Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 16/5/2009 10:26'(GMT+7)

Một Đề án khó khả thi?

“Âm mưu và tình yêu” - vở diễn "phát pháo" đề án “100 tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới” của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vở diễn có kinh phí 1 tỉ đồng, riêng tấm phông sân khấu đã tiêu tốn chừng 400 triệu đồng.

“Âm mưu và tình yêu” - vở diễn "phát pháo" đề án “100 tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới” của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vở diễn có kinh phí 1 tỉ đồng, riêng tấm phông sân khấu đã tiêu tốn chừng 400 triệu đồng.

Tất nhiên là cả giới sân khấu lẫn công chúng đều rất vui mừng trước sự kiện này, bởi nếu thực hiện được, sinh hoạt sân khấu nước nhà sẽ khởi sắc, được cải thiện đáng kể, từ đó nâng cao rõi rệt đời sống tinh thần và dân trí của cộng đồng. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ bản Đề án, dễ nhận thấy trong bối cảnh hiện nay-và nhiều năm tháng nữa- có rất nhiều điều khó khả thi, nếu không nói là tự mình làm khó, tự “bó tay” mình.

Nổi tiếng, có giá trị và được công chúng thích xem, liệu có đi liền?

Từ “nổi tiếng” trong bản Đề án, ai cũng hiểu là phải có giá trị (tư tưởng và nghệ thuật), được giới sân khấu học giả, lý luận trân trọng, đánh giá cao, chứ chưa hẳn đã được số đông công chúng biết tới (Ví dụ như vở Vũ Như Tô ( Tác giả Nguyễn Huy Tưởng); Rừng trúc (Tác giả Nguyễn Đình Thi)). Hoặc được giải cao trong các hội diễn, liên hoan sân khấu (Một tiêu chí trong Đề án), chắc gì đã thực sự có giá trị, càng không hẳn đã được công chúng đón nhận. Bằng chứng là hầu như trong các kỳ hội diễn sân khấu nhiều năm qua luôn có dư luận ì xèo về một vài tác phẩm sân khấu quá bình thường lại được giải cao và ngược lại (Dư luận nghiêm túc, đứng đắn, chứ không nói những ý kiến bất mãn, thiếu xây dựng).

Việc ấn định những kịch bản cụ thể để đưa vào danh sách 100 vở trong Đề án sẽ do những ai làm? Chắc chắn phải do một tập thể nào đó, chứ không thể là một người. Những người này vừa phải có “gu” sành, có trình độ cao, thông thái (để không bỏ sót và lựa chọn chính xác), vừa phải có tâm trung thực, đàng hoàng, vô tư, không thiên vị, không chịu bất cứ áp lực nào ngoài bản thân giá trị của tác phẩm. Với các vở nước ngoài thì dễ vô tư, nhưng với kịch bản trong nước, nhất là tác giả vẫn sinh thời thì liệu có đảm bảo? Còn nhớ vụ việc bên lĩnh vực văn học, cách đây không lâu, người ta lựa chọn rồi công bố 100 bài thơ hay nhất từ trước đến nay, khiến dư luận bất bình bởi sự tuỳ tiện, rất nhiều bài hay thực sự đã bị bỏ qua, trong khi có sự hiện diện của nhiều bài thơ quá bình thường.

Cả trong nước (Gồm cả đương đại lẫn tác phẩm dân gian truyền thống, quá khứ) và thế giới mà chỉ có 100 vở, e rất khó chọn. Sếch-pia, Sin-Le thì đã đành. Nhưng còn Môlie với những Lão hà tiện, Hác Pa Gông, Tác Tuýp, Đông gioăng; rồi Ra-Xin, Cooc-Nây của Pháp thì sao đây? Lại nữa: A-Stơ-Rốp-Ski (Nga) với vở kịch Đêm giông tố nổi tiếng, rồi kịch Xô-Viết với rất nhiều vở giá trị mà ta cũng đã dựng dăm bảy vở ở Việt Nam thì thế nào, có dựng lại không? ở Trung Quốc, Tào Ngu có Nhật Xuất, Lôi Vũ. Vậy Quách Mạt Nhược với Khuất Nguyên thì sao?.v.v... Quá nhiều, không thể chỉ là 100 vở. Nhưng nếu mở rộng thì bất cập về tiền bạc và nhiều điều kiện khác. Tất nhiên là phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Nhưng làm việc này, đối với kịch thế giới quả là như mò kim đáy bể. Không khéo dễ rơi vào tình trạng những người lựa chọn sẽ “ếch ngồi đáy giếng”(!)

Đơn vị nghệ thuật nào tham gia?

