Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 18/9/2011 14:0'(GMT+7)

Mấy vấn đề cốt yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta phát động và chỉ đạo thực hiện từ hơn bốn năm nay là một cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng toàn dân, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, không chỉ về chính trị mà còn về đạo đức và văn hóa. Chủ trương này của Đảng rất đúng lúc, kịp thời và rất được lòng dân.

Những kết quả, thành tựu đạt được là to lớn, góp phần nâng cao nhận thức trong Đảng và trong xã hội; bước đầu hình thành nhu cầu văn hóa, thực hành văn hóa theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo ra chuyển biến tích cực trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của dân, xây dựng Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị; đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, các tệ nạn và tiêu cực xã hội để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thúc đẩy đổi mới.

Tuy nhiên, qua hơn bốn năm thực hiện Cuộc vận động, những khiếm khuyết, hạn chế, nhược điểm cũng đã bộc lộ, đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phục. Thực tiễn đổi mới và phát triển của nước ta hiện nay, nhất là yêu cầu đột phá để phát triển bền vững cũng đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

Sau Đại hội XI, Đảng ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là một động lực tinh thần to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ trên con đường phát triển, để thực hiện thắng lợi hệ mục tiêu của đổi mới “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là thực hiện một trong những giải pháp chiến lược để giữ vững lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để gắn liền xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phấn đấu theo hệ giá trị của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho cả dân tộc và cho mỗi con người Việt Nam.

Đây cũng chính là hoài bão, khát vọng suốt đời của Người, là tâm nguyện mà Hồ Chí Minh bày tỏ trong Di chúc và để lại cho chúng ta, từ gần một nửa thế kỷ nay, kể từ lần đầu tiên Người khởi thảo (1965 - 2011) cũng như đã 42 năm nay, kể từ khi Người trở về với thế giới người hiền (1969 - 2011).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình mới, cần tập trung giải quyết những vấn đề cốt yếu sau đây:

1. Nâng cao nhận thức khoa học về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, khắc phục những cách hiểu sai, làm sai đã từng mắc phải, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới phương pháp và phong cách hành động, nâng cao toàn diện chất lượng cán bộ, gắn liền đổi mới việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với đột phá chất lượng nguồn nhân lực để phát triển nhanh và bền vững

Cần thống nhất nhận thức rằng, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là một chỉnh thể hệ thống, gắn liền làm một giữa lý luận với thực tiễn, nhận thức để hành động, học để hành, nói và làm phải nhất quán, lời nói đi đôi với việc làm. Đây là thái độ và phương pháp khoa học của Hồ Chí Minh. Đây cũng là phong cách chính trị thực tiễn của Người, con người của hành động, bám chắc vào quan điểm thực tiễn, thấm nhuần quan điểm phát triển, nhạy cảm với cái mới và thường xuyên đổi mới, tự đổi mới để tự hoàn thiện. Hồ Chí Minh xa lạ với đầu óc tư biện, chủ quan. Người sáng tạo chứ không giáo điều, lý luận bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của cuộc sống. Nắm vững lý luận, tư tưởng để hành động mà đã hành động thì phải hướng vào hiệu quả thiết thực, không hình thức, phù phiếm, khoa trương. Do đó, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, phải ưa thích các công việc thực tế, phải hiểu việc, hiểu người, chú trọng điều kiện và hoàn cảnh, chủ động và quyết tâm, đã tự nguyện suốt đời phục vụ dân thì phải hết lòng hết sức vì dân, gần dân, hiểu đời sống, tâm lý và nguyện vọng của dân, học dân, hỏi dân để hiểu dân, đi liền với tin dân, trọng dân, yêu dân, thương dân và kính dân. Kính trọng, lễ phép với dân là một trong sáu lời Người dạy công an nhân dân mà cũng là dạy tất cả chúng ta.

Do đó, Người nêu cao yêu cầu thực hành, đồng thời suốt đời làm gương mẫu cho mọi người noi theo, từ việc lớn tới việc nhỏ, trong đời sống hàng ngày.

Người chủ trương nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, có khi làm mà không nói. Tự việc làm mà toát lên tư tưởng. Sự gương mẫu, nêu gương không chỉ là phẩm chất đạo đức của mỗi người, nhất là người lãnh đạo mà còn là phương pháp. Theo Hồ Chí Minh, gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, có sức thuyết phục lớn nhất đối với dân. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Như vậy là, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chung đúc hữu cơ giữa lý luận khoa học với sự sáng suốt, nhạy bén chính trị, với phương pháp sáng tạo, phong cách thiết thực giản dị và tỏa sáng vẻ đẹp thanh cao của đạo đức. Đó là đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đạo đức vì dân nên thân dân. Đạo đức trọng dân, giải phóng dân để phát triển dân và dân tộc nên suốt đời Người chú trọng tới dân chủ. Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống, học hỏi từ ông cha nên theo đuổi triết lý sống thân dân và chính tâm. Kế thừa để phát triển theo tinh thần thời đại nên từ thân dân Người tiến tới dân chủ, từ chính tâm trong đạo thánh hiền, Người theo đuổi đạo đức cách mạng, lấy đó làm sức mạnh để chống chủ nghĩa cá nhân như một thứ giặc nội xâm. Người đã từng nói, từng viết “ra sức nâng cao đạo đức cách mạng kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Quan trọng hơn, Người còn suốt đời rèn luyện, tu dưỡng và hành động để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

Tầm vóc tư tưởng cùng với sự cao thượng trong lối sống, lẽ sống và hành động của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người quan niệm rằng, phải có đủ cả bốn đức Cần - Kiệm - Liêm - Chính mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Người cách mạng phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất. Nhờ có động cơ trong sáng, tự nguyện dâng hiến cuộc sống riêng, cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho dân tộc và nhân loại nên Người có thể vượt qua mọi thử thách, gian nan, phấn đấu hy sinh trọn đời vì dân, vì nước, vì dân tộc mà cũng vì nhân loại. Với động cơ ấy, Người suốt đời chí công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, ở ngoài vòng danh lợi. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, vị kỷ, người cách mạng phải suốt đời vì dân, vì nước, “vô ngã vị tha”, khoan dung nhân ái, nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, độ lượng và độ lượng vĩ đại. Thế giới ngợi ca Người có phẩm chất của Chúa, có cái tâm của Phật, có trí tuệ của Mác-Lênin, có đầu óc thiết thực của Tôn Trung Sơn và tâm hồn đẹp đẽ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là vì vậy.

Nét đặc sắc và chiều sâu trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không gạt bỏ, phủ nhận cá nhân, trái lại luôn tôn trọng từng cá nhân, nâng niu giá trị con người. Người căn dặn chúng ta, phê bình công việc chứ không xúc phạm con người, bởi mỗi người là một nhân cách. Đây thực sự là năng lực và bản lĩnh văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, trong đạo đức Hồ Chí Minh, có vẻ đẹp trí tuệ của tư tưởng đạo đức, có niềm tin và đức tin mãnh liệt, có sức mạnh thôi thúc của tình cảm, dẫn dắt hành động, suốt đời chỉ theo đuổi điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Cái lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng làm, cái hại cho dân thì dù chỉ là một cái hại nhỏ cũng phải kiên quyết tránh.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức hành động của người cách mạng, luôn xác định dân là chủ và dân làm chủ nên phục vụ dân là phục tùng chân lý cao nhất, làm đầy tớ, công bộc trung thành và tận tụy của dân là lẽ sống cao thượng nhất. Mọi người, nhất là cán bộ đảng viên phải luôn tâm niệm và hành động sao cho thực hành đúng dân chủ, chứ không biến thành “quan chủ”, là đầy tớ của dân chứ không lên mặt “quan cách mạng”. Được như vậy thì dân mới tin, mới yêu, mới giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ. Bí quyết về sự bền vững của chế độ, suy đến cùng là ở chỗ, chế độ có tạo dựng được sức mạnh từ lòng dân hay không. Cơ sở xã hội vững chắc, rộng lớn và sâu xa của Đảng, Nhà nước và chế độ nói chung cũng từ sức mạnh của dân. Dân là gốc của nước, dựa vào dân mà xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể. Có dân thì có tất cả mà mất dân thì cũng mất hết. Quy luật của muôn đời là vậy. Đạo đức Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ tư tưởng, triết lý của Người, phương pháp và phong cách của Người xoay quanh cái cốt lõi ấy. Đó là DÂN, mở rộng ra và nhất quán mãi mãi tới dân chủ, dân vận, dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Dân ở đây là những con người, từng người một, cho đến cộng đồng dân tộc và xã hội. Đó là cá nhân mỗi người, ai cũng có lợi ích riêng, nhu cầu, nguyện vọng, sở trường, tính cách riêng, nếu nó không trái với lợi ích chung của xã hội thì không có gì xấu, chẳng những không phủ nhận mà trái lại còn phải chăm lo cho nó phát triển. Đó còn là tập hợp số đông, thành ra nhân dân, quần chúng, đồng bào, thành dân tộc, quốc gia - dân tộc và cả thế giới nhân loại. Chỉ có đế quốc thực dân xâm lược, đi bóc lột, áp bức và thống trị dã man tàn bạo con người và loài người như một lũ ác quỷ thì phải đánh đổ nó đi, còn mọi người lao khổ, dù khác màu da tiếng nói nhưng cùng cảnh ngộ, cùng mục đích đấu tranh giải phóng đề TỒN TẠI, phát triển để mưu cầu hạnh phúc, để sống và sáng tạo thì đều là anh em, đồng chí, bạn bè của nhau, phải đoàn kết lại “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Làm cách mạng để giải phóng và phát triển, vì dân tộc mà cũng vì thế giới nhân loại thì người cách mạng cần phải giác ngộ mục đích, động cơ lớn lao, có lòng dũng cảm, đức hy sinh, nghị lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, quên mình (vô tư) vì sự nghiệp chung (chí công). Đó là sự hiến dâng tự nguyện như Hồ Chí Minh đã thực hiện, “tôi tự nguyện hiến đời tôi cho nhân dân tôi, dân tộc tôi và cho cả nhân loại nữa”. Rõ ràng là, đạo đức Hồ Chí Minh thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng (nhận thức lý luận và tầm nhìn chiến lược) với động cơ (mục đích), tình cảm với ý chí, hành động và đức hy sinh (dấn thân, xả thân, hóa thân), phương pháp với phong cách, lẽ sống và lối sống, thành giá trị và nhu cầu văn hóa. Tư tưởng đạo đức kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa tự nhiên với đời sống đạo đức hàng ngày của Hồ Chí Minh, thấm sâu trong từng quan hệ, từng lớp quan hệ “với tự mình”, “với người khác”, “với công việc, tổ chức và đoàn thể”.

Tu dưỡng rèn luyện bằng thực hành, giáo dục bằng nêu gương, động viên, thuyết phục, gây dựng và phát triển đạo đức trong Đảng, trong dân, trong xã hội bằng cách tập hợp lực lượng, phát động và cổ vũ thi đua yêu nước, xây đời sống mới, chống lại những cái lạc hậu, lỗi thời, cũ kỹ, xấu xa, hư hỏng, hướng tới cái tốt đẹp, tiến bộ, mới mẻ, tạo ra phong trào, môi trường, động lực, phát huy các điển hình người tốt, việc tốt, đem lòng nhân ái vị tha, tinh thần dân chủ và văn hóa khoan dung mà đối đãi, ứng xử với người... đó là những đặc điểm nổi bật trong đạo đức và thực hành đạo đức của Hồ Chí Minh.

