Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo thông tin về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác dạy nghề năm 2015 và kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển dạy nghề (giai đoạn 2011-2015) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội.
Nguyên nhân lớn nhất khiến công tác tuyển sinh các trường nghề gặp khó khăn là do phân luồng học sinh chưa cân xứng. Trong khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thì có tới 90% thi vào các trường đại học, cao đẳng và chỉ khoảng 10% học sinh đăng ký tham gia học nghề.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo thông tin về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác dạy nghề năm 2015 và kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển dạy nghề (giai đoạn 2011-2015) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội.
Trong 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển dạy nghề (từ 2011-2015), kết quả tuyển sinh học nghề được hơn 9,17 triệu người, đạt 95,5% so với mục tiêu đặt ra, trong đó đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề được hơn 1,12 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng được hơn 8,04 triệu người. Riêng Chính sách dạy nghề theo Đề án 1956 có hơn 2,4 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới ba tháng, đạt 94,2% kế hoạch đề án.
Kết quả tuyển sinh giai đoạn 2011-2015 mặc dù tăng 18% so với giai đoạn trước nhưng công tác tuyển sinh vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh là quy mô tuyển sinh đại học trong những năm gần đay tăng quá nhanh nên số lượng học sinh học tại các trường nghề còn ít.
Theo số liệu của thống kê Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế số học sinh đỗ chính thức vào các trường đại học chỉ chiếm gần 60% số học sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng số còn lại sẽ vào các trường đại học tư thục và các trường cao đẳng. Như vậy, có thể thấy gần như rất ít học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn học nghề.
Mặc dù Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng việc thực hiện chưa có hiệu quả. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề nhưng thực tế hiện nay chỉ có khoảng 2,5-3,5% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Trong khi nhận thức của xã hội vẫn còn nặng nề về bằng cấp thì những năm qua tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng lao động qua học nghề. Mặt khác, chất lượng đào tạo của một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.”
Theo ông Dương Đức Lân, trong năm 2016, công tác đào tạo nghề sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Hạn chế thành lập các trường công lập, khuyến khích thành lập các trường tư thục để đẩy mạnh xã hội hóa và thúc đẩy liên kết giữa trường nghề và các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề gồm: 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghê và 997 trung tâm dạy nghề. Trong số 63 tỉnh, thành phố có 59 tỉnh thành lập trường cao đẳng nghề./.
Theo VN+