"Cũng có bạn bè, đồng nghiệp hỏi chúng tôi về tựa đề của bộ phim. Tại sao lại chọn "Bí thư Tỉnh ủy" mà không phải là "Cha đẻ khoán hộ" hay một cái tên nào đó đỡ khô khan hơn. Nhưng tự câu chuyện và nhân vật của bộ phim truyền hình có độ dài dự kiến 50 tập lựa chọn cái tên đó chứ không phải chúng tôi...", nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh, người trực tiếp lên kế hoạch sản xuất và biên tập bộ phim tâm sự. Chị cũng là người theo đuổi đề tài này đã từ lâu...
Nghe nói chị đã theo đuổi ý tưởng đưa “cha đẻ khoán hộ” lên phim từ rất lâu?
Lúc còn nhỏ, do mẹ tôi làm báo nên tôi đã được nghe kể về ông Kim Ngọc, về vị bí thư tỉnh ủy một đời đau đáu nỗi niềm khoán hộ. Hồi đó, tôi vẫn nghe người ta nói, rằng nhờ có ông mà người nông dân không chết đói, nhưng công lao đó của ông một thời coi như là một lỗi lầm nào đó mà tâm trí trẻ con của tôi không sao hiểu nổi. Từ niềm kính trọng và cả chút tò mò của tuổi mới lớn, tôi cứ âm thầm nghe và nhớ tất cả những gì người ta kể về ông, thế rồi tên ông đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi với nhiều câu hỏi mà không thể trả lời.
Nghề làm báo sau này giúp tôi nghe được nhiều câu chuyện truyền miệng về ông, có cả sự hư cấu giống như huyền thoại về một anh hùng hay đại loại như vậy. Tôi cũng đã để ý tìm nguồn tài liệu để tham khảo, tìm hiểu về khoán hộ, khoán chui cửa miệng của một thời nhưng hầu như chẳng có gì. Rồi ý tưởng thực hiện một bộ phim truyền hình dài tập về khoán hộ, về Bí thư Kim Ngọc cứ thôi thúc, nhắc nhở tôi phải bắt tay vào việc.
Tài liệu đã hiếm hoi mà vốn sống về nông thôn, về người nông dân của tôi lại thiếu hụt, gần như số không. Ký ức và sự hiểu biết của tôi về nông thôn gói gọn trong những năm đi sơ tán, nhưng hầu hết là ký ức gắn với trò nghịch ngợm con trẻ khi không bị bố mẹ quản lý. Muốn lắm mà chưa biết bắt đầu từ đâu, từ ai, từ cái gì?
Và hai lý do đó đã buộc chị phải tạm dừng một thời gian dài?
Đúng vậy. Tôi loay hoay khá lâu tìm cách viết kịch bản nhưng bất lực. Tâm sự với hai người bạn, ai cũng công nhận hay nhưng rất khó viết và chính họ cũng không biết bắt đầu từ cái gì? Tôi nhớ lúc đó vào tháng 12/2004, như có một cái gì đó thôi thúc mãnh liệt từ bên trong, tôi rủ một người bạn đi xe máy lên Vĩnh Phúc trong một ngày mưa gió ẩm ướt.
Hai chúng tôi ướt lướt thướt và người dính đầy bùn như lội ruộng về, tìm đến anh Kim Nam, con trai bác Kim Ngọc hiện là Giám đốc Sơ Tư pháp Vĩnh Phúc. Anh Kim Nam tiếp chúng tôi, thái độ lịch sự và hơi giữ ý nghe tôi trình bày ý tưởng về bộ phim. Chiều hôm đó, anh Kim Nam khoản đãi một trận rượu thật say rồi tiễn chúng tôi ra về như... an ủi.
Nhưng nhờ chuyến đi đó, nhờ câu chuyện rời rạc về cha vô cùng yêu kính của anh, tôi ngộ ra một điều, việc viết kịch bản về người Bí thư tỉnh ủy suốt đời nặng lòng với đất đai, với no đói của người nông dân là một việc vượt ra khỏi khả năng của tôi, nhất là khi câu chuyện diễn ra gần 50 năm. Nhưng cũng từ ngày đó tôi như canh cánh một món nợ lớn chưa trả, dù làm việc gì thì đôi lúc món nợ đó cũng quay lại giày vò tôi. Nhất định phải làm, nhất định phải tính một con đường khác...
