Từ 1/7/2011, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thực thi trong cuộc sống như Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản; thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề được miễn, giảm học phí;...
Cụ thể, 8 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011, gồm: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.
Trong đó, Luật An toàn thực phẩm quy định các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh; quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng.
Đặc biệt, Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen…
Dùng sức mạnh thị trường loại bỏ doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Đây là khung luật pháp mới có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ NTD.
Theo đó, sẽ sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi NTD. Vì thế, ngoài việc bảo vệ được lợi ích của NTD, quy định hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Điều này đã được cụ thể hóa trong các quy định như công bố công khai danh sách các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quyền lợi của NTD nhằm tạo dư luận đấu tranh răn đe và loại bỏ các hành vi này.
Luật cũng đề cao công tác xã hội hóa trong việc bảo vệ NTD, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ NTD, đặc biệt là các trung tâm hòa giải tranh chấp tiêu dùng…
|
Logo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản |
Hơn 16 triệu đơn vị được điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011
Theo Quyết định số 1785/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7 - 30/7/2011 tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 trên phạm vi cả nước.
Cuộc tổng điều tra này nhằm thu thập thông tin cơ bản để thứ nhất phục vụ việc đánh giá tình hình và phân tích xu hướng biến động của nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản và đời sống của cư dân nông thôn, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển sản xuất nền nông nghiệp toàn diện và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn; thứ hai là phục vụ đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu về nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tổng Cục thống kê cho biết, cuộc Tổng điều tra này gồm gần 16,34 triệu đơn vị điều tra, cụ thể: 16,24 triệu hộ điều tra toàn bộ (trong có có khoảng 15,44 triệu hộ nông thôn và 800.000 hộ nông lâm nghiệp và thủy sản ở thành thị); 15.900 trang trại.
Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh
Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, sẽ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm.
Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.
|
Thí điểm bảo hiểm đối với nuôi trông thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. (Ảnh minh họa). |
Đối tượng được bảo hiểm và khu vực được thực hiện thí điểm BHNN gồm: Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội và thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trông thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản, vốn của một số DN
Theo Quyết định 352/QĐ-TTg, tại thời điểm 0 giờ ngày 1/7/2011 sẽ tổ chức thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp (DN) do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
DN thực hiện thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn là DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và có: 1- Ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty do nhà nước sử hữu 100% vốn điều lệ, 2- Hầu hết giá trị tài sản phản ánh trên sổ kế toán không còn phù hợp (hoặc quá cách biệt) với giá trị trường tại thời điểm kiểm kê, đánh giá lại, 3- Giá trị tổng tài sản lớn.
Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được miễn, giảm học phí
Theo Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề thuộc diện đối tượng được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh.
Cũng theo Nghị định 31/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2011, Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở thay vì quy định chỉ phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở như quy định cũ.
Lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô chở người
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ-CP, đến ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 ki lô mét trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình./.
(Cổng TTĐTCP)