Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 11/5/2009 15:51'(GMT+7)

Liên hoan Dân ca Việt Nam: Không chỉ là cuộc vui

Đậm đà màu sắc phương Nam

Đêm công diễn trao giải, khán giả cả nước đã được thưởng thức 20 tiết mục tiêu biểu, đặc trưng của dân ca Nam Bộ. Nếu như các tỉnh miền Tây Nam Bộ với “đặc sản” là các bài hát Khmer, thì khu vực Đông Nam Bộ lại “sở trường” với các điệu hò, điệu lý của miền sông nước Cửu Long. Khoảng 30 điệu lý trong kho tàng hơn 300 điệu lý, hò của vùng Nam Bộ đã được các nghệ nhân mang tới Liên hoan, thể hiện phần nào sự phong phú và đa dạng của âm nhạc dân gian vùng đất trù phú này.

Hàng loạt những làn điệu dân ca Khmer đặc sắc đã được các nghệ nhân giới thiệu trong Liên hoan như Hát ru (lời cổ) do Som Sô Pha (Trà Vinh) trình bày, Đồng ca Dì kê: Ơi con chim MôHôRy được trình bày khá ấn tượng bởi nhóm nghệ nhân đến từ An Giang: Néang Na Vy, Néang Kunl Thia, Néang Quanh Na. Đặc biệt phần trình diễn rất ấn tượng bởi giọng hát rất hay, rất đặc trưng của dân tộc Khmer đó là Thà ở vậy do Oanh Na và hai thiếu nữ rất xinh đẹp trình bày đã nhận được nhiều tràng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả có mặt.

Ảnh minh họa

Đại diện cho 3 tiết mục đoạt giải A

Các nghệ nhân đến từ miền Đông Nam Bộ  đã mang đến Liên hoan những câu hò, điệu lý mênh mang sóng nước. Từ những điệu hát quen thuộc như Ru con Nam Bộ, Lý kéo chài, Lý con sáo, Lý ngựa ô… đến những điệu lý rất cổ, rất lạ như Lý con mèo, Lý con chuột, Lý ông Đùm bà Đề, Lý bập bòong boong…bên cạnh những câu hò mái dài, mái đẩy như Hò Đồng Tháp, hò Sông Hậu, hò đối đáp…đã khiến cho Liên hoan thêm rộn rã sắc màu.

Ngoài ra, những nghệ nhân đến từ dân tộc Châu Ro đã mang tới Liên hoan một chút màu sắc của núi rừng qua các tiết mục như Play - Kinhtơlơthoang (Ngày hội buôn làng - đoàn Đồng Nai), Prau sin dăch k’nai chrauiro (Chuyện tình Châu Ro) của đoàn nghệ nhân Châu Ro huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Họ như một nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh phong phú sắc màu của Liên hoan.

Không chỉ là cuộc vui

Hàng loạt những làn điệu dân ca cổ được thể hiện bởi các nghệ nhân, từ người già nhất (88 tuổi) đến em bé 14 tuổi, họ đều hát bằng tình yêu dân ca sâu đậm của mình. Họ đến với Liên hoan, không đơn thuần chỉ là một cuộc giao lưu văn nghệ dân gian, mà còn là ý thức gìn giữ và bảo tồn những vốn quý của dân tộc.

Ảnh minh họa

Những tiết mục đoạt giải B


Anh Triệu Rết - nghệ nhân đến từ tỉnh Kiên Giang tâm sự rằng, anh đến với dân ca Khmer như một lẽ tự nhiên bởi từ khi sinh ra, anh đã được tắm mình trong những lời ca điệu múa của dân tộc mình. Đến với Liên hoan, anh không mang tâm trạng thi thố, mà đơn giản, là sẽ cố gắng thể hiện hết những nét đẹp của dân ca Khmer qua phần trình diễn của mình. Anh là người có ý thức gìn giữ vào bảo tồn dân ca Khmer, vì thế, anh luôn trăn trở là làm thế nào để thế hệ trẻ không quay lưng lại với loại hình dân ca - vốn là máu thịt của cha ông mình.

Sự bảo tồn và phát huy dân ca còn được thể hiện bằng việc phát hiện và đưa lên sân khấu những làn điệu dân ca nguyên gốc từng bị thất lạc. Đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ do nhạc sỹ Lư Nhất Vũ thành lập đã tìm được khá nhiều những làn điệu dân ca có nguy cơ bị thất truyền. Tại sân khấu Liên hoan lần này, đã vang lên những câu dân ca đó như Lý bập boòng boong (dân ca Đồng Tháp), hay Lý ông Đùm bà Đề (dân ca Trà Vinh) được phát hiện bởi một nghệ nhân làm nghề thợ rèn 93 tuổi tên Ngô Văn Sinh ở Châu Thành - Trà Vinh, người đã làm sống lại một điệu lý nói vè rất hay, rất dí rỏm “rặt” chất Nam Bộ từng bị quên lãng suốt một thời gian dài.

Ảnh minh họa

Các tiết mục đoạt giải C


Ông Trần Đăng Tuấn - phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - Trưởng ban tổ chức Liên hoan dân ca Việt Nam 2009 đã phát biểu sau khi kết thúc đêm trao giải rằng, ông thực sự xúc động khi được thưởng thức những làn điệu dân ca đậm màu sắc Nam Bộ của các nghệ nhân đã mang đến Liên hoan. Ông tin rằng những khán giả khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài đã một lần nữa được tắm mình trong dòng suối dân ca mát lành của cha ông ta để lại. Và với tư các đơn vị tổ chức, ông cam kết rằng, Đài truyền hình Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối đưa các loại hình dân ca Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Kết quả Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Nam Bộ 2009

Giải A:

- Liên khúc hò mái ố, hò í a, hò khoan (Đòan TP Hồ Chí Minh)
- Bóng dừa (Đoàn Kiên Giang)
- Lý bập boòng boong, Lý trống chuông (Đoàn Long An)

Giải B:

- Liên khúc Lý ngựa ô (Đoàn Cần Thơ)
- Liên khúc Lý con chuột, Ông Đùm bà Đề, Nói vè (Đoàn TP Hồ Chí Minh)
- Lý quy phụng (Đoàn Long An)
- Xaccrova (Đoàn Sóc Trăng)
- Ngày hội buôn làng (Đoàn Đồng Nai)

Giải C:

- Lý bánh ít, Lý bánh canh (Đoàn Cần Thơ)
- Bến xuân (dân ca Hoa - Đoàn Bạc Liêu)
- Thà ở vậy (Dân ca Khmer - Đoàn Kiên Giang)
- Hoạt cảnh Sông nước quê mình (Đoàn Hậu Giang)
- Lý trồng hành, Lý chẻ tre (Đoàn Tiền Giang)
- Chuyện tình Châu Ro (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Liên khúc Lý con mèo (Đoàn Bến Tre)

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích cho các nghệ nhân, và Phần thưởng dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: Bé Kim Thương (Cần Thơ).


Một số hình ảnh đêm trao giải:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất