Chiến dịch người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã khởi động bằng sự kiện ưu tiên dùng sữa Việt. Chất lượng tốt và giá rẻ nhưng vẫn bị lép vế trước hàng ngoại, thực tế đó không chỉ diễn ra với sữa mà ở hầu hết lĩnh vực may mặc, gia dụng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dược phẩm…
Việc phát động chiến dịch, dù muộn còn hơn không. Ngay khi chủ trương được Bộ Chính trị ban hành đã dấy lên hoạt động của một số hội, ngành nghề, doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Nhưng như thế chưa đủ! Một vấn đề vĩ mô phải được xử lý ở tầm vĩ mô, và khi có nhiều bản nhạc cần chơi trong buổi hoà tấu, điều chúng ta cần là nhạc trưởng. Và nhạc trưởng trong việc này là Bộ Công thương - Cơ quan được Chính phủ giao trọng trách xây dựng chiến lược bán hàng nội địa.
Để người tiêu dùng Việt xài hàng Việt, từ góc độ doanh nghiệp, điều cần làm là đảm bảo chất lượng hàng, rồi thái độ phục vụ, cách tiếp thị; phía cơ quan chức năng phải công tâm trong kiểm soát hàng giả, tạo điều kiện cho nhà sản xuất yên tâm.
Và, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, phải là cánh tay nối dài, bảo vệ người tiêu dùng khi có khiếu kiện. Các quan chức từ trung ương đến địa phương phải là tấm gương trong thực thi chủ trương bằng việc tiên phong dùng hàng Việt…
Còn nhớ, đầu năm, trong khi các bộ ngành, chuyên gia kinh tế đang đau đầu nghĩ cách đối phó khủng hoảng thì bà Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam Chất lượng cao, đã đồng hành cùng một số doanh nghiệp nhỏ tại các thành phố lớn thuyết trình về việc dùng hàng Việt, cũng như kiến nghị Bộ Công thương sớm cho ra lò chiến lược bán hàng nội địa.
Nguyên Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển khi đó phát biểu: “Tương lai của hàng hoá Việt Nam là thị trường nội địa; xuất khẩu chỉ là đích ngắn hạn bởi sớm muộn thị trường này sẽ bị thu hẹp do cạnh tranh”.
Câu chuyện về một doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền túi dày công gần hai năm làm tấm bản đồ các cửa hàng phân phối bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh trong khi chưa một cơ quan nhà nước nào làm việc này, rồi hàng loạt hãng bán lẻ sừng sỏ trên thế giới đua nhau bỏ tiền tiếp thị, nghiên cứu để đi đến kết luận: “Việt Nam, với hơn 80 triệu dân là một thị trường bán lẻ tiềm năng”.
Nó nhắc nhở chúng ta rằng, đã đến lúc cần đầu tư nghiêm túc xây dựng chiến lược hoàn thiện cho thị trường nội địa. Rất cần ưu tiên sự đồng lòng. Rất cần một chỉ huy tài - nhạc trưởng giỏi./.
(Theo: Tiền Phong)