(TCTG)-Làm ma cho người chết lâu ngày trong nhà là một trong những hủ tục tồn tại đã lâu đời của đồng bào HMông vùng cao Lào Cai cần được xóa bỏ. Nhưng làm cách nào, bắt đầu từ đâu để dân hiểu, dân tin và làm theo là cả một bài toán khó. Hơn 10 năm theo đuổi quyết tâm xóa bỏ hủ tục này, chị Hoàng Thị Cháng, Trưởng ban Dân vận Lào Cai kể lại quá trình dân vận của mình: Trước năm 2005, khi có người thân bị chết, người HMông các huyện phía tây của tỉnh như Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn thường để để từ 3 – 7 ngày mới chôn cất. Thi thể người quá cố không được cho vào quan tài mà được cho vào cáng đan bằng tre, treo lên cao khoảng trên 1m, đợi thầy cúng bấm chọn ngày và ra tận chỗ chôn cất mới được cho vào áo quan, rất mất vệ sinh.
Bản thân chị là dân tộc HMông, quê ở xã Dền Thàng, huyện Bát Xát nên chị nhớ mãi đám ma một nữ đồng nghiệp ở quê không may mất sớm. Khi chị dẫn đoàn cán bộ tới viếng, đám đã sang ngày thứ tư. Tình cảm chị em từng cùng làm việc trong hội phụ nữ thương mến nhau, hiểu tập tục đồng bào mình, nhưng còn anh em trong đoàn, không ai dám vào viếng, chỉ thắp nén nhang vái vọng từ ngoài. Điều đó làm chị suy nghĩ rất nhiều. Chị biết nhiều người Mông hiện nay, trong thâm tâm cũng đã muốn bỏ hủ tục này, nhưng còn chưa dám thay đổi, vì sợ ảnh hưởng tới tâm linh, sợ lời nguyền "làm trái con cái bị mù, người trẻ chết sớm".
Nhân một dịp Rằm tháng 7, chị về quê mổ một con lợn, mời anh em họ hàng uống rượu và hỏi nguyện vọng người già khi chết nên được đưa vào áo quan sớm. Các cháu trai đều đồng ý. Nhưng 2 năm sau, khi bác chị mất, mọi người ở quê vẫn làm theo tập tục cũ. Đang đi công tác ở xa, chị không làm gì được. Chị về, họ chỉ bảo: “Nếu ông mất ở trên này thì cô phải theo chúng tôi, ông mất ở dưới cô (dưới thị trấn) thì chúng tôi theo cô”... Chị đành tạm lui trước cái lý của dân bản.
Không thể bỏ cuộc để tình trạng hủ tục cứa tiếp diễn, chị xin ý kiến của những cán bộ có kinh nghiệm công tác và tập thể cấp ủy cơ quan, cuối cùng kế sách tốt nhất vẫn là "dùng chính người Mông vận động đồng bào mình thì sẽ có hiệu quả vì họ rất coi trọng người cùng dân tộc và dòng họ". Qua tìm hiểu được biết đồng bào Mông ở các huyện phía đông như Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương đã từ bao giờ tổ chức đám ma rất tiến bộ. Họ để áo quan sẵn cho người già trong nhà, đám hiếu chỉ kéo dài 24 – 36h là đưa đi chôn cất, không nhất thiết phải mổ trâu tốn kém. Chị xin ý kiến cấp ủy, chính quyền huyện Bát Xát, Sa Pa chọn 3 xã Ngải Thầu, Dền Thàng (Bát Xát), San Sả Hồ (Sa Pa) được chọn làm điểm cử mỗi xã 3 người đại diện 3 dòng họ lớn đi học tập kinh nghiệm tại xã Sín Chéng (Si Ma Cai) – xã điển hình trong phát triển kinh tế và cải tạo tập quán lạc hậu. Người đi học về phải có trách nhiệm thuyết phục được dòng họ mình thực hiện. Đến trực tiếp nghe già làng, trưởng bản, ngủ lại người trong họ có uy tín học cách làm đám ma cho người chết.
Sau khi từ Sín Chéng (Si Ma Cai) về, ông Sùng A Pao - Bí thư Đảng ủy xã Ngải Thầu - một trong 9 thành viên được cử đi học đã hạ quyết tâm: “Ngải Thầu sẽ quyết tâm làm bằng được và tôi sẽ là người đi đầu”. Công việc đầu tiên ông Pao làm là cải biên bài khấn, bài khóc ngắn lại, lược bỏ những phần trùng lặp, cúng gọn trong vòng 24h là có thể kết thúc và đưa ma. Đồng thời huyện tiếp tục mở hội nghị cải tạo tập tục lạc hậu tại các xã có người Mông còn lại. Chính quyền huyện tiếp tục hỗ trợ mỗi xã 5 - 7 triệu đồng, giao cho đoàn thanh niên mua gỗ đóng áo quan để sẵn ở UBND xã. Gia đình có người chết sẽ ứng trước dùng rồi hoàn trả cho xã sau.
Năm 2005, họ hàng của Bí thư xã Ngải Thầu có người tạ thế, đám tang ông Thào A Lử - nguyên Bí thư Đảng ủy xã và là bố của Chủ tịch xã đương nhiệm được làm gọn nhẹ trong 1 ngày. Các con ông Lử mãn nguyện khi thấy đám tang bố vẫn trang nghiêm với đầy đủ các bài khèn theo nghi thức truyền thống. Người dân trong xã tận mắt chứng kiến. Cứ thế, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, người Mông trong xã Ngải Thầu đã đồng lòng làm ma theo nếp sống mới. Sau hơn 1 năm, có tới 63/65 đám ma ở Ngải Thầu, Dền Thàng, người chết được đưa và áo quan và đem đi mai táng trong 36h.
Sẵn đà thành công, năm 2007, mô hình mở rộng sang huyện Văn Bàn, Sa Pa, Bảo Thắng. Đến nay, có thể khẳng định cơ bản không còn tình trạng người Mông chết không được đưa vào áo quan. Bà con đang dần quên đi cách làm ma lạc hậu trước kia.
Theo chị Cháng, chìa khóa thành công cho cuộc cách mạng này, cần lấy chính người Mông vận động nhau và kết quả đạt được gắn với lợi ích của chính đồng bào, tranh thủ phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong dòng họ. Và điều quan trọng hơn, cần bàn bạc để chính họ là người quyết định thì thói quen mới sẽ bền vững./.
Lục Văn Toán