Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 2/2/2017 21:58'(GMT+7)

Cho và nhận

Chữ - món quà Tết mang đậm hồn dân tộc. Ảnh: DUY LINH

Chữ - món quà Tết mang đậm hồn dân tộc. Ảnh: DUY LINH

1. “Cho” ở đây là nói cho gọn, chứ thật ra cùng với hành động “cho” còn có “tặng” và “biếu” nữa. Người lớn tuổi cho quà người nhỏ tuổi. Cấp trên cho quà cấp dưới. Bạn bè cho nhau quà. Và theo trật tự ngược lại là biếu quà. Tất thảy đều do lòng quý mến, trân trọng, thể hiện tình cảm dành cho nhau. Cho, tặng, biếu và nhận quà đều xuất phát từ đạo lý, sự chân thành, tự nguyện. Có người còn nói cụ thể hơn, rằng dù cho, nhận quà với lý do gì đều phải học, vì đó không chỉ là một món quà bình thường, tính bằng giá trị vật chất, nhiều khi ý nghĩa tinh thần còn lớn hơn. Nói to tát một tí là chuyện “văn hóa tặng quà”. Điều này đã được các nhà xã hội học bàn kỹ, thấu đáo lắm.

Người ta thường tặng quà nhau khi nào? Thời trước khi đất nước còn nghèo, đời sống còn khó khăn thì lý do tặng quà cũng hiếm, món quà tặng nhau cũng thật đơn giản. Tặng quà cưới, quà tết, quà tặng người yêu đi bộ đội, chứ quà sinh nhật thời đó đã mấy ai để ý. Người yêu sắp ra mặt trận, cô gái thức trắng đêm thêu đôi chim bồ câu đang “mớm mồi” nhau lên chiếc khăn mùi xoa. Lại có cô cắt một lọn tóc nhỏ gói trong khăn tặng người thương nhớ, thay lời hẹn ước. Còn ngày Tết thì quà tặng thường là bánh pháo, cuốn lịch, mấy phong bánh khảo, lạng chè móc câu... Người tặng và người nhận đều vui. Có món quà đơn giản mà nhớ suốt đời, chợt nhớ lời một người chị tặng quà em trai ngày về thăm quê, như câu thơ vậy: “Quê nghèo biết tặng cái chi, đỗ xanh vài nắm phòng khi nhức mình”.

2. Thời nay việc cho, tặng, biếu quà hầu như diễn ra quanh năm. Một phần là do “phú quý sinh lễ nghĩa”. Phần khác là do không ít người “cho” có quá nhiều sự tính toán, thậm chí là rất kỹ lưỡng trong việc này nhằm mục đích cá nhân. Ngày lễ, ngày Tết, ngày cưới, sinh nhật, lên chức, lên lương, mừng nhà mới... có cả nghìn lẻ một lý do để “năng đi năng lại”. “Lễ” phải đi với “vật”. Đến với nhau chúc mừng nhau chỉ có cái bắt tay và lời chúc xem ra nhạt nhẽo thế nào (!)

Có muôn thứ quà, có trăm cách tặng. Tỉ như chuyện tặng quà Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám âm lịch. Có người kỳ công lặn lội hết phố này sang phố khác lùng cho bằng được bộ quà Trung thu có bốn chiếc bánh dẻo hảo hạng và một con rồng Risis mạ vàng 24K (hàng của Xin-ga-po) ngầm ý cầu mong may mắn, phát tài đến với người được tặng. Hay như chuyện tặng quà sếp nhân dịp được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị nào đó cũng đủ chuyện khôi hài. Tôi có anh bạn làm giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra. Anh kể, có dạo công ty anh tuyển hơn hai chục cán bộ. Nghe những cán bộ cũ kể sếp không bao giờ nhận “phong bì”, nhưng biếu gà thì sếp nhận, để nhân viên mới vào làm việc đỡ áy náy. Thế là sau đợt tuyển dụng, ông giám đốc phải nhờ người quây cho cái chuồng gà ở góc sân. Anh nói vui, mình là con nhà nông dân, được nghe gà gáy cũng đỡ nhớ quê bác ạ.

Phổ biến nhất, đáng bàn nhất là chuyện tặng quà Tết. Tết Nguyên đán là lễ lớn nhất mở đầu cho một năm mới. Món quà Tết không chỉ thể hiện tình cảm, không chỉ như một lời cảm ơn đối với người trên, họ hàng, anh em, bạn hữu, mà bao đời này nó đã trở nên một mỹ tục trong đời sống người Việt. Tết xưa con cái ở xa về tặng mẹ tấm áo bông; thầy đồ tặng người thân đôi câu đối đỏ, hoặc phóng bút thảo chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Nhẫn...; trò cũ tặng thầy cuốn sách mà anh là tác giả... Thời ấy nghèo mà vui, mà thảnh thơi làm sao!

Chúng ta thường nói tới mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Những mặt trái len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Việc tặng quà Tết cho, tặng, biếu nhiều khi không còn trong sáng, vô tư nữa. Từ giữa tháng Chạp, các đoàn khách đã lục tục kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, lên thủ đô để chúc Tết. Bây giờ chả còn mấy ai lễ mễ xách theo chục cân gạo tám và buồng chuối ngự. Tất cả đều được “quy ra... phong bì” đủ loại dày, mỏng khác nhau. Hỏi vì sao phải tất bật đi tặng quà, phần đông trả lời rằng, mong được cấp trên để mắt tới, quan tâm hơn, mong được lên chức, lên lương, mong cho năm tới công việc tốt hơn. Thế là tìm đến cơ quan, đến nhà riêng gõ cửa, vắng ông thì có bà. Cảnh xếp hàng trước cửa phòng làm việc của lãnh đạo, hoặc rồng rắn trước cổng nhà riêng, dân tình nom thấy mà ngao ngán. Tết trước họ rồng rắn trước ngõ nhà ông A. Tết này “con rồng” ấy bất ngờ chuyển sang ngõ nhà ông B. Đơn giản, chỉ vì ông A đã về hưu. Biết lấy gì để đo mức độ tình cảm đây?

3. Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa có Chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2017. Chỉ thị nêu rõ: “Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”. Tuy còn những băn khoăn, liệu Chỉ thị này có được thực hiện nghiêm túc, nhưng lắng nghe ý kiến nhân dân thấy bà con ta rất hoan nghênh. Muốn làm được điều đó thì cả người cho và người nhận đều phải gương mẫu và nghiêm túc thực hiện. Sinh thời Bác Hồ từng khuyên người cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Chúng ta từng biết nhiều đồng chí lãnh đạo liêm khiết, không nhận quà tặng vào dịp Tết. Còn cán bộ cấp dưới thì coi việc mình hoàn thành tốt công việc được giao chính là món quà tặng cấp trên, tặng đồng nghiệp rồi. Những việc làm tốt đẹp đó của cả người cho và người nhận những người chung quanh, rộng hơn là quần chúng nhân dân đều biết cả.

Mới hay chuyện cho và nhận tưởng cũ mà mới. Biết cho đi và nhận lại cho đúng, cho đàng hoàng mới là cái biết phải học, phải tu dưỡng thường xuyên.

 

 

HẢI HÀ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất