"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" là bức sơn mài được họa sỹ Nguyễn
Sáng sáng tác năm 1963 và nửa thế kỷ sau đó, vào năm 2013 là 1 trong 4
tác phẩm hội họa được công nhận là "bảo vật quốc gia". Đây cũng là 1
trong những tác phẩm được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996. Nhân dịp Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng, họa sỹ Lê Thiết Cương có bài viết về tác phẩm hội họa này.
Không chỉ so với các tác phẩm của các tác giả khác về đề tài chiến tranh cách mạng mà so với chính Nguyễn Sáng thì "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" vẫn là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất.
Nếu chọn mỗi loại hình một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu về chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì với hội họa sẽ là "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ."
Tác phẩm này thành công không chỉ vì nó thể hiện một đề tài lớn, đề tài
chiến tranh Cách mạng, đề tài Đảng, Bác Hồ mà bởi chính giá trị nghệ
thuật tự thân của nó.
Phải nói vậy vì có nhiều văn thơ, tranh ảnh, tượng đài, điệu múa, bộ
phim về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng chủ yếu là minh họa, tả kể,
tuyên truyền trong khi giá trị nghệ thuật thì lại ít. Bản chất đặc sắc
của nghệ thuật là cái đẹp.
Nếu tuyên truyền thông qua nghệ thuật mà những tác phẩm nghệ thuật đó
lại không nghệ, không đẹp thì cái sự phản thẩm mỹ ấy sẽ tạo ra phản
tuyên truyền.
Thế mới thấy tài năng của nghệ sỹ quyết định tác phẩm chứ không phải đề
tài sẽ quyết định tác phẩm. Tài thấp thì vẽ, viết về hoa lá cành, phong
cảnh lãng mạn, tình yêu nam nữ cũng vẫn xấu.
Nguyễn Sáng vẽ "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" năm 1963 bằng chất liệu sơn mài, khổ 112,3x180 cm.
Cái chất vạm vỡ, khỏe khoắn, cương trực, bộc trực, thẳng thắn của con
người ông, của vùng đất Nam Bộ nơi ông sinh ra hòa quyện vào nhau, hòa
quyện vào tác phẩm, hiện lên trên từng chi tiết của các phẩm, thống nhất
từ tạo hình, bố cục đến màu.
Nhất là tạo hình các nhân vật, phát triển theo chiều ngang, tạo khối
chắc khỏe, giản lược bớt các đường cong lượn, nhiều đường thẳng.
Chỉ có ba tông màu chủ đạo của sơn mài là son, vàng bạc và then. Bố cục
với những mảng miếng lớn, khúc triết và tuyến nhân vật dàn hàng ngang,
gần như loại bỏ xa gần, tương quan sáng tối ước lệ không gò theo ánh
sáng thật, ưu tiên lợi thế đồ họa mảng phẳng của sơn mài.
Buổi kết nạp Đảng dưới chân núi, một buổi sớm, lá cờ đỏ búa liềm thấp
thoáng ẩn hiện, không bàn ghế, mọi người đứng, đều vẫn ôm súng, đeo
balô, đội mũ. Tĩnh lặng, trang nghiêm, hào hùng.
Trên đất nước ta, đã có hàng triệu buổi kết nạp Đảng, nhưng "nhìn" ra vẻ
đẹp của nghi lễ trang trọng này, trong hội họa chỉ có một Nguyễn Sáng
với buổi "Kết nạp ở Điện Biên Phủ" mà thôi./.
Họa sỹ Nguyễn Sáng (1923 – 1988) sinh tại Mỹ Tho (Tiền Giang), tốt
nghiệp Trường trung cấp Mỹ thuật Gia Định, sau đó là Trường Cao đẳng Mỹ
Thuật Đông Dương khóa 14 (1940 – 1945). Ông đã có nhiều triển lãm trong
và ngoài nước. Tranh của ông nằm trong bộ sưu tập tư nhân và bảo tang ở
nhiều nơi trên thế giới. Những tác phẩm tiêu biểu như Giặc đốt làng tôi,
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thanh niên thành đồng, Thiếu nữ và hoa
sen…
Ông mất năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh thọ 65 tuổi. Tên tuổi của ông
được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp. Ông được Nhà nước
trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996.
Ngày 30/13/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
2599/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 2). Bức tranh “Kết
nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng đã trở thành một trong
bốn tác phẩm hội họa được công nhân là “bảo vật quốc gia trong đợt này.
|
(Lê Thiết Cương/Vietnam+)