bạn đọc những cảm nghĩ sâu sắc của mình về công tác tư tưởng từ khi đổi mới đến nay?

Đồng chí Trần Trọng Tân: Cảm nghĩ sâu sắc của tôi về công tác tuyên giáo từ khi đổi mới đến nay là rất phấn khởi. Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới đã có nhiều sáng tạo trong suy nghĩ, trong nhận định tình hình các mặt, trong việc đề ra các chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại. Mặc dầu việc chỉ đạo thực hiện có không ít khuyết điểm nhưng những thành quả đạt được của công cuộc đổi mới là rất to lớn. Góp phần vào sự sáng tạo đó có ngành Tuyên giáo chúng ta trong việc làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền văn hóa giáo dục trong hệ thống chính trị và cả xã hội.

Sự sáng tạo trong lãnh đạo của Đảng có sự đóng góp của ngành Tuyên giáo nổi lên các điểm sau đây:

1/ Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã yêu cầu "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", coi việc nhận thức đúng tình hình thực tế khách quan, là điều kiện quan trọng hàng đầu, để có hướng đổi mới đúng đắn.

2/ Đến Đại hội VI, đã nêu lên 4 bài học: phải lấy dân làm gốc; phải nhận thức và hành động đúng theo quy luật khách quan; phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới; phải xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3/ Đi vào đổi mới đã nêu rõ, trước hết phải đổi mới tư duy. Phải nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo chẳng những lý luận Mác-Lênin mà còn cả tư tưởng Hồ Chí Minh.

4/ Trong đổi mới tư duy thì trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, phải hiểu đúng và nắm vững quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Về quan hệ sản xuất cần được hiểu là mối quan hệ giữa người và người không chỉ trong quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà còn cả trong quan hệ quản lý và phân phối. Hiểu đúng và vận dụng đúng quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

5/ Đổi mới về kinh tế phải đồng thời với đổi mới về chính trị nhưng phải coi đổi mới về kinh tế là căn bản. Đổi mới chính trị phải thực hiện từng bước vững chắc. Coi việc giữ ổn định chính trị là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện đổi mới.

6/ Coi con người vừa là động lực, coi khoa học công nghệ cùng với giáo dục là quốc sách hàng đầu.

7/ Đảng cũng đã sớm nhận định về 4 nguy cơ: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ về tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nguy cơ về xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; nguy cơ về âm mưu "diễn biến hòa bình" thực hiện 4 “hóa", gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Bốn "hóa" đó là : - Tư nhân hóa triệt để nền kinh tế. - Đa nguyên hóa chính trị có Đảng đối lập để gây rối. - Vong bản hóa về văn hóa - Làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam hóa thành một Đảng vỏ đỏ ruột vàng tức là vẫn giữ tên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng chủ trương chính sách thì xa rời quyền lợi của nhân dân lao động, xa rời mục tiêu giải phóng con người.

8/ Đổi mới công tác đối ngoại là thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế; hội nhập với thế giới phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững độc lập chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước vì hòa bình độc lập và phát triển; thực hiện bình thường hóa trong quan hệ với Mỹ, với Trung Quốc, tham gia hoạt động trong khối ASEAN.

9/ Trong đổi mới hệ thống chính trị phải coi xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vấn đề then chốt, quy định trách nhiệm phản biện giám sát cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Mấy năm nay đã mở Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

10/ Về đổi mới trong công tác tư tưởng văn hóa là phải mở rộng hình thức tranh luận, đối thoại, phải phát huy tự do tư tưởng, độc lập suy nghĩ, khuyến khích hoài nghi khoa học. Chân lý chỉ được đánh giá qua kiểm nghiệm trong thực tiễn, không phụ thuộc vào áp lực của dư luận xã hội, vào sự thừa nhận hay không thừa nhận của đa số. Phải hiểu đúng ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật văn hóa để có nhận xét, phê bình đúng đắn, tránh qui kết chụp mũ vội vàng về sai lầm chính trị trong đánh giá các công trình sáng tạo văn học nghệ thuật. Thực hiện tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng tôn giáo, đánh giá đúng mặt đóng góp tích cực của tôn giáo vào lịch sử tư tưởng văn hóa và đạo đức dân tộc.

PV: Là người công tác lâu năm trên mặt trận tư tưởng văn hóa, theo đồng chí đâu là những phẩm chất tiêu biểu nhất cần có của người cán bộ Tuyên giáo?

Đồng chí Trần Trọng Tân: Những phẩm chất tiêu biểu nhất cần có của người cán bộ Tuyên giáo theo suy nghĩ của tôi là:

1/ Nêu gương tốt về người đảng viên cộng sản, được quần chúng tin yêu.

2/ Thích thú với công tác Tuyên giáo. Ham tự học để nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt. Ngoài hiểu đúng hiểu sâu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam còn phải có vốn hiểu biết về tin học, về ngoại ngữ, ít nhất là Anh ngữ và những hiểu biết khác có quan hệ đến việc mình đang đảm trách.

3/ Luôn suy nghĩ, tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của công nhân, nông dân, trí thức, chú ý mở rộng giao tiếp xã hội. Luôn động não để tìm mưu, hiến kế, chú trọng rèn luyện về nói và viết.

PV: Trong đội ngũ cán bộ Tuyên giáo hiện nay, có mặt nhiều cán bộ trẻ, đồng chí có nhắn nhủ gì không?

Đồng chí Trần Trọng Tân: Tôi chân thành nhắn nhủ các bạn trẻ là cần phát huy lòng yêu nước, thương dân, dám nghĩ, dám làm, tranh thủ thời gian tự học, tự rèn luyện mình để trở thành những cán bộ Tuyên giáo có những phẩm chất tiêu biểu như đã nêu trên. Tôi mong thế hệ trẻ ngày nay có sự cố gắng lớn để có thể làm công tác Tuyên giáo giỏi hơn thế hệ trước, thích hợp với yêu cầu mới về xây dựng hệ thống chính trị, trong đó chủ yếu là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, thích hợp với trình độ dân trí mới, thích hợp với sự phát triển mới của đất nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thích hợp với bối cảnh của thời đại mới đang có những biến đổi rất mau chóng về nhiều mặt.

Tôi tin các bạn trẻ sẽ đáp ứng được lòng mong đợi đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất