Tham dự giao lưu có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, 67 đại biểu thuộc 45 đoàn ngoại giao, đoàn nghị sĩ và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam và đông đảo nhân dân yêu mến Quan họ đã đến dự.
Đêm giao lưu văn hóa Quan họ
Sau khi tham quan Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Đêm giao lưu văn hóa Quan họ đã diễn ra tại đình Tam Tảo - địa chỉ quen thuộc thường xuyên tổ chức những canh hát dân ca Quan họ. Chương trình được tổ chức nhân năm Ngoại giao văn hóa khá công phu, thu hút sự quan tâm của các Đoàn ngoại giao và các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam.
Khán giả không chỉ được nghe hát mà còn được nghe giới thiệu về ý nghĩa, giá trị nổi bật của văn hóa Quan họ. Các đại biểu đã cùng thưởng thức các làn điệu dân ca Quan họ cổ không nhạc đệm; tìm hiểu về văn hoá của người quan họ, từ ẩm thực quan họ, trang phục quan họ đến những ca từ tình tứ trong từng làn điệu Quan họ.
Những bộ quần áo tứ thân được trang bị cho nữ Đại sứ và phu nhân của Đại sứ tại nước ta đã làm cho không khí giao lưu ấm áp, thân tình. Các “liền chị” nước ngoài duyên dáng tham gia biểu diễn và giao lưu với các diễn viên, nghệ nhân Quan họ.
Từ xa xưa dân ca Quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, vùng Kinh Bắc có tất cả 49 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ (44 làng ở Bắc Ninh, có 5 làng ở Bắc Giang) với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mà như để gọi nhớ nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam.
Người vùng Kinh Bắc, từ người già đến người trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Còn người chơi Quan họ sành điệu không những chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Họ hát dân ca Quan họ, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động trên đồng ruộng, hoặc hát trong các đám giỗ chạp. Mỗi dịp xuân về là mùa lễ hội, các làn điệu Quan họ lại vang lên với bao nhiêu câu hát trữ tình làm say đắm lòng người quan họ và lòng khách thập phương. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt Quan họ thường gắn liền với lễ hội, nhất là lễ hội đình, chùa.
Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp giữa một bên nam (liền anh) và một bên nữ (liền chị). Ở đó, lời ca, câu hát được sáng tạo một cách tài tình, đầy cảm xúc, làm say đắm lòng người, thấm đượm giá trị nhân văn.
Khi biểu diễn Quan họ, trang phục của các liền anh, liền chị mang nét đặc trưng riêng. Với liền chị là áo tứ thân, vấn khăn mỏ quạ, tay mang nón quai thao. Còn liền anh chỉnh chu với áo dài, khăn đóng.
Ngày nay, dân ca Quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu Quan họ ngày càng phong phú hơn và đều có phong cách riêng.
Giữ gìn và bảo tồn văn hóa Quan họ
Việc giữ gìn bảo tồn văn hóa Quan họ đã được các cơ quan hữu quan quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Hội Lim ngày hội lớn nhất hàng năm của làng quan họ diễn ra từ ngày 10 – 15 (tháng giêng âm lịch) là một hoạt động thường xuyên tôn vinh loại hình dân ca độc đáo này. Đến hẹn lại lên, các liền anh, liền chị đại diện cho 49 làng quan họ, cùng du khách bốn phương- những người yêu quan họ lại hội tụ về đây thưởng ngoạn thi tài và thưởng thức văn hóa Quan họ.
Song trong những năm gần đây, việc bảo tồn văn hóa bộc lộ nhiều bất cập. Lối hát Quan họ mới được công chúng chấp nhận vì dễ học, dễ hát, không phải tập luyện nhiều, tiết tấu nhanh, phát âm tiếng đơn rất ít kỹ thuật rền nảy. Quan họ mới thường sử dụng dàn Organ nên không tránh khỏi sự gấp gáp, khô cứng làm mất đi chất mượt mà, thanh cao, bác học vốn có của dân ca Quan họ cổ. Chính vì vậy, ý tưởng cho ra đời các lớp Quan họ cổ là để khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa Quan họ cổ; tránh những ảnh hưởng của cách dạy và hát Quan họ mới cũng như trước làn sóng nhạc trẻ và hội nhập toàn cầu ngày nay.
Không chỉ bảo tồn trên chính vùng đất Quan họ, Trung tâm UNESCO đã mở rộng địa bàn, mở lớp học dân ca Quan họ cổ ở Hà Nội,. Từ ngày đầu thành lập (16/10/1999) mới có 20 học viên, 2 nhạc công đàn bầu và đàn nhị và 01 giáo viên tình nguyện thì đến nay, lớp học đã lên tới 200 học viên, thu hút sự tham gia của cả học sinh người nước ngoài (Nhật, Mỹ...) vốn say mê tìm hiểu văn hóa Việt Nam và văn hóa Quan họ. Hiện sinh hoạt của các lớp Quan họ cổ tại Hà Nội đã có tính chuyên nghiệp. Ngoài các buổi học hát lời cổ, còn có các hoạt động giao lưu. Các học viên đã hát được hàng trăm lới bài hát Quan họ cổ vốn là lối hát thanh tao, bác học đòi hỏi kỹ thuật hát và sự luyện tập phải tròn vành rõ chữ, rền và nảy.
Nền văn hóa Quan họ là do các lối chơi Quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa nhất, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát và kỹ thuật hát Quan họ (Quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi Quan họ.
Nhiệm vụ của Trung tâm UNESCO Quan họ cũng như các lớp học quan họ và những người yêu dân ca Quan họ nói chung hiện nay là đi sâu khai thác và nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa Quan họ, nhất là cách hát, kỹ thuật hát và lối chơi Quan họ đồng thời tuyên truyền và phổ cập văn hóa Quan họ trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, nhân dân địa phương, các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hiệu quả vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Kinh Bắc.
Tích cực vận động đưa văn hóa Quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
Ngày 25/9/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đệ trình hồ sơ Quan họ lên Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) để xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Hình thức sinh hoạt văn hóa Quan họ là một hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh và có cơ sở cho việc xét công nhận văn hóa Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Trong buổi giao lưu, Đại diện Đại sứ quán một số quốc gia như: Hàn Quốc, Cu Ba, Mêhicô, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ… vừa đưa câu hỏi, vừa bày tỏ sự cảm phục đối với loại hình dân ca đặc trưng của Việt Nam, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Đặc biệt đại sứ Hàn Quốc Im Hong Jae đã đánh giá rất cao giá trị của văn hóa Quan họ “Quan họ là di sản văn hoá rất quý mà không phải chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà cho cả nhân loại”. Ông cũng cho biết thêm Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định ủng hộ để UNESCO đưa Quan họ trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Cùng với các thể loại Ca trù, Chèo cổ, Chầu văn,… Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một sản phẩm văn hóa phi vật thể vô giá của Việt Nam đang được Nhà nước và tổ chức UNESCO thế giới quan tâm bảo tồn và gìn giữ.
Đêm giao lưu là dịp để Bắc Ninh quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc của dân ca Quan họ Bắc Ninh đến Đoàn Ngoại giao các nước, nhằm vận động UNESCO công nhận dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong tháng 9/2009 tới. Nếu Quan họ được vinh danh, thì đây sẽ là di sản văn hóa thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên./.
TS. Lê Thị Bích Hồng
Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW