Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 18/5/2009 11:53'(GMT+7)

Hội chứng sợ... đám cưới

Đám cưới chuột (Tranh minh họa)

Đám cưới chuột (Tranh minh họa)

Song, người ta cũng dễ nhận thấy khá nhiều bất ổn, sự "phình" to của những đám cưới là một ví dụ. Kéo theo đó là hội chứng của không ít người Hà Nội: sợ bị mời cưới, sợ dự đám cưới.

Người ta thường nói bằng một giọng nửa thật nửa đùa: "Tôi vừa nhận được cái "giấy đòi nợ", "Chủ nhật này lại phải đi dự 3 đám cơm "bụi" giá cao đây!" hoặc vô số những cách diễn đạt hài hước đến ứa nước mắt khác về việc được mời cưới. Nói ra thì ngại, trốn không dự thì sợ bị giận nhưng quả thật, việc dự tiệc cưới không chỉ mất thì giờ mà còn ngốn một khoản chi không nhỏ trong gia đình. Vào mùa, trung bình một tháng mỗi người phải dự từ 5 đến 10 đám cưới. Phong bì "mừng" ít thì cũng phải 200.000 đồng một đám, tính ra gần hết suất lương hưu. Đám con thủ trưởng, đám họ hàng bè bạn khoảng 500.000 đồng. Đám cấp trên có nhờ cậy, đám quan hệ làm ăn, đám "đầu tư có chiều sâu" từ vài triệu đến... khó công bố. Có người, do bỏ nhầm phong bì vào một "trái tim hồng" của một đám khác đã tái mét mặt, ngồi lỳ ở đó cho đến khi đám cưới tan, theo về nhà trai để "xin lại," miệng cảm ơn rối rít. Một phong bì "mừng" như thế liệu là bao nhiêu?

Để "thu hoạch", có người mượn dịp tang ma, cưới xin, ốm đau để hợp thức hóa, cũng là một cách. Bằng cách này, một "đám" như thế có thể thu bạc tỷ. Nhưng cũng không ít đám thu tiền mừng chẳng qua cũng chỉ đủ bù chi phí. Nghe đâu một mâm 6 bây giờ từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng, chưa kể tiền hội trường, tiền ô tô, tiền "trang trí cô dâu", tiền hoa, tiền ảnh, tiền bánh phu thê, mứt sen trần... thu về dưới 200.000 đồng một phong bì là lỗ. Người ta kêu ầm lên thứ này đắt, thứ kia đắt nhưng dịch vụ cưới ngày càng lên giá đến chóng mặt thì chưa ai kêu cho, đành bấm bụng mà chịu. Chuyện gì chứ cưới xin, đời mới có một lần, bố mẹ nào nỡ "ky bo" từng đồng để mất vui. Thế là người mời cũng khổ, người dự cũng chẳng vui gì.

Cũng nhiều trường hợp cần thông cảm, cả đời đi dự cưới, khi có dịp không nhẽ, không mời để mọi người "đáp lại". Cuối cùng, nước lên thuyền lên, chỉ khổ những người thu nhập thấp... Thế là "trốn dự cưới", "sợ cưới", đi đám mừng mà không vui đã thành chuyện phổ biến. Đi cho có mặt để còn tranh thủ đi đám khác, gọi là "chạy sô". Đi cốt bỏ phong bì vào "hòm phiếu", "hòm công đức", "trái tim hồng" rồi về ăn cơm nhà, gọi là "đóng thuế". Người ta coi việc dự đám cưới của người thân quen như một nghĩa vụ, một gánh nặng không thể tránh được. Phải chăng vì đồng tiền mà việc "chia vui" đã gần mất hết ý nghĩa?

Nhưng người ta vẫn phải cưới. Vì vậy, vẫn có những đám cưới ngày càng tân kỳ để khoe giàu sang; những đám cưới công khai bày vẽ để thu tiền. Phụ họa cho lối sống "trọc phú học làm sang" là cả hệ thống dịch vụ cưới, đầu têu là những khách sạn, nhà hàng càng nhiều "sao" càng tốt. Lợi dụng việc cưới xin để kiếm chác là một đội ngũ không kém đông đảo, trong đó có cả cán bộ, nhân viên các cơ quan, tổ chức xã hội...

Cưới hỏi là ngày vui của hai họ, của bạn bè, do vậy hơn hết là tổ chức làm sao cho thật trang trọng, ấm cúng, nhất định không thể lợi dụng việc này cho những mục đích khác.

  Vũ Duy Thông (Theo Báo HA NOI MOI)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất