(TCTG) - Từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Bùi Thị Vị thôn Phú Cốc, Thành Thọ, Thạch Thành, Thanh Hoá chỉ được học hết cấp 2, phải ở nhà giúp gia đình, lớn lên lấy chồng, gia đình nhà chồng cũng nghèo, nên khi được bố mẹ cho ở riêng thì tài sản chẳng có gì ngoài hai gian nhà tranh vách đất, kinh tế cực kỳ khó khăn cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào số tiền ít ỏi đi làm thuê hàng ngày.
Đến năm 1997, được chính quyền và Hội Phụ nữ quan tâm xem xét, gia đình chị được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 20.000.000 đồng. Chị đã dùng số tiền 15.000.000 đồng mua hai con bò sinh sản, số tiền còn lại mua một con lợn nái và hai con lợn thịt. Với sự cố gắng của gia đình, đến năm 2005 từ hai con bò sinh sản đã phát triển lên thành một đàn bò 10 con, do diện tích đất canh tác các loại cây công nghiệp được mở rộng như mía, cao su, dứa nên diện tích chăn thả bị thu hẹp cộng với gia đình thiếu nhân công nên đã bán bò mua 2 con trâu và trả nợ ngân hàng.
Năm 1998, gia đình chị mạnh dạn nhận 3 ha đất đồi để trồng cao su và hiện nay đang cho thu hoạch với sản lượng mủ khá tốt. Năm 2008, gia đình tiếp tục mở rộng trồng mới 0,4 ha cao su, trồng 1,5 ha mía, ao thả cá là 1.500m2, luôn duy trì từ 30 đến 50 con gà mái đẻ và mỗi năm nuôi được 2 lứa gà thả vườn mỗi lứa từ 250 đến 300 con. Với sự cố gắng, nỗ lực vượt khó đi lên của bản thân và gia đình, đến nay tổng thu nhập của gia đình chị từ 180 đến 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 80 đến 100 triệu đồng.
Là người từng trải qua thời kỳ khó khăn của cuộc sống, được sự giúp đỡ của chính quyền, tổ chức hội và cộng đồng, bằng sự nỗ lực của bản thân và gia đình, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, cơ sở vật chất nhà cửa đã được xây dựng khang trang, có điều kiện nuôi hai con ăn học, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, hai cháu hiện đang học tại Học viện An ninh nhân dân.
Thôn chị là một thôn nghèo thuộc diện 135 nên đa số các hộ trong thôn đều nghèo, bản thân chị đã từng phải sống trong nghèo khó nên chị và gia đình luôn luôn tạo điều kiện trong phạm vi mình có thể để giúp các hộ nghèo. Đặc biệt là từ năm 2007, khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được học và nghiên cứu, tìm hiểu những lời dạy của Bác Hồ kính yêu qua các tài liệu tuyên truyền của cuộc vận động, chị càng thấm thía và suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với bà con xóm giềng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên hàng năm chị đều giành một phần thu nhập để giúp các hộ nghèo trong thôn như: Giúp cá giống từ 1.000.000 đến 1.500.000đ; Giúp giống mía từ 30 đến 35 tấn (khoảng 19.500.000đ đến 22.700.000đ). Gia đình chị còn tạo việc làm cho 80 đến 100 lao động thời vụ có thu nhập bình quân từ 150.000đ - 200.000đ/ngày.
Tổng số tiền chị giúp đỡ cho bà con vay hằng năm từ 22.000.000đ đến 25.000.000đ, số tiền này không tính lãi và cho chịu đến khi bán sản phẩm thì hoàn lại. Gia đình chị cũng luôn chấp hành nghiêm mọi chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp đầy đủ mọi nghĩa vụ với địa phương và dành một phần kinh phí khuyến khích, động viên cho con em nông dân được học hành đến nơi đến chốn và xem đây là con đường thoát nghèo bền vững nhất cho các gia đình trên quê hương mình.
Việc làm của gia đình chị chỉ là nhỏ bé, nhưng từ trong suy nghĩ bình dị của chị là luôn muốn gần gũi, cảm thông, chia sẻ chân tình với những hộ còn khó khăn, tạo điều kiện giúp đỡ họ trong khả năng có thể của mình để họ có cuộc sống ấm no hạnh phúc, bình đẳng như mọi người, góp phần nhỏ bé của mình vào thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” , biến những lời dạy của Bác thành những hành động nhân văn, văn hoá trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân thôn Phú Cốc, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành.
Trịnh Khắc Bân
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá