Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 17/6/2012 18:29'(GMT+7)

Cần có cái nhìn khách quan về sân golf

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1946/2009/QĐ-TTg, tổng hợp các dự án đã đăng ký, cả nước có tới 166 sân golf. Thực hiện Quyết định số 1946, đã có 76 sân golf bị loại bỏ, thu hồi 15.600 ha đất. 90 sân golf có trong quy hoạch; sau đó 3 sân tiếp tục bị rút khỏi quy hoạch, còn 87 sân. Các sân golf vượt qua đợt sát hạch này đã được bố trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, không có đất lúa 2 vụ, nhưng có một tỷ lệ nhỏ đất lúa một vụ. Sau đó, do các địa phương đồng loạt đề nghị đưa thêm 42 sân golf vào hệ thống quy hoạch sân golf quốc gia đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất đưa thêm hơn 20 sân golf vào quy hoạch.

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được phê duyệt. Thay vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/2012/CT-TTg (ngày 18/4/2012) về quản lý quy hoạch sân golf. Theo Chỉ thị, trừ các dự án đã xây dựng, những dự án sân golf còn lại phải hoàn toàn loại bỏ đất lúa ra khỏi diện tích xây dựng (kể cả lúa một vụ). Nhiều dự án trong quy hoạch (đã có từ trước và được đề xuất bổ sung) vướng vào điều cấm này đều có thể bị gạt ra khỏi danh sách. Ngược lại, điều này cũng có nghĩa là bản quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cũng không phải là “cứng” như đề xuất, mà những dự án mới đủ điều kiện vẫn có thể được cấp phép.

Là một chuyên gia kỳ cựu về đầu tư, GS- TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần coi golf như một môn thể thao đích thực để tạo nên môi trường đầu tư tốt tại Việt Nam. Vấn đề là lựa chọn địa điểm xây dựng sân golf phù hợp, đảm bảo không xâm phạm vào đất lúa; đồng thời có chính sách thuế tách bạch phân minh giữa đầu tư kinh doanh sân golf với đầu tư bất động sản và các hợp phần khác trong cả một dự án du lịch lớn... Vấn đề môi trường của dự án sân golf cũng sẽ không đáng lo ngại nếu những quy định đã có được thực hiện đúng trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Còn ông Jeff Puchalski- Giám đốc Điều hành Fore Golf Asia, một công ty tư vấn quản lý sân golf, thì lưu ý rằng, đây mới chỉ là những con số được đề xuất đưa vào quy hoạch. Không nên lo ngại rằng số dự án là “quá nhiều”, bởi những dự án này có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào bài toán kinh tế của nhà đầu tư. Nếu không có đủ người chơi golf (bao gồm số người chơi golf tại Việt Nam và số người nước ngoài vào Việt Nam chơi golf kết hợp với du lịch) để lấp đầy các sân golf mới, thì họ chắc hẳn sẽ không tiếp tục phát triển sân golf nữa.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm nêu trên, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng, các dự án sân golf đã và có thể đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương mình. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, 29 sân golf đã đi vào hoạt động đã đóng góp khoảng 505 tỷ đồng vào ngân sách; giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 1,5- 2,5 triệu đồng/người. Cảnh quan ở nhiều khu vực có sân golf phát triển vốn là đất trống, đồi trọc, cồn cát ven biển... đã có sự thay đổi tích cực, trở thành những điểm đến hấp dẫn.

Quả thực, đã đến lúc xóa đi những kỳ thị thiếu cơ sở đối với các dự án sân golf, nêu rõ và xử lý dứt điểm những dự án không phù hợp; đồng thời dọn sạch môi trường đầu tư cho những nhà đầu tư nghiêm túc, tuân thủ đúng luật pháp./.

Quang Duy (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất