(TCTG) - Dù viết cho hát tập thể hay cho cá nhân đơn ca, nhưng những bài hát về Đảng đều có giai điệu đằm thắm, tha thiết với ngôn ngữ âm nhạc được các nhạc sĩ chắt lọc, tìm tòi, tạo nên những hiệu quả cảm xúc lớn lao.
Giới nhạc sĩ là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc luôn nhạy cảm trước sứ mạng thiêng liêng cuả Đảng đối với vận mệnh Tổ quốc và cuộc sống của mỗi con người nên đã dành những tình cảm tâm huyết nhất với những rung động tinh tế của trái tim để viết nên những bài ca về Đảng. Tình yêu Đảng của người nhạc sĩ được cộng hưởng với lòng ngưỡng mộ biết ơn của nhân dân dành cho Đảng đã tạo nên những hiệu quả lớn lao trong những sáng tác âm nhạc viết về chủ đề này.
Bài hát đầu tiên in dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, khiến nhiều thế hệ đã được cổ vũ để say sưa, náo nức xiết chặt đội ngũ quanh Đảng, bước theo Đảng là bài Chào mừng Đảng Lao Động Việt Nam của Đỗ Minh sáng tác sau sự kiện Đảng Cộng Sản đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam ngày 3/3/1951. Bài hát ngắn gọn được viết ở thể một đoạn có mở rộng, khống chế âm vực trong vòng quãng 10 ( đồ- mí) thích hợp với mọi đối tượng có thể hát dễ dàng. Ngôn ngữ âm nhạc được chắt lọc với màu sắc trong sáng, tính chất trang trọng, đĩnh đạc, bài hát như một bức áp phích hoành tráng có sức lay động hô hào cổ vũ rất phù hợp với hát tập thể. Khi sáng tác, tác giả Đỗ Minh đặt tên bài hát như ta đã biết, đến mãi sau này, khi Đảng ta đổi lại tên là Đảng Cộng sản Việt nam thì nhạc sĩ mới sửa lại cho phù hợp. Từ khi ra đời, bài hát nhanh chóng được đông đảo mọi tầng lớp quần chúng hào hứng đón nhận, có sức lan toả và trở thành Đảng ca. Sau đó rất nhiều ca khúc có giá trị khác viết về Đảng ra đời, nhưng tính chất quần chúng, dễ hát, lại có sức hô hào, hiệu triệu mạnh mẽ thì ít thấy có bài nào sánh đựơc với tác phẩm của Đỗ Minh, ngoài bài Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi của Huy Du.
Thật là một sự trùng lặp thú vị, nếu Đỗ Minh sáng tác Chào mừng Đảng Lao Động Việt Nam gắn với sự kiện Đảng đổi tên từ Đảng Cộng sản thành Đảng Lao Động (1951) thì Huy Du lại đánh dấu sự kiện Đảng đổi tên từ Đảng Lao Động trở lại Đảng Cộng sản Việt Nam (1976) bằng bài hát Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi. Sáng tác của Huy Du cũng thuộc dạng chính ca, việc trình diễn sẽ hiệu quả hơn nếu là hát tập thể. Và bài hát này cũng đã dễ dàng chiếm được tình cảm của công chúng, có sức sống mãnh liệt từ khi ra đời. Tuy nhiên người ta vẫn không thể quên bài hát của Đỗ Minh đã có từ hơn 20 năm trước và tác phẩm này vẫn xứng đáng ở vị trí Đảng ca.
Dù viết cho hát tập thể - tiêu biểu là 2 bài hát vừa nhắc ở trên - hay cho cá nhân đơn ca, nhưng những bài hát về Đảng đều có giai điệu đằm thắm, tha thiết với ngôn ngữ âm nhạc được các nhạc sĩ chắt lọc, tìm tòi, tạo nên những hiệu quả cảm xúc lớn lao. Hồng Đăng với Đường ta đi có nắng mặt trời. Tô Vũ với Như hoa hướng dương. Nguyễn đức Toàn với Đảng là cuộc sống cuả tôi... Đặc biệt có 2 nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Đảng. Đó là Văn An với Lá cờ Đảng và Tiếng hát từ trái tim. Phạm Tuyên với 3 bài: Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng (phổ thơ A-Ra-Gông), Đảng đã cho ta cả một mùa xuân và Màu cờ tôi yêu (phổ thơ Diệp Minh Tuyền). Đó là những sáng tác ca ngợi Đảng trực tiếp. Cũng có một số nhạc sĩ đã hướng cảm xúc đến việc biểu hiện những hình tượng khác, từ đó gián tiếp nói đến Đảng, như trường hợp Hồ Bắc với Hát dưới cây đào Tô Hiệu, Nguyễn Đình San với Cây đa làng tôi... Bài hát của Hồ Bắc sâu lắng, giản dị như một khúc tưởng niệm diễn tả tình cảm của những thế hệ quây quần vui chơi bên cây đào do Tô Hiệu - một chiến sĩ cách mạng - trồng năm xưa. Họ được hưởng bóng mát của cây đào, ngắm sắc hoa đẹp và nhớ đến công người trồng hoa. Cây đào là biểu tượng công lao của Đảng đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn người. Tác giả đã thực sự tôn kính, biết ơn và cảm thấy giữa lớp trẻ hôm nay và thế hệ cha anh luôn có sự gắn bó gần gũi nhân quả.
Không thể không đặc biệt ghi nhận và trân trọng tài năng của 2 nhạc sĩ Văn An và Phạm Tuyên đã cùng tạo ra được nhiều bài hát hay về Đảng. Nếu Lá cờ Đảng của Văn An mang tính hoành tráng trang trọng, có âm hưởng gợi rõ hình tượng lá cờ Đảng rất lớn tung bay trước gió giữa một không gian cao rộng thì Tiếng hát từ trái tim của ông lại là tiếng lòng tâm tình thủ thỉ tự tâm niệm về sự thuỷ chung son sắt của chủ thể cảm xúc với Đảng kính yêu. Chủ thể ở đây là một chiến binh đã suốt đời chiến đấu đi theo Đảng. Lời lẽ bài hát thật giản dị mộc mạc mà rất đỗi chân thành sâu sắc: “Là chiến binh chiến đấu dưới cờ, thử thách lớn tâm hồn càng lớn...”. Đặc biệt Phạm Tuyên đã có 3 bài hát đều rất nổi tiếng về Đảng mà không bài nào giống bài nào: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng (phổ thơ A-Ra-Gông) tha thiết, thành tâm, khoẻ khoắn cháy bỏng tình yêu, niềm say mê lý tưởng Đảng; Đảng đã cho ta cả một mùa xuân ngọt ngào tươi trẻ, trong mát như diễn tả mạch tình cảm hồn nhiên cuả mỗi con người Việt Nam dành cho Đảng. Màu cờ tôi yêu (phổ thơ Diệp minh Tuyền) lại suy tư trăn trở như tình cảm thiêng liêng của ta đối với sắc thắm lá cờ Đảng...
Khó có thể nhắc được hết những bài ca về Đảng. Điều đáng nói là một khái niệm trừu tượng, dễ mang tính lý trí, nhưng Đảng của dân tộc ta, qua sự thể hiện của các nhạc sĩ lại trở nên rất cụ thể, gần gũi, gắn bó thân thương. Các tác giả đã biểu hiện được những điều thiêng liêng nhưng không cách biệt, giản dị mà vẫn trang trọng trong tình cảm của mình đối với Đảng. Rõ ràng đây là một thành công đáng kể góp phần tạo nên giá trị nền ca khúc cách mạng.
Có một chuyện khá thú vị: Trong những lần đi biểu diễn ở nước ngoài, tại những cuộc gặp gỡ giao lưu với bè bạn (không phải là chương trình biểu diễn chính thức), các ca sĩ của ta đã nói chuyện, hát những bài mà họ yêu thích. Một ca sĩ nọ hát bài Đảng là cuộc sống của tôi của Nguyễn ĐứcToàn. Tất nhiên là hát bằng lời Việt và các bạn nước ngoài đã không thể hiểu nội dung. Sau đó người phiên dịch đã nói ý tứ chủ đề bài hát. Các bạn nước ngoài gật gù tán thưởng, nói đại ý: nước họ cũng có Đảng Cộng sản, cũng được nhân dân ghi nhận do có công lãnh đạo cách mạng trong quá khứ, nhưng không thấy có bài hát nào nói đến. Vậy mà ở Việt Nam lại có bài hát rất hay, có giai điệu ngọt ngào hấp dẫn chẳng kém gì những bản tình ca. Sau đó ca sĩ trên hát thêm một số bài về Đảng như Cây đào Tô Hiệu, Màu cờ tôi yêu... đã gây sự thú vị đặc biệt cho các bạn nước ngoài. Quả là chẳng ở đâu như ở nước ta, Đảng đã là một khách thể vô cùng phong phú hấp dẫn để chủ thể sáng tạo khai thác tạo nên những tác phẩm đầy sức thuyết phục, làm rung động sâu xa lòng người.
Với những bài hát viết về Đảng trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam, một lần nữa lại chứng minh một chân lý vĩnh hằng: Chừng nào trái tim người sáng tác không rung, không đập cùng nhịp với nhân dân, chừng đó khó có thể tạo nên những tác phẩm khiến họ cảm thông chấp nhận.
Dẫu cho ai đó do những buồn phiền, thù hận riêng tư mà cố tình phủ nhận hoặc xuyên tạc thì những công lao to lớn của Đảng đã đem lại cho dân tộc ta luôn là một sự thật trong suốt nhiều chục năm qua. Người nhạc sĩ có trái tim cùng nhịp với mỗi người dân Việt Nam không thể không cảm nhận điều ấy. Đó chính là lý do cắt nghĩa sự xuất hiện nhiều bài hát hay, đặc sắc về Đảng./.
Kiều Thẩm