Để công tác giáo dục truyền thống, lịch sử thực sự phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa, các cấp, các ngành và mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cần phải tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động sao cho hiệu quả nhất.
Hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống thông qua những hình thức như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các chuyến dã ngoại, tham quan các khu di tích lịch sử cách mạng, hành quân về nguồn, hành quân về thăm chiến khu xưa… đã trở thành những hoạt động không còn xa lạ đối với thế hệ trẻ đang học tập, công tác tại các tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị, nhà trường hiện nay. Đây là các hoạt động thường được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm những sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và các cấp, ngành, địa phương…, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thông qua các hoạt động nêu trên, thế hệ trẻ hôm nay được hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc; về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh cũng như sự hy sinh lớn lao của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Những hoạt động này cũng đã góp phần giúp thanh-thiếu niên nhận biết và trân trọng hơn những giá trị tốt đẹp của cuộc sống hiện tại; bồi đắp thêm lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức tự lực tự cường, nêu cao trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, với tương lai của dân tộc. Từ đó làm cơ sở để mỗi người tạo nên cho mình những kế hoạch, định hướng của bản thân trong học tập, công tác, nhằm kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước; cùng chung tay, góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, không phải hoạt động giáo dục truyền thống tập thể nào cũng thu được hiệu quả và những ý nghĩa tốt đẹp như đã nêu. Bằng chứng xác thực cho điều này chính là chất lượng môn học Lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông chọn môn Lịch sử để thi vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm. Cá biệt, trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015, có những trường không có học sinh nào lựa chọn Lịch sử làm môn thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Trước tình trạng trên, đã có nhiều hội nghị, hội thảo được mở ra nhằm tìm nguyên nhân và bàn biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Các nhà quản lý giáo dục đã chỉ ra, sở dĩ có tình trạng trên là do một thời gian dài chúng ta chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức đến việc dạy và học môn Lịch sử. Điều đó đã dẫn đến việc dạy và học chưa đúng phương pháp, chưa thu hút được sự đam mê của người học tại nhà trường cũng như các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống tập trung. Các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tổ chức các hoạt động còn thiếu sự sâu sát, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí, nhiều sự kiện được tổ chức nhưng chưa rõ về mục đích chính, hoặc chỉ quan tâm tới tính chất phong trào, chạy theo hình thức… dẫn đến hiệu quả đạt được không cao.
Trên Báo Việt Nam độc lập số 117, ra ngày 1/2/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam... Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời…”. Do vậy, để công tác giáo dục truyền thống, lịch sử thực sự phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa, các cấp, các ngành và mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cần phải tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động sao cho hiệu quả nhất. Không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sát thực tế, để các hoạt động giáo dục truyền thống thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, giúp mỗi cá nhân nâng cao hiểu biết về các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc. Hết sức tránh tình trạng tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống nhân các dịp kỷ niệm theo hình thức “đến hẹn lại lên”, vừa gây lãng phí tiền của, công sức mà hiệu quả không đạt được như mong muốn./.
Mai Chu Anh (QĐND)