Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 25/8/2010 22:8'(GMT+7)

Sự thật đằng sau một “tuyên bố”

Hình ảnh Lý Tống sau khi bị bắt tạm giam. Ảnh: ktvu.

Hình ảnh Lý Tống sau khi bị bắt tạm giam. Ảnh: ktvu.

Vậy sự vụ như thế nào?

- Ngày 18-7-2010, tại Santa Clara Convention Center, thành phố San Jose, California (Mỹ), trong buổi biểu diễn của ca sĩ Việt Nam Đàm Vĩnh Hưng, Lý Tống đã cải trang làm phụ nữ lên tặng hoa, rồi bất ngờ xịt hơi cay vào mặt Đàm Vĩnh Hưng... Ngay sau đó Lý Tống đã bị cảnh sát bắt. Vụ việc này đã làm xôn xao dư luận Mỹ và Việt Nam, nhiều người rất phẫn nộ về hành vi của Lý Tống. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 21-7-2010, tòa án Santa Clara đã tuyên bố Lý Tống phạm 5 tội: Đột nhập trái phép; Sử dụng hơi cay trái phép; Xóa mã số hơi cay; Hành hung người khác; Chống lại nhà chức trách. Sau đó Lý Tống bị tạm giam và nộp 52.000 USD. “Nếu muốn tại ngoại thì y phải nâng số tiền lên 100.000 USD”.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong buổi biểu diễn tối 24/7. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hành vi vô cớ tấn công người khác đã từng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, như các vụ xả súng ở nhiều trường học ở Hoa Kỳ, ở Anh... và gần đây là vụ tấn công trẻ em ở Trung Quốc… Đó là hành vi phạm tội hình sự nghiêm trọng. Tất nhiên, dư luận xã hội bức xúc về những hành vi đó, nhưng đôi khi người ta cũng chia sẻ với kẻ gây ra tội ác do những hoàn cảnh xã hội khiến cho họ mất phương hướng, tuyệt vọng trong cuộc sống, dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình. Còn trường hợp của Lý Tống thì hoàn toàn khác. Đây là hành vi xâm phạm “Tự do thân thể, sức khỏe” của người khác, đồng thời mang tính chính trị(*). Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế và của Pháp luật Việt Nam, đó là hành vi khủng bố.

- Về mặt pháp luật và chính trị, Lý Tống tấn công Đàm Vĩnh Hưng vì anh là “Ủy viên thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Mục đích của y là: “Mở đầu cuộc chiến chống Văn nô Cộng sản” (trích tuyên bố)… Như mọi người đều biết, đây không phải là lần đầu tiên Lý Tống phạm tội khủng bố.

+ Năm 1992, Lý Tống khống chế máy bay của Vietnam Airline, rải truyền đơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Năm 2000, y bay từ Hoa Kỳ sang Cu-ba, rải truyền đơn ở La Ha-ba-na.

+ Cùng năm đó, bất chấp không còn bằng lái, y cướp máy bay ở Thái Lan bay sang Thành phố Hồ Chí Minh rải truyền đơn.

+ Năm 2008, Lý Tống cướp máy bay của Hàn Quốc định bay sang Triều Tiên rải truyền đơn nhưng không thành. Đó là chưa kể vụ y có ý định bay sang Trung Quốc rải truyền đơn trong dịp Thế vận hội Bắc Kinh.

Hành vi phạm tội của Lý Tống là đặc biệt nghiêm trọng vì nó đã vi phạm an ninh của nhiều quốc gia có chủ quyền, gây phương hại đến quan hệ quốc tế. Thêm nữa, trong vụ xịt hơi cay Đàm Vĩnh Hưng, Lý Tống đã vi phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác vì động cơ chính trị.

Về mặt đạo lý, Lý Tống đã làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài và của chính nước Mỹ (vì Lý Tống mang quốc tịch Mỹ). Hầu hết người Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn hòa hợp dân tộc, mong muốn được đem sức người, sức của, tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là: Thực hiện đại đoàn kết dân tộc... “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Có thể nói, đồng bào ta khi rời khỏi đất nước, mỗi người một hoàn cảnh, một lý do khác nhau. Không ít người vì hoảng sợ do bộ máy tuyên truyền của đối phương, rằng “sẽ có tắm máu” khi Việt Cộng vào Sài Gòn mà trở thành “thuyền nhân” bất đắc dĩ. Tuy nhiên, phần lớn đồng bào ta vẫn hướng về Tổ quốc, nhất là từ khi Đổi mới bắt đầu đến nay.

Trên lĩnh vực âm nhạc, nhiều tài năng lớn, tầm cỡ quốc tế đã trở về sinh sống, sáng tác biểu diễn phục vụ đồng bào mình. Chính phủ đã tạo điều kiện cho nhiều người được mang hai quốc tịch để tiện việc sinh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê - “Người Việt Nam duy nhất được ghi tên trong Từ điển Bách khoa âm nhạc thế giới”, là người đã từng giảng dạy ở nhiều viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng, là người sáng lập “Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông Phương”. Ông đã trở về sinh sống ở Việt Nam (từ năm 2004). Ông tâm sự: “Điều hạnh phúc là được về sống tại quê nhà, được nói chuyện với người Việt Nam về âm nhạc Việt Nam trên mảnh đất Việt Nam”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo - người được ghi tên trong hai cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp - Từ điển Le petit La RousseLe petit Robert. Ông được giáo sư âm nhạc tài ba người Pháp - Olivier Messiaen, nhận xét: “Nguyễn Thiện Đạo là nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ XX”. Ông cũng đã trở về sống ở Việt Nam. Cách đây không lâu ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam mời viết tác phẩm âm nhạc quan trọng phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ông nói: “Người sáng tác phải bám sát cuộc sống, hơi thở của mảnh đất quê hương với trái tim mãi thuộc về dân tộc”.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhiều thập kỷ sống ở Pháp, ở Mỹ, cũng đã trở về quê hương. Ông đã bày tỏ niềm hạnh phúc và biết ơn Chính phủ và mọi người đã dành nhiều ưu ái cho gia đình ông.

Gần đây, theo báo chí trong và ngoài nước, đang có “một làn sóng” nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn. Trong đó có Ý Lan, Lê Thu, Tuấn Ngọc, Hương Lan, Khánh Hà, Giao Linh, Thái Châu... Cảm nhận chung của các nghệ sĩ khi trở về Tổ quốc là vô cùng hạnh phúc khi được biểu diễn trên quê nhà.

Tất nhiên, lần trở về đầu tiên thường không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí cả sự mặc cảm nào đó. Tuy nhiên, những nhân cách lớn, những người Việt Nam thật sự yêu quý Tổ quốc, dân tộc đã và sẽ vượt qua mọi khó khăn khách quan và khó khăn của chính mình để hòa chung với nhịp đập của con tim Việt Nam.

Thực tế cho thấy tất cả mọi người Việt Nam trở về Tổ quốc đều được chính quyền, đồng nghiệp và nhân dân đón nhận với những tình cảm nồng ấm. Không ai bị tấn công, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cho dù trên báo in hoặc báo mạng. Đó là nét tương phản dễ nhận thấy qua sân khấu tại Việt Nam và vụ Lý Tống kể trên.

Trở lại tờ Tự do ngôn luận, với việc đăng tải toàn văn, không một lời bình luận “Tuyên bố về vụ Lý Tống-Đàm Vĩnh Hưng”, trong đó người ta đã tôn kẻ khủng bố quốc tế thành “người hùng”, hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe, danh dự của người khác là “nghĩa cử anh hùng”... cho thấy: Thứ nhất, những điều ghi trong Tuyên ngôn của tờ Tự do ngôn luận về tự do, dân chủ, nhân quyền, chỉ là giả dối. Thứ hai, về bản chất, tờ Tự do ngôn luận chỉ là một công cụ của các thế lực thù địch đang ráo riết phá hoại chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, phá hoại sự ổn định và phát triển của Việt Nam. Thứ ba, với một nhân vật có lý lịch bất hảo như Lý Tống mà tờ Tự do ngôn luận lại ngưỡng mộ, thì có thể xem tờ báo này là lực lượng hậu thuẫn cho khủng bố quốc tế. Đó là bộ mặt thật của tờ Tự do ngôn luận.

(*) Bộ Tư pháp, Điều 84, Tội khủng bố “Bộ luật Hình sự mới” của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.197./.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất