Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 8/12/2008 17:5'(GMT+7)

Bắc Giang: Nâng cao chất lượng danh hiệu văn hoá

Cổng làng văn hoá Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng-Bắc Giang)).

Cổng làng văn hoá Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng-Bắc Giang)).

Theo kết quả bình xét mới nhất, năm 2008, toàn tỉnh Bắc Giang có 1.129 làng, bản, khu phố văn hoá cấp huyện, tăng 158 làng so với năm 2007. Đáng chú ý là chất lượng các làng văn hoá ngày càng được  nâng cao. Nhờ sự quan tâm đầu tư của chính quyền và đóng góp hiệu quả của nhân dân, phong trào xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở được đẩy mạnh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây mới hơn 100 nhà văn hoá thôn, bản, đưa tổng số nhà văn hoá trong toàn tỉnh lên hơn 1.800 nhà, cùng gần 80 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, ở hầu hết các làng văn hoá, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hoá bằng nguồn kinh phí huy động từ nhân dân có sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Bên cạnh đó, do làm tốt công tác tuyên truyền, các địa phương đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến. Từ phong trào này, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 5 nghìn tổ hoà giải với gần 1,4 vạn tổ viên, đóng góp tích cực trong việc giữ gìn an ninh, trật tự thôn xóm… Cùng đó, một số phong trào khác như: "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào học tập, lao động sáng tạo; xoá đói giảm nghèo; xây dựng gương người tốt việc tốt và điển hình tiên tiến; phong trào văn nghệ quần chúng… ngày càng phát triển và nhận được sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những thành tích trên đã góp phần đưa Bắc Giang trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện các tiêu chí, nhiệm vụ của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Có được kết quả trên là do ngay từ khi triển khai, tỉnh đã sớm thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào các cấp với những mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể gắn với trách nhiệm của từng thành viên. Điển hình như ngành giáo dục-đào tạo tập trung chỉ đạo phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá, trường học văn hoá; ngành y tế chỉ đạo chương trình xây dựng làng sức khoẻ, chuẩn quốc gia về y tế xã; MTTQ các cấp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"…  Ở cấp cơ sở, các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo các cấp nhằm chỉ đạo, thực hiện phong trào theo đúng định hướng.

Bên cạnh đó, cùng với thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức nên phong trào đã có sự lan toả mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, chính quyền cơ sở cùng đông đảo nhân dân. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo tỉnh còn định hướng các địa phương tổ chức chặt chẽ các bước bình xét công nhận danh hiệu văn hoá để bảo đảm tính công bằng và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng của các danh hiệu được công nhận. Trên cơ sở đó, hàng năm ban chỉ đạo các cấp chủ động triển khai nhiệm vụ sớm, chỉ đạo các thôn, bản và nhân dân đăng ký các danh hiệu văn hoá và có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên… Vào dịp cuối năm, việc tổ chức bình xét danh hiệu văn hoá cấp huyện được tiến hành chặt chẽ từ tổ tự quản cho tới thôn, xã và cấp huyện. Trước khi công nhận danh hiệu, ban chỉ đạo cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra đối với những đơn vị được đề nghị. Ở cấp tỉnh, việc bình xét cũng được tổ chức tương tự. Với cách làm đó, hiện tượng những làng, khu phố không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được công nhận trước kia nay không còn. Thậm chí nhiều làng tuy giữ vững danh hiệu văn hoá cấp tỉnh nhiều năm nhưng chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3 vẫn bị cắt danh hiệu. Việc tổ chức bình xét chặt chẽ cũng giúp cho những thôn, khu phố đã đạt danh hiệu có sự ổn định, phát triển bền vững nhờ bảo đảm tốt các tiêu chí “cứng” như xây dựng đường giao thông, trạm điện, trường học, nhà văn hoá, không có trường hợp sinh con thứ 3, tỷ lệ hộ nghèo thấp…

Huyện Lạng Giang là một điển hình. Trong năm 2008, ngoài việc tăng về số lượng, do chủ động trong chỉ đạo thực hiện nên chất lượng các làng văn hoá được nâng cao. Qua bình xét, năm nay toàn huyện có 173 làng đạt danh hiệu văn hoá là cấp huyện, tăng 14 làng so với năm ngoái, trong đó có 45 làng đề nghị cấp tỉnh và 2 xã văn hoá Tân Dĩnh, Tiên Lục. Hầu hết các làng văn hoá  của huyện đều có đời sống kinh tế ổn định, xây dựng được nhiều công trình công cộng có ý nghĩa thiết thực  như đường giao thông nông thôn, các tuyến kênh mương nội đồng. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, hoạt động đoàn thể, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục, khuyến học… ở các thôn cũng rất phát triển, tạo bức tranh nông thôn với nhiều sắc tươi mới. Hay như ở xã Đức Thắng (Hiệp Hoà), nhờ thực hiện chủ trương phấn đấu trở thành xã văn hoá nên hầu hết các thôn trong xã  đều có sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế cũng như đời sống văn hoá tinh thần. Hiện 13/13 thôn của xã xây dựng được nhà văn hoá khang trang, thành lập các tổ, đội văn nghệ, thể dục thể thao. Khu vực trung tâm xã có nhà văn hoá, thư viện phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức, giải trí của nhân dân… Ngoài ra có thể kể tới các điển hình như: thôn Lai Hoà, Tư Một, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), thôn Dĩnh Xuyên, Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), thôn Nguột, xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang)… những đơn vị giữ vững danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh nhiều năm liên tục.

Đến thời điểm này, 100% huyện, thành phố đã hoàn thành bình xét các danh hiệu văn hoá năm 2008 với những kết quả  đáng khích lệ. Hiện nay, các thành viên Ban chỉ đạo phong trào tỉnh đang tiến hành tổng kiểm tra danh hiệu văn hoá cấp tỉnh đã đăng ký ở các địa phương./.
(Theo:Báo Bắc Giang)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất