Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc khó khăn của cách mạng.
Trong Ðảng không có dân chủ thì đời sống của Ðảng sẽ trở nên "âm u". Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: "Trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Theo Người, để làm cho Ðảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ, trong Ðảng "Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". Ðồng thời, Người luôn nhấn mạnh yêu cầu thường xuyên vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng bằng nhiều hình thức, như: tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng; đóng góp nhiều ý kiến cho các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên với tinh thần xây dựng; giới thiệu những người ưu tú để Ðảng xem xét kết nạp vào Ðảng; kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên...
Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Ðảng ta không ngừng phát huy, mở rộng dân chủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng trước khi quyết định đều được lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong việc lựa chọn cán bộ, đảng viên tham gia ứng cử đại biểu trong các tổ chức Ðảng, Quốc hội và HÐND các cấp; đồng thời, nhân dân tích cực tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú... Thông qua việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI), nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được quần chúng nhân dân phát hiện, phản ánh để các cơ quan chức năng tiến hành xác minh làm rõ, xử lý có hiệu quả, góp phần xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, cùng với cả nước, Tỉnh ủy Bình Thuận đang tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là không ngừng mở rộng dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân góp ý kiến xây dựng Ðảng. Bên cạnh việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết trong nhân dân đã được đẩy mạnh. Tỉnh ủy đã có Thư ngỏ đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia góp ý cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Báo Bình Thuận, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đăng, phát toàn văn nội dung Thư ngỏ của Tỉnh ủy trên báo, đài, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng; từ đó, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Ðảng, góp phần đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Từ thực tiễn tại Ðảng bộ tỉnh Bình Thuận, chúng tôi xin trao đổi một số giải pháp về mở rộng dân chủ, để nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Ðảng hiện nay:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức đúng đắn của cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Ðảng. Dân chủ phải đi đôi với tập trung; quyền tập trung càng đề cao, uy tín của Ðảng càng được nâng lên; phát huy dân chủ rộng rãi trước tiên là trong Ðảng, sau đó là trong toàn xã hội. Phát huy dân chủ đồng thời phải chống dân chủ cực đoan, dân chủ không tuân theo kỷ cương, phép nước.
Thứ hai, tổ chức cho tất cả cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện tốt việc tự phê bình của cán bộ, đảng viên trước quần chúng kể cả nơi công tác và nơi cư trú. Thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân; kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục làm tốt công tác nắm thông tin, tình hình tư tưởng nội bộ và dư luận xã hội để định hướng, xử lý kịp thời; xây dựng và ban hành quy định về chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo định kỳ giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp với nhân dân để chủ động nắm, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước, địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền giám sát của mình (trực tiếp và gián tiếp) thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần xây dựng Ðảng, chính quyền ngay tại địa phương, cơ sở.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát huy dân chủ trong sinh hoạt Ðảng. Thông qua sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên được trình bày quan điểm, chính kiến của mình trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Ðảng, được bảo lưu ý kiến và kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm của Ðảng. Ngược lại, ý kiến xây dựng của đảng viên được tôn trọng là điều kiện để đảng viên phát huy tính tích cực trong sinh hoạt Ðảng. Ðồng thời, mỗi đảng bộ, chi bộ phải thường xuyên coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đúng thực chất, làm cho mọi người dân thật sự phát huy quyền làm chủ trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ngay ở cơ sở. Ðẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, rộng rãi; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Thứ sáu, thường xuyên nêu gương "người tốt, việc tốt" qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với những biểu hiện sa sút, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của số phần tử xấu, các thế lực thù địch đối với Ðảng, Nhà nước ta.
Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận