Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 1/2/2010 20:18'(GMT+7)

Sách xuất ngoại qua đường tiểu ngạch: Một thị trường ít được quan tâm

Khách Việt kiều chọn sách văn học trong nhà sách ở Việt Nam.

Khách Việt kiều chọn sách văn học trong nhà sách ở Việt Nam.

Xuất khẩu sách thầm lặng

Thông lệ, cận tết thị trường sách tạm thời dịu xuống do nhu cầu của người dân tập trung vào các vấn đề khác, sau tết thị trường sách mới bắt đầu vào mùa. Đây là thời điểm Việt kiều về quê ăn tết chuẩn bị quay lại với công việc của họ tại nước ngoài. Món quà được ưa chuộng nhất, được tìm mua nhiều nhất chính là sách. Cứ bắt đầu từ mùng 4 Tết, khi các hệ thống nhà sách mở cửa, thì kiều bào là những khách hàng đến sớm nhất, đông nhất. Các loại sách được tìm mua nhiều là sách văn học, lịch sử…
Các nhà sách lớn trong nước đều có dịch vụ bán sách qua mạng, nhưng do nhiều nguyên nhân, như việc chuyển sách còn chậm, nhiều loại sách chưa có mã số quốc tế (ISBN)…, nên việc bán sách ra nước ngoài cho kiều bào còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đối với người mua sách, việc tự tay chọn lựa sách ngay tại các quầy kệ cũng là một sở thích đặc thù.

Sách trong nước được kiều bào lựa chọn mua, ngoài ý nghĩa là một sản phẩm văn hóa và giải trí, còn hàm ý góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Khi được hỏi, nhiều khách hàng Việt kiều đã cho biết, mua sách xuất bản trong nước để cho con em mình ở nước ngoài, những thế hệ người Việt trẻ sinh ra và lớn lên không phải trên quê cha đất tổ, có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa quê hương. Không phải ở các nước không có sách cho người Việt Nam, nhưng dù sao số lượng cùng sự đa dạng cũng không thể bằng trong nước.

Chính vì lý do đó, sách luôn được lựa chọn là ưu tiên hàng đầu trong hành trang quay trở lại với quê hương thứ hai của kiều bào về quê ăn tết. Số lượng sách mỗi người có thể mang không nhiều, nhưng với đông đảo kiều bào, thì đây lại là một con số không nhỏ. Bà con kiều bào đã trở thành những người góp phần quảng bá sách Việt Nam ra nước ngoài một cách tự nguyện và không vụ lợi.

Thị trường còn bỏ ngỏ

Trong hội nghị về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, các đại biểu nhắc rất nhiều đến việc đáp ứng nhu cầu bạn đọc quốc tế. Thế nhưng, lại rất ít ai nhớ đến một lượng độc giả không nhỏ là người Việt đang sống ở nước ngoài. Đây là một nguồn khách hàng quan trọng, sách đến tay họ trực tiếp, không cần phải thông qua dịch thuật. Đó là chưa, kể bản thân những bạn đọc Việt kiều cũng có thể trở thành người giới thiệu sách Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Vụ lùm xùm giả mạo người Việt để gửi tác phẩm văn học dự thi ở Czech gây xôn xao dư luận những ngày cuối năm. Đằng sau vụ giả mạo này có thể thấy, người Việt ở hải ngoại vẫn chưa được các nhà phát hành sách Việt Nam chú ý, trong khi nhu cầu đọc sách của họ là rất lớn. Đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng đang bị bỏ quên. Không chỉ cung cấp sách trong nước, các NXB cũng có thể phối hợp tìm kiếm bản thảo từ các nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài, chọn lựa những tác phẩm hay, gần gũi với cuộc sống của kiều bào để xuất bản, phát hành.

Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, cũng nhấn mạnh việc cần phát huy mối quan hệ tốt giữa các nhà phát hành trong nước với các nhà phát hành, xuất bản tại nhiều quốc gia. Họ có thể trở thành cầu nối để tìm kiếm nguồn bản thảo tại hải ngoại, hay lựa chọn những tác phẩm phù hợp trong nước, để xuất ra nước ngoài phục vụ kiều bào. Cho đến nay, xuất khẩu sách hầu hết cũng chỉ chú ý đến việc dịch sách Việt để cung cấp cho bạn đọc nước ngoài, hầu như không mấy ai chú ý đến lượng độc giả Việt kiều cũng có nhu cầu đọc rất lớn. Đây là một thị trường sách đầy hấp dẫn mà các nhà phát hành, xuất bản trong nước còn ít quan tâm chú ý đến./.
 
(Theo: Tường Vân/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất