Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 21/5/2009 17:10'(GMT+7)

Cần một qui trình chuẩn

Cổng đền Kim Liên

Cổng đền Kim Liên

Sau khi dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng về các sai phạm trong việc tu bổ, tôn tạo một số di tích, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá tại các di tích ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định và thành phố Hà Nội.

Kết luận của đoàn kiểm tra cho thấy, cùng với nhiều di tích sau khi tu bổ đảm bảo tính nguyên gốc, nâng cao hiệu quả về nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử, một số dự án được trùng tu bằng nguồn vốn của địa phương còn nhiều vi phạm... Điều này cho thấy cần thiết phải xây dựng một qui trình chuẩn về tu bổ, tôn tạo di tích.

Dự án trùng tu di tích Đình Đông Tảo bị đình chỉ do
 bị dỡ đi làm mới hoàn toàn

Dự án chương trình mục tiêu quốc gia được đảm bảo

Trong số 15 di tích được kiểm tra trong một tháng qua, có rất nhiều di tích dư luận lên tiếng về các sai phạm như: đền Và, đền Đô, chùa Dâu, đình Mông Phụ, đình Xuân Tảo… Nội dung mà đoàn kiểm tra gồm: qui trình quản lý Dự án đầu tư; việc tổ chức thi công, kỹ thuật thi công và giá trị của di tích sau khi tu bổ.

Theo kết luận của đoàn thanh tra, các dự án thực hiện bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá được tuân thủ đúng các qui định của Luật Di sản văn hoá đã thực hiện tốt qui trình đầu tư, xây dựng và các qui định về tu bổ di tích, kỹ thuật được đảm bảo. Sau khi tu bổ, giá trị của di tích được bền vững, đảm bảo tính nguyên gốc và hiệu quả về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử như: đình Đình Bảng, chùa Dâu, chùa Bổ Đà, chùa Kim Liên, đình Sùng Văn, chùa Keo, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền...

Cũng theo kết luận của đoàn kiểm tra, các đơn vị thi công chuyên ngành của Trung ương, các công trình tu bổ thực hiện đúng qui trình, tổ chức thi công khoa học, kỹ thuật thi công được đảm bảo yếu tố gốc của di tích. Trước ý kiến của một số người về việc tại sao khi trùng tu di tích, phải dỡ toàn bộ và làm lại từ đầu (từ chuyên môn gọi là hạ giải), ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản lý giải đây là việc làm bình thường khi đại trùng tu các di tích làm bằng gỗ.

Địa phương làm ẩu

Tuy nhiên, theo kết luận của đoàn kiểm tra, các dự án trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, thậm chí bằng nguồn vốn của địa phương, thường không thực hiện đúng qui trình tu bổ di tích, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng, như: chùa Trăm Gian, chùa Tiêu, đình Xuân Tảo...

Hầu hết các di tích này sai phạm ở kết cấu hoặc đưa một số vật liệu mới không đúng với tính chất của di tích. Ví dụ như: Tại đền Và (Hà Nội), việc tổ chức thi công chưa khoa học, tự động tháo dỡ tường, đưa hai sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc cảnh quan, gây phản cảm. “Thi công chưa khoa học” cũng là cụm từ được đưa ra nhận xét đối với việc trùng tu đình Thổ Hà (Bắc Giang).

Hai con voi đá trước cửa Đền Đô bị Đoàn
thanh tra đề nghị di dời

Tại đền Đô, việc đưa hai con voi bằng đá để trước cửa đền và lắp đèn chùm trong nội tự đền là sai quy cách và chưa xin phép, không phù hợp cảnh quan và tính chất di tích. Tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang), việc bảo quản kệ đựng kinh chưa tốt, máng nước xây mới lại được thiết kế vào tường di tích gây ảnh hưởng.

Việc sử dụng mạch vữa trên tường đá ong khi tu bổ đình Mông Phụ (Hà Nội) là không đúng kỹ thuật. Tại chùa Trăm Gian, đoàn thanh tra còn phát hiện quy trình tu bổ không được thực hiện đầy đủ, trong đó hồ sơ thiết kế chi tiết chưa hề được Bộ phê duyệt. Hay như đình Xuân Tảo (Xuân Đỉnh- Hà Nội), đã được “dỡ trắng” ra làm lại với những vì kèo, cột hoàn toàn mới, chưa xong đã nứt nẻ, dở dang, cấu trúc hoàn toàn thay đổi.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch - Phó trưởng đoàn kiểm tra cho biết, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Ban quản lý các dự án khắc phục ngay sai phạm. Đoàn thanh tra cũng đã đình chỉ ngay việc thực hiện dự án trùng tu đình Xuân Tảo để khắc phục hậu quả. 

Cần thiết phải xây dựng một qui trình chuẩn

Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho rằng: nguyên nhân của những tồn tại trong việc trùng tu, tôn tạo di tích là do các Ban quản lý đã chọn các đơn vị thiếu kinh nghiệm và chuyên môn khi trùng tu di tích. Cơ chế tu bổ di tích hiện nay rất hạn chế chỉ định thầu, mà thường thiên về đấu thầu. Do vậy, tại những địa phương tự tổ chức trùng tu, gói thầu thường thuộc về những đơn vị đưa ra mức giá phù hợp với điều kiện kinh phí, nhưng lại chưa có kinh nghiệm về tu bổ di tích. Chính vì thế, sắp tới, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch sẽ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, một trong số đó là Bộ kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Di sản sửa đổi. “Một trong những điểm quan trọng trong những điểm cần sửa đổi là công tác trùng tu di tích không nên bị chi phối bởi Luật Xây dựng. Chúng ta không đấu thầu mà nên chỉ định thầu. Nếu đấu thầu thì đơn vị không đủ chuyên môn vẫn có thể trúng thầu. Bên cạnh đó, cần ban hành một quy chế chuẩn về quy trình tu bổ di tích bằng gỗ. Nghề tu bổ di tích là một nghề chuyên môn sâu, người thợ thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề. Bộ dự kiến sẽ trình Thủ tướng cho phép thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho thợ trùng tu. Người thợ chỉ được tham gia thi công di tích khi có chứng chỉ đó" - Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nói.

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ cũng giao thanh tra Bộ chủ trì, tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo quản, và kỹ thuật trùng tu tu bổ di tích cho các lãnh đạo cấp quận, huyện của sở chuyên ngành, chánh thanh tra, trưởng phòng quản lý di tích./.

Ngày 19/5/2009, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Chỉ thị nêu rõ: để tăng cường công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, các sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn với trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý, tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đúng các qui trình, qui định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích... Cục Di sản văn hoá có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hoá; tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ và phát huy các giá trị di tích và hoạt động tu bổ trong cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về lập, triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Luật di sản văn hoá...

(Theo VOVnews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất