PV: Thưa ông, vừa qua, BBT đã có thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cả nước…Với tư cách là Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV, ông suy nghĩ như thế nào về CVĐ này ?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Trong thời kỳ suy giảm kinh tế thế giới , các nước đều có những gói kích cầu để giảm bớt những tác động của suy thoái kinh tế. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi kinh tế thế giới bị suy thoái, kinh tế Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng thì những chủ trương, chính sách của nhà nước về kinh tế, đặc biệt những gói kích cầu là rất phù hợp và rất cần thiết. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước.
Để bảo đảm cho gói kích cầu thực sự có hiệu quả đối với nền kinh tế, thì chủ trương phát động CVĐ “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là rất đúng, là tạo điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội vươn lên. Tác động của CVĐ này sẽ rất thiết thực đối với các doanh nghiệp chúng ta, đặc biệt với những DNNVV; các doanh nghiệp sẽ nắm cơ hội, phát triển những tiềm năng, thế mạnh, các điều kiện, yếu tố bảo đảm cho SXKD của doanh nghiệp mình như khai thác tiềm năng về lao động, đất đai, những địa bàn nông thôn rộng lớn, đặc biệt là có đầu ra tương đối thuận lợi. Đó là những nơi tiêu thụ những hàng hoá tiêu dùng và hàng xuất khẩu của chúng ta. Nếu thực hiện tốt CVĐ, ta sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, giảm nhập khẩu hàng ngoại cho tiêu dùng thì đây sẽ là cơ hội tốt tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động vốn dồi dào của Việt Nam, tạo ra sức mua cao ở thị trường nội địa, kích thích SXKD, dịch vụ phát triển.
PV: Chúng ta nói nhiều về văn hoá nói chung, nhưng “ văn hoá tiêu dùng” của xã hội, cộng đồng, của mỗi gia đình, mỗi cá nhân…hình như chưa được quan tâm đúng mức. Với CVĐ này, văn hoá tiêu dùng là yếu tố rất cần quan tâm. Nên chăng, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến định hướng giáo dục, nâng cao nhận thức về văn hoá tiêu dùng. Theo ông tiêu chí cụ thể của văn hoá tiêu dùng ở đây sẽ là gì?
Ông Cao Sỹ Kiêm : Nói về văn hoá tiêu dùng, chúng ta thấy rõ rằng nó phải gắn với phong tục tập quán, truyền thống, bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đó là cái nhân bản, cơ sở đầu tiên của văn hoá. Do điều kiện văn hoá, lịch sử, xã hội và đặc biệt kinh tế của chúng ta chưa phát triển, ông cha ta ngày xưa có thói quen chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm; nếp sinh hoạt cũng giản dị nên chi tiêu cũng không cầu kỳ, vì cả xã hội chúng ta như thế, nhu cầu không có gì phức tạp. Thời kinh tế thị trường và nhất là hiện nay, thói quen tiêu dùng đã có nhiều thay đổi; thị hiếu tiêu dùng cũng thay đổi và như vậy nếu gọi là văn hóa tiêu dùng cũng khác xưa. Người có tiền thì mua sắm theo ý thích của họ, không có gì ràng buộc. Một bộ phận người tiêu dùng trong xã hội đã tiêu pha quá mức, quá xa xỉ, sính hàng ngoại, hàng hiệu, không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình, tạo nên những lãng phí không cần thiết; cũng từ đó sinh ra thói quen hay văn hoá tiêu dùng không tốt. Đó là những biểu hiện mới tạo nên ý thức, hay văn hoá tiêu dùng chưa đúng mức hiện nay.
Trong khi kinh tế của ta chưa phát triển, chất lượng hàng hoá, sản phẩm chưa tốt, giá cả chưa hợp lý thì việc một bộ phận người tiêu dùng sính hàng ngoại, hàng hiệu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nay, hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, nhiều mặt hàng ngoại đã từng chiếm thị phần tại Việt Nam, nay đã phải trả lại thị trường cho chúng ta. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen dùng hàng nội, ý thức sính “hàng hiệu” vẫn còn nặng nề.
Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được khởi động và đi vào cuộc sống sẽ tạo điều kiện để cho ý thức tiêu dùng, văn hoá tiêu dùng, trách nhiệm của người Việt Nam đối với sản phẩm hàng hoá trong nước thay đổi, phù hợp hơn, tiết kiệm hơn; từ đó cũng tăng cường kích thích sản xuất trong nước phát triển lành mạnh và chất lượng hơn. Từ đó, kích thích, hướng người tiêu dùng đến thói quen tiêu dùng, văn hoá tiêu dùng lành mạnh hơn trong cuộc sống, phù hợp với thu nhập và khả năng kinh tế của mỗi người, mỗi gia đình. Với CVĐ này, từ thói quen tiêu dùng sẽ tạo nên văn hoá tiêu dùng không đua đòi, không chi tiêu quá khả năng, không có tình trạng làm ít tiêu nhiều…Dùng hàng Việt Nam có cái tốt là thể hiện lòng yêu nước của mỗi công dân đối với sản phẩm, hàng hoá nội, thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Mỗi người Việt Nam cần ý thức sâu sắc vấn đề này đối với CVĐ và chúng ta hy vọng CVĐ này sẽ đẩy lòng yêu nước vốn có của nhân dân ta lên với một hình thức mới, thiết thực, cụ thể trong lĩnh vực tiêu dùng.
PV: Liệu chúng ta có những giải pháp gì để thay đổi thói quen cũng như văn hoá tiêu dùng của người dân, để họ đến với hàng Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sinh viên?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Trên thực tế, hiện nay một bộ phận thanh niên, sinh viên trẻ vẫn duy trì thói quen chuộng hàng ngoại trong khi hoàn toàn có thể dùng hàng hoá, sản phẩm trong nước tương đương về chất lượng, với những thương hiệu đã có tiếng đối với người tiêu dùng trong nước. Vậy, chúng ta phải làm thế nào đây để họ chú ý hơn với hàng trong nước? Việc sính hàng hiệu, hàng ngoại là do ý thức và hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình; ai cũng thích cái mới, ai cũng thích cái đẹp, muốn rẻ lại tốt... Về sâu xa, một phần cũng do trước kia hàng của ta chất lượng chưa tốt, mẫu mã chưa được quan tâm cải tiến, chưa có thương hiệu... Trên thực tế thị trường, hàng tiêu dùng của ta hiện nay đã có những thay đổi lớn về chất lượng, mẫu mã, giá cả để có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng ngoại trong khu vực. Điều này tạo điều kiện để hàng nội đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Theo tôi, ngoài việc giáo dục nâng cao ý thức tiêu dùng vừa phải, tiết kiệm và ưu tiên dùng hàng nội, chúng ta cần phải ưu tiên dùng biện pháp kích cầu; nâng cao trình độ sản xuất, dịch vụ, nâng cao chất lượng, giá thành hạ, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã… để tạo ra hàng hoá có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại phục vụ xã hội. Bởi vì trên thực tế những năm vừa qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam đã có thương hiệu, chiếm được thị phần trong nước và được người tiêu dùng ưa chuộng, bình chọn hàng năm. Đó là những yếu tố quyết định để người tiêu dùng đến nhiều hơn đối với hàng nội. Ngược lại nếu hàng hoá, sản phẩm chất lượng kém, giá cả cao… thì không thể bắt người tiêu dùng phải “yêu” hàng nội được.
PV: Hiệp Hội đã có những động thái gì để góp phần đưa Cuộc vận động sớm đi vào cuộc sống, thưa ông ?
Ông Cao Sỹ Kiêm : Hiện nay Nghị quyết BCT vừa ban hành và CVĐ sẽ được phát động ở cả nước. Để cùng cả nước tích cực hưởng ứng CVĐ này, các cấp Hội chúng tôi đang chuẩn bị rà soát lại các công việc, xây dựng chương trình hành động, triển khai kế hoạch công tác phù hợp với những nội dung NQ của BCT và phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan. CVĐ này cũng là để tạo ra yếu tố, tạo ra điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp, người dân có căn cứ thực hiện những chủ trương ấy. Muốn để người tiêu dùng ưa thích hàng của Việt Nam sản xuất, những yếu tố cần quan tâm nữa là hệ thống phân phối, hệ thống tuyên truyền quảng bá sản phẩm, chất lượng, giá thành sản phẩm hàng hoá , chế độ chăm sóc khách hàng…phải chuẩn, phải thay đổi và phải thay đổi về chất, không theo phong trào rồi đâu lại vào đó . Chúng ta cũng biết, làm được điều này không phải dễ, nhưng khó nên mới cần sự đồng lòng của mỗi người, mỗi thành phần, đối tượng. trong xã hội. Các doanh nghiệp càng có vai trò to lớn và trách nhiệm với xã hội càng phải xác định rõ hơn, bởi vì họ là những cơ sở cung cấp sản phẩm, hàng hoá cho xã hội. Thời buổi hội nhập mà cứ duy trì “tư duy chụp giật” trong SXKD, dịch vụ thì cũng sớm tự đào thải mình, khách hàng họ sẽ xa lánh mình, quay lưng với sản phẩm của mình.
Tất cả những điều đó đều có liên quan đến doanh nghiệp trong Hiệp Hội, vì vậy những việc đó cần phải được bố trí, chuẩn bị thực hiện, có lộ trình cụ thể. Sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng phục vụ dân sinh được sản xuất ở nhiều địa bàn, ở khắp các thành phần kinh tế, nên các cấp, các ngành, nhất là những DNNVV là thành viên của chúng tôi đều phải tiến hành khảo sát, phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại cụ thể từng khâu xem có vướng mắc, ách tắc ở đâu để có biện pháp tháo gỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chức năng chuyên ngành, các bộ phận chuyên môn của Hiệp Hội đang tích cực chuẩn bị những điều kiện triển khai đến từng doanh nghiệp, làm sao để kế hoạch triển khai vừa có bài bản, vừa có kết quả theo tinh thần của Nghị quyết BCT trên toàn hệ thống, tạo lòng tin nhanh đến các đối tượng và không gặp trục trặc nào ngay từ ban đầu. Thủ tục hành chính rườm rà, cản trở SXKD phát triển, cần phải cải tiến, đổi mới triệt để các doanh nghiệp phát triển không hạn chế….
PV: Hiệp hội đã có những khảo sát, nghiên cứu, điểu tra nào về sở thích của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hoá nội, để có thể có những đánh giá chính xác, từ đó đưa ra những giải pháp cho thị trường hàng sản xuất trong nước phát triển?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Khảo sát, điều tra một cách quy mô, bài bản và đầy đủ thì chúng tôi chưa làm để có thể đánh giá chính xác thị trường hàng nội. Nhưng chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu điển hình, độc lập. Như đối với người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, hàng Việt Nam đã được họ chào đón, tiêu dùng như thế nào. Có thể nói, hàng hoá do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đến với thị trường nông thôn khá thuận lợi và được nhân dân chấp nhận. Đối với đối tượng như thanh niên thì họ cũng chuộng hàng nước ngoài trong khu vực như Thái Lan. Hàng Trung Quốc trước kia được ưa chuộng nhưng vài năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã có sự lựa chọn kỹ hơn, khó tính hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn, đô thị. Có những đối tượng không quan tâm nhiều đến hàng nhái, hàng giả mà chuộng thương hiệu quen thuộc. Đó là thói quen không phải mỗi lúc họ từ bỏ ngay được. Họ có điều kiện để lựa chọn. Vấn đề là cách chúng ta làm sao để tạo được sự đồng thuận của nhiều đối tượng trong xã hội ủng hộ và làm theo chủ trương đúng đắn này của Đảng, để nó sớm đi vào cuộc sống mỗi gia đình, cả xã hội một cách thiết thực, hiệu quả.
PV: Định hướng, giải pháp của Hiệp Hội, của các nhà SXKD, dịch vụ đối với người tiêu dùng như thế nào?( các cam kết, cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng cũng như cả người sản xuất hàng chất lượng…)
Ông Cao Sỹ Kiêm: Các Bộ chức năng như Bộ Công Thương, Bộ NN& PTNT… sẽ có những quy định riêng về phía quản lý nhà nước. Riêng đối với những DNNVV trực thuộc Hiệp Hội, chúng tôi cũng có những tiêu chí cụ thể về chất lượng, giá cả, thể thức hệ thống phân phối, dịch vụ, quy trình công nghệ, hệ thống dịch vụ …Chúng tôi cũng rất quan tâm đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, dân tộc để có chính sách tốt hơn, khuyến khích các DNNVV SXKD, khuyến khích bà con dùng hàng nội. Đối với những DN SXKD, dịch vụ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, chúng tôi sẽ có cơ chế ràng buộc, đồng thời đưa ra những khuyến cáo về công khai, minh bạch trong SXKD và dịch vụ; thứ hai là ý thức chấp hành nghiêm túc những quy định, pháp luật của Nhà nước; thứ ba là người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình, phải biết lên án, tẩy chay những cơ sở SXKD, dịch vụ làm hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng giả. Đồng thời có ý thức giáo dục cũng như khuyến cáo những thành viên trong gia đình chi tiêu hợp lý, tiết kiệm phù hợp với điều kiện thu nhập của mình; đặc biệt tích cực động viên mọi người cùng tham gia vào CVĐ “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chúng ta cần làm sao để mọi thành viên của xã hội, những doanh nghiệp, trong đó có lực lượng lớn DNNVV, người cung cấp sản phẩm hàng hoá cho xã hội, cả người tiêu dùng… thấm nhuần được ý thức bảo vệ sản xuất trong nước bằng việc tích cực tham gia mua sắm, tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, góp phần vực dậy sản xuất trong nước, đẩy lùi tác động của suy thoái kinh tế, trong đó có kinh tế Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông.
Thu Hiền (thực hiện)
Ý kiến một số người tiêu dùng về Cuộc vận động.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Cổ Phần Phát triển phần mềm và Hỗ trợ công nghệ):
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là một quan điểm đúng đắn. Trong môi trường hội nhập, toàn cầu hóa, gia nhập WTO...không tránh khỏi cạnh tranh với hàng hoá các nước, song nước nào cũng thế, dù gì thì ít nhiều vẫn có ý thức tự bảo hộ. Nhiều năm trở lại đây cũng đã có nơi có lúc nêu lên khẩu hiệu này và cũng đã có những hoạt động thiết thực như bình chọn Hàng VN chất lượng cao; Cúp vàng thương hiệu (về phía doanh nghiệp) cũng như vận động người VN quan tâm sử dụng hàng VN để kích cầu trong nước, song hy vọng đây sẽ là 1 CVĐ bài bản, quy mô và nhất là mang tính sâu rộng, đi vào cụ thể, thiết thực, tránh khoa trương, hình thức.
Bản thân nội dung CVĐ cũng đã đề cập đến cả 2 phía: người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo tôi, CVĐ cũng cần đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng bản thân các doanh nghiệp VN tự chèn ép lẫn nhau thay vì hợp tác cạnh tranh cùng phát triển; hay hiện tượng nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất – kinh doanh còn quá chú trọng vào xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa.
Bên cạnh việc kích cầu sản xuất trong nước thì cũng cần phát huy, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc trong thời bình. Có thể đưa CVĐ vào giáo dục trong trường học, ví dụ như ngoại khóa môn Giáo dục công dân chẳng hạn để xây dựng 1 thế hệ NTD mới quan tâm đến hàng hóa VN.
Chị Lê Ngọc Nhung (Khu D, Bán đảo Linh Đàm) :
Ở góc độ nguời tiêu dùng, tôi sẵn sàng ủng hộ việc người Việt dùng hàng Việt. Khi mua hàng, chúng tôi chú trọng đến giá thành và chất lượng sản phẩm. Nên giá thành phải chăng, chất lượng tương đối thì sản phẩm hàng hoá luôn hấp dẫn chúng tôi. Việc ủng hộ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ sở cả về mặt tình cảm lẫn thực tế. Nhiều khi tôi muốn mua hàng Việt nhưng gặp phải vấn đề là chất lượng hàng Việt Nam không đều nhau. Tôi nghĩ Doanh nghiệp và cộng đồng cùng cần phải có ý thức, mà trước tiên là doanh nghiệp. Phải tôn trọng người tiêu dùng và đưa ra những sản phẩm đảm bảo về chất lượng, giá thành hợp lý, chú trọng đến thị trường trong nước, quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu của người Việt thì mới có thể có những sản phẩm hữu dụng, hấp dẫn. |
Thu Thanh( thực hiện)