Đề án nêu rõ không có sự phân biệt giữa đơn vị nghệ thuật là Nhà nước hay tư nhân, Trung ương hay địa phương miễn là đảm bảo các tiêu chí: Bề dày thành tích hoạt động, năng lực của đội ngũ diễn viên, khả năng huy động kinh phí cùng việc phổ biến vở diễn ra công chúng... Nói thì như vậy, nhưng thực sự thử hỏi để dựng cho ra hồn kịch thế giới (của Sếch-Pia, Sin-Le chẳng hạn) liệu ở nước ta có được bao nhiêu đơn vị nghệ thuật làm được? Hay là chỉ loanh quanh vài ba nơi vẫn có “thương hiệu” ở Trung ương, ở Hà Nội? Ngay cả dựng lại Vũ Như Tô, Rừng trúc, Chị Nhàn, Quẫn..., dễ gì các đơn vị ở tỉnh làm được? Ở đây hoàn toàn không có ý khinh khi hay chê bai trình độ của các đơn vị nghệ thuật địa phương, mà cái chính là điều kiện và năng lực, sở trường. Vậy thì, nếu không khéo sẽ xảy ra tình trạng: Chỗ thì dựng nhiều quá, chỗ thì chẳng có vở nào, dẫn đến một không khí không vui, nơi không dựng thì mặc cảm, lép vế thua thiệt, nơi dựng nhiều cũng không hẳn đã yên tâm vì không dễ gì có thể huy động được phần kinh phí thiếu hụt, lại chứng kiến các đồng nghiệp ở đơn vị khác buồn phiền, chạnh lòng.

Lại nói khoản tiền 100 triệu đồng Nhà nước trợ cấp cho các đoàn dựng một vở kịch hiện đại. Khoản tiền ấy may lắm chỉ đủ cho một nửa kinh phí làm việc này. Dựng kịch thế giới, lại là kịch cổ điển, 100 triệu đồng chỉ đủ may sắm trang phục, đạo cụ, thiết kế sân khấu. Khoản thiếu hụt đương nhiên đơn vị nghệ thuật phải lấy vốn tự có cuả mình hoặc huy động các nguồn xã hội hoá. Sẽ chẳng có đâu dại gì lại bỏ ra khoản tiền lớn như vậy để dựng một vở chỉ để trình làng, may lắm bán được chút ít vé ở buổi diễn đầu tiên, tại thủ đô, thành phố lớn, rồi “đóng hòm” bỏ vào kho. Các nhà tài trợ chỉ quan tâm tới những tiết mục có đông người xem, ví như những “Đời cười” chẳng hạn, mặc dù giới trí thức, có học, giới chuyên môn xem thường, nhưng dân chúng thì thích thú, diễn cả mấy chục buổi cho một chương trình vẫn đông người xem. Đơn vị nghệ thuật thì có lãi, nhà tài trợ thì quảng bá rộng rãi được thương hiệu.

Một Đề án cấp Nhà nước được triển khai với mục đích phát triển rộng rãi việc hưởng thụ mọi tinh tuý của sân khấu Thế giới và dân tộc cho công chúng khắp các vùng miền, vài ba đơn vị nghệ thuật hưởng ứng, ắt sẽ là “đầu voi, đuôi chuột”. “đánh trống bỏ dùi”. Liệu có nên?

Tần suất công diễn

Sau khi được cấp phép biểu diễn, Đề án quy định mỗi vở kịch nói phải phục vụ tối thiểu 80 buổi/1 năm trong vòng 2 năm liên tục. Cũng như vậy đối với kịch hát truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, dân ca) là 50 buổi/ năm. Lại phải diễn miễn phí ở các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo mỗi vở tối thiểu 20 buổi. Đó quả là những chỉ số không tưởng. Sẽ có thể xảy ra tình trạng: Để đảm bảo bằng được chỉ tiêu 80 buổi, một đơn vị nào đó sẽ diễn lấy được 1 vở nào đó, dẫu khán giả chỉ lèo tèo vài người, thậm chí chẳng có ai xem (để tính số lượng buổi diễn). Còn ở vùng sâu vùng xa, ngay cả những vở diễn rất ăn khách đưa đến còn khó khăn huống hồ đưa vở như Hăm Lét. Vua Lia, Mắc Bét? Hãy tưởng tượng những vở trên mà cả 1 đội quân hùng hậu của nhà hát kịch Việt Nam hoặc Tuổi trẻ lên vùng Xín Mần, Hoàng Su Phì hay Mù Căng Chải biểu diễn, và phải đạt được 20 suất diễn ở những nơi như thế trên khắp toàn quốc?

*
*             *

Một Đề án xuất phát từ động cơ đẹp, mục đích hay nhưng quá nhiều điều không thực tế, khó khả thi nên đã gây ra một hiệu ứng không đồng thuận ở nhiều đơn vị nghệ thuật. Giá mà trước khi lập Đề án, ngành quản lý Nhà nước về nghệ thuật sân khấu có cuộc bàn bạc, trưng cầu ý kiến cuả các đơn vị, ít nhất là một số đơn vị chủ chốt?./.

Đình Nguyễn-Phạm Bắc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất