Theo số liệu của Bộ Y tế, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam vào năm 2010 mới đạt 1,61m. So với các nước trong cùng khu vực thì chiều cao trung bình của ta vẫn còn kém khá xa.
Nguyên nhân chính khiến chiều cao của người trưởng thành nước ta còn thấp là vấn đề suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi. Hiện tại, tỷ lệ SDD ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao trong khu vực, tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi chiếm 29,3%.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chiều cao đạt được cuối cùng của người trưởng thành được định đoạt chủ yếu bởi dinh dưỡng từ khi thụ thai đến hai tuổi. Như vậy, hai năm đầu là giai đoạn quyết định, sau hai tuổi mà trẻ bị SDD thấp còi, sau này dù can thiệp nhiều cách cũng rất khó đạt chiều cao tối đa.
Mới đây, Chính phủ vừa có thông báo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại chỉ tiêu về suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và về phát triển thể lực chiều cao của thanh niên Việt Nam đã nêu trong Chiến lược nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020. Theo Chiến lược này, phấn đấu đến năm 2015, chiều cao trung bình của thanh niên sẽ trên 1,63m và đến năm 2020 sẽ đạt từ 1,65m trở lên. Và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi phấn đấu dưới 10% (năm 2015) và ít hơn 5% vào năm 2020 (thay vì 17,5% năm 2010)./.
Thuỳ Minh - VnMedia