Thực tế cho thấy, ở nơi có đồng bào Mông di cư luôn tồn tại vấn đề: đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng tôn giáo chia rẽ cộng đồng. Thế nhưng, ở xã Trung Lý, một xã vùng cao huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với 57,7% là người HMông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào lại là minh chứng cho niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ hơn niềm tin vào thế lực siêu nhiên, không có thực.
Còn nhiều khó khăn
Xã Trung Lý có 1.075 hộ với 5.599 khẩu, tỷ lệ dân số mù chữ chiếm 40%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 72% và hầu hết tập trung vào số hộ dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc (từ những năm đầu 1990). 600 hộ với 3.000 khẩu đột biến đến định cư tại địa bàn khiến lượng đất sản xuất thiếu trầm trọng. Người dân buộc phải phá rừng làm nương. Đất đai ngày càng bạc mầu, cuộc sống khó khăn, nhận thức có hạn nên nhiều người đã bị những đối tượng xấu lôi kéo, lừa gạt dẫn dắt vào một thế giới không có thực với những lời lừa mị: cầu nguyện thì không làm cũng có ăn, khi ốm không cần uống thuốc chỉ cần cầu nguyện là khỏi… Bởi vậy, tình hình học và truyền đạo diễn ra khá phổ biến ở Trung Lý với các hệ phái như: Hệ phái tin lành miền Bắc Việt Nam (số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội), Tin lành liên hữu cơ đốc (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Tin lành trưởng lão….
Nhằm ổn định đời sống cho nhân dân trên địa bàn, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển KT-VH-XH nhưng hiệu quả chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Nguyên nhân căn bản được xác định là do nhận thức và hiệu quả làm việc của đội ngũ chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền xã, thôn bản. Trước hiện thực đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa triển khai việc “vực” đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đảng viên trên địa bàn. Nhưng việc kết nạp vẫn ở mức cầm chừng, đặc biệt đối với quần chúng là dân tộc Mông. Xã Trung Lý cho tới năm 2005 vẫn ở tình trạng “trắng đảng viên là người dân tộc Mông”. Chiếm tới 57,7% dân số của xã và đã định cư được gần 20 năm nhưng việc phát triển đảng viên trong cộng đồng người Mông di cư là cả vấn đề (mà không chỉ tỉnh Thanh Hóa mà cũng như rất nhiều nơi khác đều gặp khó khăn) bởi những lý do: khó khăn trong việc xác minh lý lịch, kinh phí đi xác minh và người cán bộ đủ nhiệt huyết để đảm nhận công việc gian nan này… Sau nhiều cố gắng, năm 2007, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy và Đảng ủy xã Trung Lý, bản Ma Hác đã có đảng viên người Mông đầu tiên là Thào Seo Hòa. Đó là một thành công lớn nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế.
Vững vàng niềm tin vào Đảng
Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mường Lát tự hào nói: “Trong khi nhiều tỉnh khác phải vất vả bởi vụ việc tháng 5-2011, nhiều người Mông bị dụ dỗ, lừa gạt kéo về làm phức tạp tình hình ở Mường Nhé, Điện Biên nhưng riêng huyện Mường Lát này, không có một khẩu nào. Tất cả vẫn yên ổn, làm ăn”. Một trong những lý giải được vị Phó Bí thư thường trực huyện ủy, nguyên đồn trưởng đồn Biên phòng Pù Nhi đưa ra là: Sau khi ổn định cho số đồng bào di cư, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai nhằm phát triển huyện vùng cao Thanh Hóa. Các chương trình quốc gia như 135, 134, 30a… nhằm thực hiện mục tiêu "xóa đói giảm nghèo", tìm mọi cách giúp bà con phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đưa các giống cây trồng mới vào phát triển kinh tế, đem lại năng suất cao. Từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt của Mường Lát cũng vì thế mà thay đổi.
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng đời sống của người dân từng bước được cải thiện, người dân từ đó có niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc kết nạp Đảng cho các quần chúng ưu tú, bố trí lựa chọn vào các vị trí công tác tại địa phương đối với người Mông khiến họ không còn coi đây là nơi “đất khách… Thực hiện quyết định số 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc xóa bản trắng đảng viên và chi bộ ghép từ năm 2010 đến 2015, Huyện ủy Thanh Hóa, Đảng ủy xã Trung Lý tập trung vào việc phát triển đảng viên tại 12 bản Mông của xã Trung Lý. Bằng nhiều cố gắng, 3 năm trở lại đây, xã Trung Lý đã xóa được bản Mông trắng đảng viên với 34 đảng viên chính thức và 35 hồ sơ quần chúng tốt đã được xác minh.
|
Sùng A Pó (bên trái) đảng viên đầu tiên của bản Khằm 1, xã Trung Lý. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người có công không nhỏ trong việc phát triển các đảng viên người dân tộc Mông ở Trung Lý phải kể đến Phó Bí thư tăng cường xã Trung Lý, Thiếu tá Phạm Văn Tôn, cán bộ đồn Biên phòng Trung Lý. Chính anh là người trực tiếp phát hiện và bồi dưỡng các quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng. Và cũng chính anh trực tiếp đã vượt hàng ngàn cây số, trèo đèo lội suối khắp các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để xác minh lí lịch cho 68 quần chúng. Khi được hỏi với áp lực phải xóa “bản trắng đảng viên” tại 12 bản Mông và đến năm 2015 phải xóa chi bộ ghép thì đó có phải là áp lực? Anh cho biết: Từ năm 2010, đồn Biên phòng Trung Lý đã cử 7 cán bộ xuống tăng cường tại các bản nhằm phát hiện và bồi dưỡng các quần chúng tốt. Việc phải xóa bản trắng đảng viên và chi bộ ghép trong thời gian 5 năm cũng là một áp lực đối với chúng tôi, nhưng không vì thế mà chạy theo số lượng. Ví như, trình độ của các đảng viên không thấp, Giàng Seo Trố, bản Khằm 3, Sùng Seo Pó, bản Khằm 3, có trình độ 12/12.
Từ khi các chi bộ hoạt động có nền nếp, đã đưa ra nghị quyết áp dụng vào các công việc của bản như: quản lý hộ khẩu, hộ tịch, công tác sản xuất, chăn nuôi, an ninh trật tự cũng đem lại hiệu quả cao. Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên trong bản luôn xác định mình là tấm gương nên nhân dân tin tưởng.
Chia tay Trung Lý, chúng tôi chúc mừng Phó Bí thư Phạm Văn Tô về những gì đã và đang có ở Trung Lý, với bản chất cẩn trọng của người lính, anh nói: “Đó là thành công bước đầu thôi, bởi Trung Lý vẫn còn tình trạng sinh hoạt ghép, như trường hợp 7 bản như Nà Ón, Ma Hác, Xa Lao, Suối Tung, Suối Hộc, Pá Búa và Cá Giáng cùng sinh hoạt chung một chi bộ. Chỉ khi nào, mỗi bản đều có chi bộ riêng thì mới đưa ra được nghị quyết sát sườn với việc phát triển của bản mình”. Và đối với anh, việc chỉ có một đảng viên người Mông duy nhất là Giàng A Lâu tham gia vào chính quyền xã là quá ít (Giàng A Lâu hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã). Nỗi niềm của Phó Bí thư còn ở chỗ, anh vẫn còn canh cánh trong lòng bởi những đảng viên tâm huyết Sùng A Dũng đang phải phiêu bạt trong Nam tìm việc kiếm sống; Sùng A Pó cũng chưa có lớp học nào phù hợp để đi học.../.
(Theo: QĐND)