Tình yêu thương rộng rãi, chân thành cùng với niềm tin, đức tin vào con người sẽ trở nên tốt đẹp, công phu, tỉ mỉ trong giáo dục và thực hành đạo đức, trong kế sách trăm năm “trồng người”, đúng và khéo trong phép dùng người, “dụng nhân như dụng mộc”, thấu hiểu lòng người và thấu cảm với đời sống, số phận con người... Đó là sự hòa quyện các giá trị nhân bản-nhân đạo và nhân văn của đạo đức và văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh.

Trọn đời, cho đến tận Di chúc để lại, Người vẫn không quên căn dặn, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, và ra đi, Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho tất cả.

Trọn đời, Người đã tận tụy hết mình, Người chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là một mẫu mực lý tưởng, một điển hình cao thượng để làm người và ở đời của Hồ Chí Minh.

Người tin và khát vọng, mong mỏi rằng, phải làm sao cho cái hay, cái tốt ở mỗi người sẽ nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi rồi tiến tới chỗ mất hẳn. Muốn vậy, phải giáo dục và tự giáo dục. Sự hoàn thiện đạo đức và nhân cách “phần nhiều do giáo dục mà nên”, đồng thời phải rèn luyện, tự rèn luyện thường xuyên, suốt đời.

Trong quan hệ giữa người với người, phải đem tình thương và sự bao dung mà cảm hóa, thuyết phục, làm cho con người trở nên tốt đẹp. Sông sâu, biển rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình. Đó là lời dạy rất thấm thía của Người đối với mỗi chúng ta

Hồ Chí Minh còn nói lên một điều sâu sắc này, người có đạo đức thì dễ tiếp thu chân lý hơn. Chân lý khoa học muốn sáng tỏ cần phải có đạo đức và chân lý, xét ra, không chỉ là khoa học, nó còn là đạo đức và hướng tới nhân dân, lấy cuộc sống của dân làm thước đo đánh giá. Cái gì tốt cho dân, cái gì lợi cho dân, cái đó là chân lý.

Trên phương diện đạo đức và với tư cách nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản đạo đức học vô giá, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại, từ ngọn nguồn, cội rễ dân tộc, truyền thống và bản sắc dân tộc mà đến với thế giới nhân loại, ở tầm tư tưởng thời đại mà tiếp thu tinh thần văn hóa nhân loại.

Trong đời sống đạo đức và với tư cách con người, nhà hoạt động thực tiễn, nhà giáo dục và nhà tổ chức cũng như ở tầm vóc danh nhân văn hóa, mang cốt cách hiền triết Á Đông, bản sắc Việt Nam, Hồ Chí Minh để lại một kiểu mẫu thực hành đạo đức và thực hành văn hóa đạo đức.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải xuất phát từ quan niệm và nhận thức như thế về Hồ Chí Minh, về sự thống nhất chỉnh thể, toàn vẹn, hệ thống giữa con người với cuộc đời và sự nghiệp; giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách; giữa đạo đức - nhân cách và văn hóa.

Cần khắc phục những biển hiện sơ lược, giản đơn, siêu hình trong cách hiểu, cách làm khi thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không thể tách rời giữa học tập và làm theo, cũng không thể giản đơn cho rằng, phải nhấn mạnh trọng tâm vào chỗ “làm theo” Bác Hồ. Học rất quan trọng, và phải học suốt đời, học đồng thời là làm, tức là thực hành, noi theo, làm theo. Làm cũng đồng thời phải tiếp tục học, học nữa, học mãi, thực hành không những củng cố mà còn thúc đẩy nhận thức, gợi mở nhận thức mới, khám phá mới. Học và làm đều phải sáng tạo, thiết thực, không hình thức, phù phiếm, khoa trương. Làm phải đúng, thực hành phải có sự dẫn dắt của lý trí, lý luận. Học theo cái Tâm, cái Trí, cái Tình của Bác, noi theo động cơ, nghị lực, phương pháp, phong cách của Bác để làm tốt nhất những việc có ích cho đời, cho dân, phục vụ dân, vì dân như Bác đã làm.

Phải rất chú trọng vào yêu cầu sáng tạo, không máy móc, giáo điều, sao chép, phải thiết thực, hiệu quả, tạo ra hiệu ứng xã hội toàn diện, rộng lớn, lâu bền từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Có thể vận dụng chỉ dẫn của Người khi Người căn dặn chúng ta về học chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Thứ nhất, phải nắm lấy tinh thần và phương pháp Mác-Lênin để ứng xử với Người, với việc. Người đòi hỏi phải thực chất và phải sáng tạo.

Thứ hai, đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách Mác-Lênin mà đối xử, ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là Mác-Lênin được. Điều này có nghĩa là khoa học gắn liền với đạo đức, học phải hành, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thường xuyên, lâu dài, bền bỉ, biến thành nhu cầu văn hóa ở mỗi người, mỗi đơn vị, tổ chức, từ gia đình tới nhà trường và xã hội. Về thực chất, phải coi đây là một cuộc vận động văn hóa, giáo dục văn hóa, thực hành văn hóa. Đảng và các tổ chức đảng, mọi cán bộ đảng viên phải làm nòng cốt, nêu gương, làm gương cho toàn dân, toàn xã hội. Với Đảng, tính hướng đích của việc học tập và làm theo này là góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh, là một Đảng cách mạng, chân chính. Với Nhà nước, phải là một nhà nước pháp quyền, luật pháp mạnh và nghiêm như “thần linh pháp quyền” để dân được thụ hưởng lợi ích, có quyền, biết dùng quyền mà làm chủ và trở thành người chủ. Với cán bộ công chức phải “thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán”, giữ gìn kỷ luật công vụ và trau dồi đạo đức công chức để hết lòng hết sức phục vụ dân.

Mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đều là chủ thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Do đó, đặc biệt quan trọng là cán bộ lãnh đạo các cấp, từ cơ sở tới Trung ương phải làm trước hết, phải nêu gương trước hết, phải tự ý thức trách nhiệm cao nhất. Dân đòi hỏi, dân chờ đợi và dân tin tưởng vào sự đáp ứng, sự chuyển động này.

2. Xây dựng một hệ thống chuyên đề về đạo đức Hồ Chí Minh làm tài liệu học tập và thực hành đạo đức thống nhất trong Đảng, trong dân

Hệ thống chuyên đề này phải được biên soạn công phu, khoa học, thể hiện được những nội dung phong phú và những giá trị đặc sắc của đạo đức Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, hệ thống chuyên đề phải được trình bày giản dị, trong sáng và sâu sắc, giúp cho việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, mỹ cảm, gợi mở và thúc đẩy niềm tin, cũng như hành động của mỗi người, của các đối tượng đa dạng trong xã hội khi tự mình học tập, tự mình làm theo gương sáng đạo đức của Bác Hồ.

Muốn vậy phải lựa chọn những chuyên gia không chỉ am hiểu mà còn biết cách thể hiện sao cho hấp dẫn, sinh động, truyền cảm từ hình tượng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Về lâu dài, phải chuẩn bị để xây dựng giáo trình đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một trong những bộ giáo trình cốt lõi của bộ môn Hồ Chí Minh học dùng cho đào tạo ở các cấp học, bậc học, nhất là ở bậc đào tạo chuyên gia.

3. Đa dạng hóa các hình thức và biện pháp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu văn hóa, thực hành văn hóa đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân

Theo hướng này, cần phải tổ chức học tập thường xuyên trong Đảng, tại các chi bộ, Đảng bộ trong toàn bộ hệ thống tổ chức Đảng, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành. Với hệ thống chuyên đề được biên soạn công phu, có tính thuyết phục cao về khoa học và thực tiễn, với đội ngũ báo cáo viên có trình độ, có phương pháp tốt, đặc biệt là có phẩm chất đạo đức trong sáng, có uy tín đạo đức trong tập thể, cộng đồng, xã hội, chúng ta có thể đem lại cho công chúng những hiểu biết và cảm xúc về đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo ra niềm tin, thúc đẩy hành động, hình thành nhu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như một nhu cầu văn hóa.

Có thể áp dụng công nghệ thông tin, nối mạng trực tuyến, truyền hình trực tiếp... trong việc tổ chức các báo cáo, thuyết trình này như một số địa phương đã có sáng kiến áp dụng (Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Nai...) để vừa tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi, vừa tiết kiệm thời gian, sức lực.

Có thể in và nhân sao các băng hình đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu của đông đảo công chúng.

Huy động các lực lượng, các phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá rộng rãi, thường xuyên thông tin về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo dư luận xã hội quan tâm sâu sắc tới vấn đề này trong nhiều đối tượng xã hội, từ nhà lãnh đạo, quản lý, trí thức học giả, doanh nhân, thanh niên, sinh viên, bộ đội công an, phụ nữ, đồng bào các dân tộc và tôn giáo cho đến mọi người dân.

Báo chí, phát thanh và truyền hình cần tạo ra các diễn đàn, lôi cuốn mọi đối tượng, tầng lớp tham gia, trao đổi các ý kiến, phát biểu các thu hoạch, cảm nhận của bản thân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác những gì và như thế nào?

Thường xuyên phát hiện và nêu gương những cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, những gương người tốt việc tốt, tuyên truyền những việc làm, những chuyển biến tích cực ở các ngành, các cấp, các địa phương và cơ sở nhờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Theo phương châm xây đi liền với chống, tạo ra và nuôi dưỡng lâu bền các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, đánh giá khách quan và trung thực, nêu cao tinh thần hợp tác, ý thức đoàn kết, trách nhiệm để khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy ưu điểm và tiến bộ, tạo nên tính chủ động, tự giác làm theo lời dạy của Bác: tiến bộ nữa, tiến bộ mãi.

4. Chú trọng thực hành ở mỗi cá nhân, mỗi đơn vị và tập thể, nhất là đối với từng đảng viên, từng cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, trong từng tổ chức đảng, từng cơ quan nhà nước và từng đoàn thể cho đến toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội

Để thực hành, phải vạch chương trình hành động, thực hiện chương trình đó để tạo ra những biến đổi tích cực, có tác dụng và ý nghĩa thiết thực. Quán triệt và vận dụng những thực hành lớn của Hồ Chí Minh vào công tác thực tế, vào sự phát triển các phong trào thi đua yêu nước, vào sự hoàn thiện đạo đức, nhân cách của mỗi người. Cuộc đời Hồ Chí Minh vô cùng phong phú, đẹp đẽ và cao thượng, toát lên năm thực hành lớn sau đây:

- Thực hành lý luận liên hệ với thực tiễn.

- Thực hành Dân chủ.

- Thực hành Dân vận (công tác xã hội).

- Thực hành đoàn kết và đại đoàn kết.

- Thực hành đạo đức cách mạng, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, những thói hư tật xấu, nó như giặc nội xâm, ẩn nấp trong lòng mình. Chống giặc nội xâm là chủ nghĩa cá nhân, đó là cuộc đấu tranh thường xuyên, bền bỉ, suốt đời, sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Thực hành đạo đức cách mạng với bốn đức tính, như thực hành bốn chuẩn mực đạo đức hàng ngày “thắng không kiêu, bại không nản”, nó thẩm thấu vào mọi thực hành đã nêu trên, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong di sản tư tưởng và trong thực tiễn, trong sự sống, làm việc, học tập của Người. Theo gương Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức làm tốt năm thực hành đó.

5. Xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên các cấp, đội ngũ chuyên gia, kết hợp học và hành thiết thực, giản dị, trung thực và khiêm tốn, phát huy tác dụng cổ vũ, nêu gương của các điển hình tiên tiến người tốt việc tốt

Quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, trí thức, nhất là đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh học trong các trường đại học. Đó là lực lượng quan trọng trực tiếp góp phần vào thành công của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO

Hội đồng Lý luận Trung ương


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất