Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 5/5/2009 22:7'(GMT+7)

Còn mãi chiến thắng hào hùng

Tượng đài tại Công viên Chiến thắng Mường Phăng

Tượng đài tại Công viên Chiến thắng Mường Phăng

Lên Điện Biên vào những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí tưng bừng kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5). Đến mảnh đất lịch sử, nơi ghi dấu chiến công lừng lẫy khắp năm châu, mỗi chúng tôi có những cảm xúc riêng, nhưng đều có chung cảm nhận: Quá khứ oai hùng luôn được những người đang sống trân trọng và gìn giữ.

Từ thành phố Điện Biên đến xã Mường Phăng chưa đầy 30 cây số, nhưng chúng tôi phải đi mất gần trọn buổi sáng, dù đã được “thổ dân” là người của Sở Văn hoá- Du lịch tỉnh dẫn đường bởi đoạn đường đến đây khá hiểm trở. Đến đây, được tận mắt chứng kiến khu di tích Mường Phăng mà nổi bật là cụm tượng đài bằng chất liệu đá xanh tái hiện lại những con người đã làm nên chiến thắng cùng nhau sum họp trong lễ mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây tròn 55 năm nặng đến 700 tấn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là làm cách nào để di chuyển những khối đá xanh to đến vậy, trong đó có khối nặng trên 90 tấn từ Thanh Hoá đến đây.

 Cụm tượng đài mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ

Như đoán được băn khoăn của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ cho biết, để “cõng” được khối đá này, đoàn xe phải vận chuyển cả tháng trời. Nếu trời nắng thì còn đỡ, gặp phải trời mưa, nhiều đoạn đường đất trở nên nhầy nhụa, trơn như đổ mỡ, dốc vừa quanh co lại dựng đứng là một thách thức vô cùng lớn đối với cả đoàn xe. Nhưng với quyết tâm cao độ của tất cả mọi người, tượng đài đã được khánh thành đúng tiến độ và được giới chuyên môn đánh giá cao về mỹ thuật và chất lượng công trình.

Giới thiệu từng chi tiết trong cụm tượng Đài, anh Bốn nói với chúng tôi trong niềm tự hào: “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được các nhà chuyên môn đánh giá cao nội dung tượng Đài. Tuy được tạc từ đá nhưng mỗi bức tượng đều diễn tả được hồn cốt của nhân vật. Hoàn thành được công trình đúng tiến độ không chỉ là nhiệm vụ của chúng tôi mà ai cũng thấy đó là trách nhiệm đối với những người đã không tiếc máu xương để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.”.

PV VOVNews phỏng vấn vợ chồng ông Williams Burn

Cũng ở đây, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh nhiều du khách nước ngoài, có người đi bằng cả xe đạp vượt hàng trăm cây số đèo núi hiểm trở đến tham quan các cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Williams Burn- một nhà nghiên cứu người Iceland cùng vợ lên thăm Điện Biên Phủ và gặp chúng tôi tại cụm tượng đài Mường Phăng. Ông Williams Burn cho biết: “Tôi đã từng đọc rất nhiều sách nghiên cứu về Việt Nam nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng. Sau bao nhiêu năm ấp ủ, giờ đây tôi mới có điều kiện sang thăm Việt Nam và hôm nay được đi thăm Điện Biên Phủ, được chứng kiến tận mắt nơi cách đây hơn 50 năm, quân và dân Việt Nam anh dũng, kiên cường đã làm nên một chiến thắng vang dội khắp năm châu: đánh bại và chấm dứt hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp. Chiến thắng vĩ đại này không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà được nhân dân cả thế giới khâm phục, ngưỡng mộ”.

Theo tuyến đường Mường Phăng- Nà Nhạn, chúng tôi đến thăm khu di tích tuyến đường và trận địa kéo pháo mà nổi bật  là khu tượng Đài bộ đội kéo pháo bằng tay nặng gần 1.000 tấn ở đồi An Tao, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Khối tượng đá đồ sộ “đưa pháo binh vào trận” cao 12 mét, dài 21 mét, rộng 8 mét, nặng gần 1.200 tấn được đục từ 84 khối đá xanh. Nơi đặt khối tượng khổng lồ lớn nhất Việt Nam cũng được chọn là vị trí đắc địa với lưng tựa núi, mặt chính hướng dòng sông Nậm Rốn thơ mộng.

Được chiêm ngưỡng bức tượng, chắc hẳn ai cũng sẽ có cảm nhận giống chúng tôi là được thấy rất rõ cả Trung đội pháo binh đang dồn tâm, dồn sức để kéo, chèn, đảm bảo cho khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt qua con dốc trơn, trượt an toàn. Nếu quan sát kỹ hơn, sẽ thấy hình ảnh 29 chiến sỹ với 29 hình dáng, khuôn mặt khác nhau nhưng cùng chung nhau một tâm thế, một tinh thần. Trên đầu những người lính kéo pháo là những tán cây rừng bạt ngàn của một thời “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” được tạc bằng đá.

Anh Nguyễn Hữu Nền, công nhân Doanh nghiệp đá mỹ nghệ Hoàn Hảo, Ninh Bình

Hôm nay, khi bài báo lên trang, cụm tượng đài đã được nghiệm thu. Còn cách đây ít ngày, thời điểm chúng tôi có mặt, những phần việc cuối cùng đang được các nhóm thợ gấp rút hoàn thành. Ai ai cũng khẩn trương, tập trung vào công việc của mình, từ trồng cỏ, lát gạch đường đi, và hoàn thiện những chi tiết tinh xảo cuối cùng của cụm tượng Đài…

Anh Nguyễn Hữu Nền cho biết, anh là thợ từ Ninh Bình lên đây làm việc. “Đây là lần đầu tiên tôi được làm việc ở một công trường hoành tráng và độc đáo như vậy. Làm việc ở đây, tôi được biết thêm nhiều và thực tế hơn về những chiến thắng lịch sử của ông cha và vô cùng phấn khởi tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc. Tôi ý thức được việc xây dựng các công trình lịch sử là vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi người thợ. Vì thế, tôi và những người trong nhóm thợ sẽ cố gắng làm hết sức lực của mình để công trình hoàn thành đúng tiến độ”- Anh Nền tâm sự.

Rời khu tượng Đài bộ đội kéo pháo bằng tay, chúng tôi trở lại Nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1. Những ngày này, khu vực nghĩa trang khá đông người đến thăm vì ai đến Điện Biên dịp này cũng muốn được thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở đây, chúng tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của những con người đang sống đối với những người đã khuất, như thể không còn khoảng cách giữa hai cõi âm-dương.

Ông Mạc Như Thức bên mộ các anh hùng, liệt sĩ

Đó là hình ảnh đầy xúc động của những người con đi tìm cha, anh đi tìm em, mẹ đi tìm con… Phải mất một hồi lâu, chúng tôi mới dám khuấy động sự yên tĩnh đến lặng người của ông Mạc Như Thức ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, quê ở Chí Linh, Hải Dương, khi ông đang ngồi như bất động trước những ngôi mộ liệt sỹ không có tên mà ông linh cảm rằng, trong số này có mộ phần của anh trai ông- liệt sĩ Mạc Văn Đáp đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Thức cho biết, mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia gia đình có công với cách mạng, nhưng ông luôn day dứt vì không tìm được nơi yên nghỉ của người anh trai. Nhất là khi có tuổi, mong muốn tìm được mộ phần của người thân lại càng thôi thúc. Theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, ông đã đến đây và thắp hương lên mộ tất cả các liệt sĩ trong nghĩa trang để mong họ phù hộ cho ông tìm được mộ người anh trai của mình. “Linh cảm đã mách bảo tôi rằng mộ anh trai tôi chắc chắn đã được an táng tại Nghĩa trang này và tôi sẽ ở đây đến khi nào tìm được mộ của người anh thì mới quay trở về quê” – ông Thức rưng rưng nước mắt nói.

Trong số những người đến viếng ở Nghĩa trang, chúng tôi có dịp trò chuyện với đoàn phật tử đến từ tỉnh Hải Dương. Đa số trong số họ lần đầu tiên đến đây. Đoàn đã xin phép Ban Quản lý nghĩa trang để được lập đàn cầu siêu cho hương hồn các anh hùng, liệt sĩ.

Bà Phạm Thị Phi, ở số nhà 98, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương, một thành viên trong đoàn cho biết, đoàn của bà lên đây đã được 3 ngày và đi thăm hầu hết các điểm di tích Điện Biên Phủ. Được chứng kiến đoạn đường đi đầy hiểm trở và nhất là thăm lại các cứ điểm lịch sử, mọi người lại càng hiểu thêm nỗi gian nan, vất vả, sự hy sinh lớn lao của cha anh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Phi tâm sự, đây là lần đầu tiên bà đến Điện Biên và không biết đến bao giờ mới có dịp trở lại, nên trong suốt cuộc hành trình, bà đã cố gắng ghi nhớ tất cả những gì mà đoàn của bà đã đến thăm để sau này về kể lại cho gia đình và con cháu.

Đứng bên tượng đài Chiến thắng, đưa tay lau giọt nước mắt cứ lăn dài trên má, bà Phi nghẹn ngào: “Đến thắp hương viếng các anh hùng, liệt sĩ, chúng tôi xúc động vô cùng. Cuộc sống độc lập, tự do của chúng tôi ngày hôm nay đã đổi bằng bao nhiêu xương máu của những người đi trước. Tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông bao nhiêu, chúng tôi lại càng thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó”.

Không chỉ riêng bà Phi, ông Chất mà với nhiều triệu người Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S này, quá khứ hào hùng luôn luôn là động lực thôi thúc họ sống sao cho xứng đáng với xương, máu của cha ông đã đổ xuống./.

DT theo Hoà Hưng Quế (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất