Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 10/12/2008 8:33'(GMT+7)

Cổ tích một đằng, sách in một nẻo

Theo nhà văn chuyên viết cho độc giả nhí Lê Phương Liên, rất khó để kiểm soát thị trường sách thiếu nhi, bởi đa số người làm sách quan niệm đây là nơi kiếm ăn chứ chưa chú trọng xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. “Sách thiếu nhi cần nhân lực chuyên nghiệp hơn các ấn phẩm khác, không phải ai thích thì làm”, bà Liên nói.

Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành hai cuốn Cô bé tí hon, một cuốn thuộc Tủ sách Vườn cổ tích, một cuốn khác nằm trong bộ truyện Xứ sở diệu kỳ. Tuy nhiên, hai Cô bé tí hon lại khiến các em nhỏ "hoang mang", bởi nội dung chỉ giống nhau khoảng 70%.

Câu chuyện thứ nhất, kể về cô bé tí hon may mắn được bạn bè cứu thoát khi bị ép kết hôn với một con ếch xấu xí. Tí hon tìm đến ở nhờ nhà cô chuột và cứu sống một con chim én đang hấp hối. Để đền ơn, chim đưa cô đến xứ sở tuyệt đẹp để gặp chàng hoàng tử trong mơ.

Câu chuyện thứ hai có thêm chi tiết, trong lúc trú ngụ, cô chuột khuyên bé tí hon kết hôn với anh chuột chũi, nhân vật không xuất hiện ở cuốn trước. Từ chối lời cầu hôn của chuột, tí hon trốn vào rừng. Lúc này, cô bé bất ngờ gặp chim én mà mình từng cứu sống, và được chim đưa đến xứ sở các thiên thần.

Tương tự, hai cuốn truyện cổ tích cùng tựa Ba chú lợn con, một của NXB Kim Đồng, một của NXB Mỹ thuật, song nội dung không hoàn toàn giống nhau. Cuốn thứ nhất kể rằng, trong ba chú lợn, hai lợn anh rất lười nhác, chỉ có chú út chăm chỉ. Nhưng ở cuốn thứ hai, câu chuyện bị đảo ngược khi chú lợn cả được khen chăm ngoan, trong khi hai lợn em vô cùng lười biếng.

Cùng tựa Chuột đồng và chuột nhà do NXB Mỹ thuật ra mắt cùng thời điểm, song một cuốn được xếp vào tập “Truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới”, cuốn kia thuộc tập “Những câu chuyện hay nhất viết cho thiếu nhi”. Những câu chuyện nhỏ trong mỗi tập sách mang nội dung hoàn toàn khác nhau, chỉ duy nhất truyện Chuột đồng và chuột nhà có nội dung hao hao, dù ở cuốn đầu, câu chuyện được kể chi tiết hơn, trong khi cuốn thứ hai chọn cách kể kiểu “ăn bớt”.

Không chỉ nội dung na ná, nhiều truyện tranh thiếu nhi “tuy hai mà một” khi giống nhau y hệt từng nét vẽ. Cuốn Thỏ và chồn thuộc bộ Tranh truyện cổ tích thế giới của NXB Kim Đồng, so với cuốn Núi cạch cạch của NXB Văn hóa thông tin là “anh em sinh đôi”, giống y chang nhau từ nội dung đến nét vẽ.

Tương tự, cuốn Jack và hạt đậu thần của Nhà xuất bản Mỹ thuật và Hạt đậu thần kỳ trong Tủ sách búp bê của Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, thực chất chỉ là một.

Hoạ sĩ Bích Hồng, người chịu trách nhiệm mỹ thuật cuốn Thỏ và chồn, cho biết, trên thị trường sách thiếu nhi có rất nhiều tác phẩm khai thác từ truyện tranh nước ngoài và giữ nguyên nét vẽ khi xuất bản tại Việt Nam. “Mấy năm trước, vấn đề bản quyền chưa phải là vấn đề lớn tại Việt Nam nên khó tránh khỏi việc “đụng hàng” giữa các Nhà xuất bản”, họa sĩ Hồng giải thích.

Nhà văn Viết Linh, tác giả những cuốn sách giả tưởng dành cho thiếu nhi cho rằng, với truyện cổ tích, người kể có thể thêm bớt hoặc thay đổi một số chi tiết. “Dù điều này khiến các em nhỏ nổi giận, song chưa có giải pháp giải quyết vì đó là tác phẩm truyền miệng, không thuộc bản quyền của ai”, ông nói.

Đồng ý truyện cổ tích có thể có dị bản, nhưng nhà văn Dương Bình Nguyên cho rằng, chỉ nên thay đổi chút ít chứ không được làm nội dung ngược lại. “Với những cuốn sách nội dung đã chuẩn mực, không nên cố tình biến hóa nó thành các dị bản nhằm kiếm lời”.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, thị trường có quá nhiều sách thiếu nhi chưa đạt chuẩn, làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng. “Người mua tự trách mình mua nhầm sách dở, chứ không thể cấm việc tân trang những câu chuyện dân gian. Điều quan trọng là câu chữ phải trong sáng, tranh vẽ phải mang tính thẩm mỹ cao”, bà Liên nói.

Còn nhà văn Bình Nguyên chỉ rõ, lý do thị trường sách trẻ em trở nên bát nháo là bởi các Nhà xuất bản không quản lý được nội dung in ấn. “Sự tắc trách khiến người mua khó lựa chọn sản phẩm cần thiết, còn trẻ em rơi vào tình trạng loạn thông tin”.

(Theo:Tin tức Online)   

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất