Có thể nói, Nghị định 69/CP ra đời đã đáp ứng được sự mong mỏi và củng cố niềm tin của người dân vào những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Tinh thần của Nghị định 69/CP nghiêng về những vấn đề dân sinh, những vấn đề được xem là bức xúc và nóng bỏng ở khu vực nông thôn,… nên thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Từ trước đến nay, thật khó tìm lời giải cho bài toán về việc làm, thu nhập cho những người dân ở những vùng bị thu hồi đất. Và đương nhiên, hệ luỵ về kinh tế - chính trị - xã hội ở khu vực này càng trở nên nóng bỏng khi lợi ích 3 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư) thiếu hài hoà.
Thu hồi đất dù với danh nghĩa nào hay nhân danh điều gì mà cuối cùng người dân thấy nhà đầu tư được 7 phần, mình chỉ được 2 mà ngân sách cũng chỉ thu về 1 thì rất khó thành công! Và cũng vì có quá nhiều dự án được phân chia như vậy nên hậu quả là rất nhiều vụ khiếu kiện kéo dài. Việc định giá đất nông nghiệp - tư liệu sản xuất của nhà nông thời gian qua chưa sát với thực tế đã làm nảy sinh những khúc mắc và gây bất ổn ở một số vùng nông thôn.
Nghị định 69/CP ra đời đã cơ bản giải quyết được vấn đề này. Theo đó, những quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư mà Chính phủ ban hành đã đem lại khá nhiều quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất so với trước. Riêng về định giá đất nông nghiệp được tính từ 1,5 đến 5 lần giá đất thu hồi. Như vậy, nếu bị thu hồi đất, người dân không những được tính với giá sát giá thị trường hơn mà còn được hỗ trợ tái định cư, được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, được hỗ trợ về đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…
Nói tóm lại, việc điều tiết lợi ích từ nguồn thu tiền sử dụng đất được phân bổ hợp lý hơn, và người bị thu hồi đất có điều kiện tổ chức lại sản xuất, có thu nhập để ổn định đời sống.
Trên thực tế, ai cũng nhận thấy như vậy mới công bằng cho nhà nông! Xưa nay, miếng đất, thửa ruộng, ngôi nhà gắn với số phận từng dòng tộc, gia đình, từ đời này qua đời khác. Tấc đất đôi khi còn quý hơn tấc vàng. Và, với đại đa số người Việt, đó là tài sản quý giá nhất! Thế nhưng, nhiều năm qua, tài sản ấy bị định giá một cách rẻ rúng dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, và người nông dân buộc phải chấp nhận dù biết là thiệt thòi.
Từ lâu, dư luận và những người quan tâm đến nông nghiệp, nông dân đều lên tiếng cần phải có một chính sách toàn diện, vì dân hơn thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Và lần này, dù còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm, Nghị định 69 vẫn được xem là bước tiến dài trong giải quyết vấn đề nông nghiệp – nông thôn – nông dân.
Sự ra đời của một Nghị định như vậy càng chứng tỏ định hướng đúng đắn và sự sâu sát thực tế của Đảng và Chính phủ ta. Chính sách càng gần dân bao nhiêu thì hiện thực hoá càng nhanh bấy nhiêu và nhận được sự ủng hộ càng cao. Có thể, khi quyền lợi của người dân nhiều hơn thì nguồn thu của Nhà nước và nhà đầu tư sẽ bị san sẻ. Nhưng suy cho cùng và tính cho kỹ, lợi không chỉ ở an dân mà còn đến từ nhiều khía cạnh khác. Được đền bù thoả đáng, tái định cư thích hợp, nghề nghiệp ổn định… chắc chắn người dân sẽ giao đất sớm, dự án nhanh hoàn thành và đưa vào khai thác hơn. Thêm vào đó, các vấn đề quốc kế dân sinh, kinh tế - chính trị - xã hội ở nông thôn sẽ dần đi vào ổn định.
Giải quyết được vấn đề đất đai, đồng nghĩa với việc hạn chế dần khiếu kiện giữa người dân với cơ quan công quyền, khúc mắc giữa người dân với chủ dự án. Khi quyền lợi được phân chia cụ thể trên cơ sở quy định rõ ràng của luật pháp sẽ thu hẹp những khoảng cách khó gần dễ dẫn tới tranh chấp như trong nhiều dự án thời gian qua.
Trên thực tế, mảnh đất đã gắn liền với đời sống của bao thế hệ nông dân, là kế mưu sinh và cũng là tài sản quý giá nhất. Nhưng nhiều năm qua, tại nhiều địa phương, tài sản ấy khi bị thu hồi chưa được đền bù thoả đáng, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất cũng không hiệu quả, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Bá Trung, thôn Cảnh Dền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, ở địa phương anh, sau khi người dân bị thu hồi đất, không xin được việc làm ở khu công nghiệp, ngoài nghề nông cũng chẳng biết làm gì, số tiền đền bù đất chẳng mấy chốc mà miệng ăn núi lở. Cho nên sau khi nghe thông tin về nghị định 69, anh Trung và người dân ở đây rất phấn khởi nhưng cũng lo lắng về việc triển khai ở địa phương như thế nào để người dân được hưởng lợi.
“Người dân thì đồng tình thôi, quan trọng là việc thực hiện xuống dưới”, anh Trung nói.
Tuy nhiên vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề cũng được người dân hết sức quan tâm, bởi theo ông Lê Viết Lung ở phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, quy hoạch như thế thì hợp lý, nhưng cái khó là những người thu hồi đất ở độ tuổi 40 – 50, học nghề cũng khó, nhất là học dài hạn, khó xin việc…
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, để người bị thu hồi đất được hưởng lợi thực sự từ nghị định thì thông tư hướng dẫn cần cụ thể, chặt chẽ, đặc biệt phải rõ ràng, cụ thể, bởi khoảng cách hỗ trợ từ 1,5 – 5 lần cũng sẽ gây nhiều thắc mắc trong dân.
Từ sau 1/10, khi Nghị định 69 có hiệu lực, hy vọng những khúc mắc, bức xúc từ việc thu hồi, đền bù đất nông nghiệp sẽ dần bị xoá bỏ, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là giúp người nông dân ổn định cuộc sống sau thu hồi đất./.
(Theo: VOV)