Và con đường khác mà chị chọn chính là nhờ nhà biên kịch Vân Thảo?
Tôi nghĩ phải tìm một người đã từng sống, hít thở bầu không khí của nông thôn miền Bắc những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, hiểu cặn kẽ những khốn khó của thời đó trên mọi phương diện. Rất may, tôi làm quen và cộng tác với nhà văn quân đội, nhà biên kịch Vân Thảo.
Ông là người hiền lành, nhỏ nhẹ, luôn nép mình nhưng suy tư sâu sắc, đa chiều, điềm đạm và hơn hết là một người viết rất có trách nhiệm. Ông đã từng có hai kịch bản về nông thôn được VFC dựng thành phim mà khán giả đến giờ vẫn còn nhắc là Hương đất và Vui buồn sau lũy tre làng.
Đầu năm 2007, sau khi nghe tôi ngỏ lời mời, ông cười hiền lành nói: “Viết về khoán hộ và ông Kim Ngọc cũng hay đấy nhỉ?”. Tôi mừng quá reo lên: “Coi như bác nhận lời rồi đấy nhé”. Ngay sau đó tôi thảo công văn và về Vĩnh Phúc, đến thẳng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị giúp đỡ. Từ Ban Tuyên giáo đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nghe nói về bộ phim đều đồng tình ủng hộ.
Nhà văn đã ở lại Vĩnh Phúc hơn 3 tháng trời. Dù hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn một mình đi xe máy xuống các huyện, xã nơi đã từng làm khoán hộ, khoán chui để tìm gặp lại những người đồng chí, bè bạn, những người nông dân từng một thời gắn bó với Bí thư Kim Ngọc. Sạu đó, ông về Hà Nội viết miệt mài hơn 7 tháng trời thì xong kịch bản. Như là cơ duyên sắp đặt từ trước, bộ phim bấm máy đúng 30 năm sau ngày mất của Bí thư Kim Ngọc. Vừa mới đây ông được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh về những cống hiến cho đất nước.
Tái hiện cuộc sống, con người một vùng nông thôn ở vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng là một thử thách không nhỏ với đạo diễn Quốc Trọng?
Đạo diễn Quốc Trọng luôn phải nhận những phim “ba cực”, nghĩa là “cực khó – cực khô – cực khổ”. Cái đáng quý là anh Trọng luôn tìm mọi cách để làm phim tốt nhất trong điều kiện có thể mà ít khi nghe anh ấy than vãn hay kêu ca. Khi gặp đạo diễn Quốc Trọng để cùng lên Vĩnh Phúc liên hệ làm phim, nhà văn Vân Thảo cười hiền lành như có lỗi: “Tôi lại làm khó anh rồi”. Đỡ lo hơn khi chúng tôi đã nhân được sự trợ giúp hết lòng từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban tuyên giáo, Tỉnh đội Vĩnh Phúc... Có thể khi bộ phim trình chiếu, sẽ có nhiều chỗ khán giả chưa hài lòng, chưa thật thích, nhưng xin hãy hiểu, chúng tôi những người tâm huyết với đề tài và bộ phim này đã cố gắng làm hết khả năng có thể.
Với khán giả trẻ hôm nay, ông Kim Ngọc cùng khoán hộ - khoán chui là một cái tên, một khái niệm khá xa lạ. Sự thờ ơ của họ với một câu chuyện cũ, một con người cũ có thể xảy ra?
Tôi nghĩ, chuyện về người nông dân, về ruộng đất, về thóc gạo không bao giờ cũ. Hơn nữa ai cũng có một miền quê với những người thân, vì thế những câu chuyện sau lũy tre làng luôn rất dễ lay động tới sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt. Đất và người, Chuyện làng Nhô, Hương đất, Ma làng, Gió làng Kình... luôn thu hút sự quan tâm của dư luận cũng vì lẽ đó. Tôi tin Bí thư Tỉnh ủy khi lên sóng sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ.
DT theo Bảo Ngọc (VTV)