Thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại xuất hiện tràn lan đã và đang làm
tổn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng của người dân hiện không chỉ còn là
lời cảnh báo, bởi quy mô, cấp độ nguy hiểm của nó đang ngày càng gia
tăng, khó kiểm soát. Vậy, "nạn" thực phẩm bẩn phải giải quyết ra sao?
Mới đây, sự kiện hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất kịch độc được đưa ra thị trường và bị phát hiện bởi đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, khiến dư luận thêm một lần phẫn nộ. Theo thông tin trên báo chí, tại cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi thuộc Công ty TNHH TCN Trường Phú (Hải Dương), đoàn thanh tra đã phát hiện “tại trận” 14 kg hoạt chất Auramine mà cơ sở này chưa sử dụng hết, và 46 kg Auramine đã được trộn với khoảng 230 tấn thức ăn chăn nuôi để bán ra thị trường. Cùng thời điểm này, đoàn thanh tra khác phát hiện tại khuôn viên Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long (Hưng Yên) có 11 thùng chứa hoạt chất Auramine, trong đó có 10 thùng với tổng khối lượng là 300 kg chất Auramine đã dùng hết (tương đương với 1.500 tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất kịch độc được đưa ra thị trường), và một thùng còn lại đang chuẩn bị đưa đi phối trộn với thức ăn chăn nuôi. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì: “Auramine là hoạt chất chỉ dùng trong công nghiệp dệt nhuộm, công nghiệp giấy, cấm dùng trong công nghiệp thực phẩm vì khi được nạp vào cơ thể, chất này không thể đào thải ra ngoài. Tích lũy lâu trong người, tồn dư của chất này có khả năng gây ung thư, gây nhiều loại bệnh khác, hủy hoại giống nòi và gây các biến đổi bất thường về gene”. Đây chính là lý do khiến Auramine được gọi là chất kịch độc. Và khi gia súc, gia cầm ăn loại thức ăn chứa chất kịch độc sẽ không thể đào thải ra ngoài, vì thế khi ăn thức ăn chế biến từ gia súc, gia cầm này chẳng khác nào tự đưa chất độc vào cơ thể mà không hay biết. Hậu quả sẽ là ung thư, vô sinh, thai nhi dị dạng,… Liệu ai dám chắc thịt gà, thịt lợn sử dụng trong bữa ăn gia đình có chứa chất kịch độc này hay không, khi hàng nghìn tấn thức ăn chăn nuôi được bán trên thị trường, vì rất có thể chúng đã được tiêu thụ hết, đã được nhồi vào gia súc, gia cầm để vỗ béo cấp tập trước khi bán cho người tiêu dùng?
Với cụm từ “người Việt đang tự đầu độc nhau” chỉ trong 0,49 giây trang tìm kiếm Google thu được khoảng 1.480.000 kết quả! Đọc các bài viết có thể bắt gặp vô số vụ việc được phát hiện gần đây khiến dư luận kinh hãi.
Bởi không ai có thể tưởng tượng những chiếc xúc xích thơm ngon bán trong nhiều hàng quán lại được làm từ da gà, lòng lợn thối; những chiếc đùi gà bợt bạt, xanh lè được tẩm ướp, chế biến thành món gà rán; những nải chuối chín vàng được tẩm đẫm hóa chất... Danh mục các loại thịt ôi thối được “phù phép” nhiều nhất, được báo chí “chỉ mặt đặt tên” hiện nay đều là thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hằng ngày với số lượng lớn, đó là: thịt gà ôi thành gà tươi; thịt trâu thối, lợn sề hóa phép thành “thịt bò ngoại”; thịt lợn chết bệnh thành món heo quay giòn ngậy; nội tạng thối thành đồ nướng thơm ngon; cá ươn, cá thối thành đặc sản chả cá; tôm, cua, mực cũng được tiêm hóa chất để tươi lâu hơn,… Thậm chí, có vụ việc bị phát hiện nhiều người vẫn không thể tin tại sao lòng lợn thối, phân heo lại có thể được chế biến thành… cao chữa bệnh với rất nhiều công dụng như chữa bệnh yếu sinh lý, hiếm muộn, có tác dụng làm trắng da?! Rồi ngay đến cả rau quả, và ngay cả đồ uống cũng không nằm ngoài “đại dịch” nhiễm hóa chất độc hại. Nỗi hoang mang vì "ăn gì cũng sợ" giờ đây không còn là nỗi lo riêng của các bà nội trợ, mà của cả xã hội, vì đang đe dọa đến tính mạng của tất cả mọi người, nên không thể bàng quan được nữa.
Thực phẩm bẩn đã và đang trở thành "đại nạn" trong toàn quốc. Một số người ngỡ rằng có thể tự bảo vệ được bản thân, gia đình bằng cách mua đồ ngoại nhập hay mua hàng ở các cửa hàng bán thực phẩm sạch, chấp nhận giá cả có thể đắt hơn nhiều lần so với mức giá thông thường. Nhưng thực phẩm ở đó có sạch thật, sản phẩm ngoại nhập có đúng như xuất xứ ghi trên bao bì hay không liệu có ai dám chắc? Đã có chuyện về một số người trồng rau khoanh riêng một khoảnh đất trồng rau sạch để gia đình mình sử dụng, còn rau phun thuốc, rau có bón chất kích thích,… thì đem bán. Tự bảo vệ như thế liệu đã đủ để yên tâm? Chắc chắn là chưa, vì họ vẫn phải mua lương thực, thực phẩm khác, không lẽ lại chỉ ăn toàn rau, và ai dám chắc những thứ mua về cho gia đình là an toàn khi chính sản phẩm họ đem bán đang chứa mầm mống bệnh tật? Và họ cũng không thể chỉ suốt ngày ở trong nhà. Con cái vẫn phải ra ngoài, đi học, đi làm. Những thực phẩm độc hại họ bán ra thị trường rất có thể được chính con em mình ăn phải. Vì thế, chỉ sự thiếu ý thức của một người cũng có thể khiến cho quá trình “tự đầu độc bản thân và đồng loại” diễn ra trên một quy mô rộng, mức độ nguy hại khôn lường.
Sự việc hàng tấn thức ăn chăn nuôi gia súc chứa chất kịch độc được đưa ra thị trường vừa bị phát hiện thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp về tình trạng thực phẩm độc hại hiện nay ở nước ta. Thế nhưng đáng buồn là có người ở các cơ sở sản xuất thực phẩm độc hại bị phát hiện và xử lý lại chỉ coi là mình bị đen đủi, vì “nếu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thì tôi khẳng định rằng hầu như doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nào cũng “dính”…”. Họ vô tình hay vô tâm không biết hầu như không tháng nào bệnh viện từ tuyến cơ sở đến cấp trung ương không phải tiếp nhận người bị ngộ độc thực phẩm. Quy mô nhỏ thì ngộ độc trong một gia đình, quy mô lớn hơn có thể là ngộ độc trong một trường học, trong một nhà máy... Mức độ thấp thì hoa mắt, nôn mửa, mức độ cao hơn là nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo. Mức độ cao hơn nữa là tử vong. Nhưng điều đáng sợ nhất là chất lượng giống nòi bị ảnh hưởng bởi các chất độc khi ngấm vào cơ thể có thể để lại di chứng, hủy hoại thế hệ sau. Trước thực trạng này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Chúng ta phải làm gì để hạn chế, từng bước loại bỏ thực phẩm độc hại khỏi cuộc sống hằng ngày, để mỗi ngày thức dậy, chúng ta không còn cảm thấy bất an?
"Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”- ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh được nhiều người chia sẻ. Chẳng hạn như câu hỏi: Vì sao hiện nay số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam tăng mạnh? Như thống kê của ngành y tế thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150 nghìn ca mới mắc, hơn 75 nghìn trường hợp tử vong do ung thư (cao gấp bảy lần so với số người tử vong do tai nạn giao thông). Trong các bệnh nhân ung thư, số người mắc bệnh từ việc ăn, uống các thực phẩm chứa chất độc hại chiếm một tỷ lệ đáng kể. Tình trạng mất kiểm soát an toàn thực phẩm như hiện nay thật nguy hiểm. Chính vì thế, người dân trông chờ vào các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý, cũng như cảnh báo về các nguồn thực phẩm mất an toàn. Tất nhiên, với tình trạng vi phạm trên quy mô lớn như hiện nay, các cơ sở chế biến và cung cấp thực phẩm ngày một gia tăng, sẽ là thách thức với các cơ quan chức năng. Nhân lực mỏng, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chuyên ngành còn có một số bất cập, việc xử phạt chưa đủ tính răn đe,… là các nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dù đã được thanh tra, xử lý song vẫn chưa thuyên giảm, mà còn có nguy cơ bùng phát với mức độ cao hơn. Chủ cơ sở sẵn sàng nộp phạt vài chục triệu đồng để khi đoàn thanh tra đi khỏi thì mọi việc sẽ trở lại như cũ, đơn giản bởi lợi nhuận mà họ kiếm được quá lớn!
Ngày 17-11 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra năm nhóm giải pháp để chấn chỉnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây bức xúc dư luận hiện nay, đó là: nâng cao nhận thức; xây dựng hành lang pháp lý; hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm, tăng cường năng lực hệ thống. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 155, Điều 244 Bộ luật Hình sự về sử dụng chất cấm để có cơ sở pháp lý đủ mạnh trong khi xử lý các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Đã đến lúc cần “mạnh tay” với vi phạm. Các hình thức xử phạt hành chính như phạt tiền, đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh… chưa thể đủ răn đe, cũng như chưa tương ứng với mức độ nguy hiểm và tác hại khủng khiếp khi các sản phẩm độc hại được cơ sở đưa ra thị trường. Thức ăn mang trong nó chất kịch độc có thể không đưa tới những cái chết tức thì, nhưng cần phải xem xét mức độ nguy hiểm lâu dài của chúng đến sức khỏe mọi người, đến tính mạng cộng đồng. Đã có đại biểu Quốc hội cho rằng “Chống thực phẩm bẩn như chống dịch”, đó là ý kiến xác đáng. Thậm chí cần phải xác định chống thực phẩm bẩn như chống bão, chống hỏa hoạn - nghĩa là không thể chậm trễ được hơn nữa. Mọi người đều có quyền được ăn bữa cơm an toàn, được sống mạnh khỏe. Vì thế bất cứ cá nhân, cơ sở sản xuất nào thu lợi nhuận bằng cách đầu độc người khác là vô nhân đạo. Nếu không kiên quyết, không xác định tính cấp bách của việc chống thực phẩm độc hại thì không chỉ sức khỏe mỗi người bị đe dọa, mà các thế hệ mai sau sẽ cũng phải chịu hậu quả, giống nòi bị ảnh hưởng. Cho nên, cần coi việc tham gia chống thực phẩm độc hại là trách nhiệm, nghĩa vụ, sự tự ý thức của mọi người dân. Bởi, không có mảnh vườn nào đủ an toàn khi vẫn có người trồng rau bẩn để bán ra thị trường, và không có môi trường nào đủ an toàn khi tính mạng con người bị xem nhẹ !
Thành Nam/TTXVN