Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 29/5/2016 20:12'(GMT+7)

Chọn trường và chọn thầy

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Vấn đề khiến mọi học sinh cũng như các bậc phụ huynh quan tâm đó là chọn thầy nào, chọn trường nào để được học trong môi trường giáo dục tốt nhất. Áp lực chọn trường, chọn thầy của học sinh cũng là gánh nặng với chính các nhà trường.

Các bậc phụ huynh đều mong muốn con em mình được học ở những trường tốt, có danh tiếng như trường chuyên, trường trọng điểm, trường có truyền thống dạy và học... Họ hy vọng ở những trường đó con em mình sẽ được học và rèn trong một môi trường giáo dục tốt, là cơ sở để có một nền tảng kiến thức vững vàng để sau này có thể thi vào những trường đại học chất lượng hoặc cao hơn là được học bổng đi du học nước ngoài...                                                                

Mong muốn, nguyện vọng ấy đó là chính đáng khó có thể thay đổi trong suy nghĩ của những người làm cha, làm mẹ cũng như bản thân các em học sinh. Tuy nhiên, cũng vì mong muốn ấy mà vô tình đã làm cho một số trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước “đau đầu” trước mỗi kỳ thi. Bởi lẽ, từ nguyện vọng chính đáng ấy đã dẫn đến thực tế là một số trường chuyên, trường danh tiếng sẽ có tỷ lệ học sinh đăng ký rất cao và ngược lại. Hệ lụy kéo theo là môi trường giáo dục bị mất cân bằng hay sâu xa hơn là thiếu công bằng, thậm chí là mầm mống nảy sinh tiêu cực.                                   

Năm học 2016-2017, Hà Nội có tổng cộng 50.460 chỉ tiêu công lập và 145.653 lượt học sinh đăng ký vào lớp 10. Trong đó, tổng số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 75.471 em, nguyện vọng 2 là 70.190 em. Ngoài ra, có 8 học sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng là thi vào trường chuyên.                

Con số trên cho thấy, tính trung bình, tỷ lệ chọi vào các trường công lập không phải là quá cao. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể tại một số trường như: THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội-Amstecdam, Chu Văn An… lại có tỷ lệ chọi cao. Để giải quyết sự chênh lệch, mất cân đối về số lượng học sinh đăng ký thi vào các trường, trước mắt cần có sự kiên quyết, dứt khoát từ phía nhà trường. Có nghĩa là chỉ nhận học sinh đăng ký vào trường khi có đầy đủ các tiêu chí từ lực học, đạo đức cho đến hộ khẩu thường trú (trừ những trường tuyển sinh rộng rãi, không căn cứ vào hộ khẩu). Ngoài ra, hiệu trưởng và mỗi thầy, cô giáo đều phải có ý thức xây dựng ngôi trường thân yêu của mình ngày một tiến bộ, có chất lượng để khoảng cách, danh tiếng giữa các trường THPT được thu hẹp lại. Nhìn xa hơn, chính quyền thành phố mà trọng tâm là ngành giáo dục và đào tạo phải có chiến lược cụ thể để đầu tư cho giáo dục đồng đều. Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đi kèm với luân chuyển hoặc đổi đầu giáo viên để tất cả các trường đều có những giáo viên tốt làm nòng cốt. Mọi học sinh đều được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt với thầy cô dạy tốt, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy và học tốt…                           

Một vấn đề nữa đặt ra là, một số trường ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng có tỷ lệ chọi cao như Trường THPT Chương Mỹ B, Trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức… Đây là những khu vực có bán kính rộng, dân cư phân bố không đều nên số lượng các trường THPT ít hơn so với khu vực nội thành. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đầu tư, khảo sát mật độ dân cư, nhu cầu thực tế, để có thể xây dựng thêm trường tại những khu vực này đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương.                                                                                                      

Còn về phía học sinh, sự sáng suốt lựa chọn trường học sao cho phù hợp với năng lực, điều kiện thường trú, đi lại của bản thân...cũng rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, hướng dẫn, khuyên bảo con em mình chọn trường học sao cho phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh. Sẽ là rất khó nếu các gia đình thả nổi, để con em tùy hứng, chạy theo phong trào mà không tính đến khả năng học tập của bản thân, không xem xét điều kiện hoàn cảnh gia đình...                                      

Tất cả các yếu tố trên nếu được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả thì việc chọn trường hay chọn thầy đối với mỗi bậc phụ huynh cũng như các em học sinh sẽ trở nên dễ dàng hơn trước mỗi kỳ thi vào lớp 10 THPT hằng năm./.

Việt Cường (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất