TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những "lỗ hổng" trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa được điều chỉnh thì không nên tiếp tục áp dụng cho lĩnh vực hoàn toàn mới như giáo dục.
Còn nhiều “lỗ hổng chết người”
Năm 2008, tốc độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước đang chậm lại rõ rệt.
Mấy chục năm qua, chúng ta mới CPH được 18% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.
Hiện nay, còn tới 82% tổng tài sản chưa được CPH.
Trong khủng hoảng kinh tế hiện nay, các “đại gia”, “thiếu gia” cũng không còn hăng hái tham gia CPH nữa.
Những doanh nghiệp kia có sức hấp dẫn lớn, có tỉ suất lợi nhuận rất rõ ràng mà quá trình CPH đang rất chậm.
Vậy có kỳ vọng nào khi đưa trường học ra CPH sẽ có lợi nhuận lớn hơn không?
Phải sửa lại quy chế CPH, điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót mà chúng ta đã nhìn nhận ra nhưng chưa sửa được.
Năm 2008, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát quá trình CPH đã phát hiện ra lỗ hổng rất lớn, nhất là về đất đai.
Đất của các doanh nghiệp CPH nếu được chuyển giao sở hữu và định giá bán theo giá thị trường thì rất cao, nhưng nếu thuê của Nhà nước 50 năm thì giá rất thấp.
Tuyệt đại đa số doanh nghiệp nhà nước cổ phẩn hoá đã chọn phương án thuê. Nhưng sau khi thuê được rồi thì các doanh nghiệp này lại cho thuê lại đất với giá thị trường để hưởng chênh lệch giá của hàng chục ngàn hecta đất ở vị trí “vàng”, “kim cương”.
Thứ hai, quá trình CPH hiện thiếu công khai minh bạch. Những người được tham gia CPH, được mua cổ phần với giá rẻ đều chưa được công khai. Vậy ai sẽ được lợi ở đây?
Thứ ba, nhiều người kỳ vọng CPH sẽ “cởi trói” để doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Nhưng thực tế là có tới 85% vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá vẫn giữ nguyên, không có sự “thay máu” bằng những nhân lực mới.
Vì thế, nề nếp, tác phong trong doanh nghiệp Nhà nước được CPH và thực thi Luật Doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách khá lớn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả cơ quan chủ quản có hai thái độ: một số “buông”, số khác vẫn tiếp tục can thiệp như doanh nghiệp nhà nước.
"Phải có nhân tố mới"
Từ 3 vấn đề đó, có thể suy ra được liệu CPH có thực sự “cởi trói” cho các trường không?
Rõ ràng, không phải CPH là sẽ tự nhiên cởi trói mà phải kèm theo cải cách của cơ quan Nhà nước, bộ chủ quản, phải có những nhân tố mới, những nhà đầu tư chiến lược mạnh.
Còn cổ đông là cán bộ viên chức bình thường thì chẳng có vai vế gì. Mặc dù, Luật Doanh nghiệp đã thay đổi khá nhiều, nhưng các nhà đầu tư nhỏ vẫn "thấp cổ bé họng".
Liệu trường học sau khi CPH có hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không, hay phải bổ sung loại hình tổ chức phi lợi nhuận trong Luật Doanh nghiệp?
Như các trường ĐH tư của nước ngoài là những tổ chức kinh doanh phi lợi nhuận, lấy thu bù chi, khi còn lợi nhuận thì lợi nhuận đó không được chia mà tái đầu tư.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, không chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình công ty cổ phần thì vẫn phải cải cách mạnh mẽ theo hướng trao thêm nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Không cải cách quản lý giáo dục, chỉ thông qua cổ phần hoá để "cởi trói" là một điều xa vời.
|
SV trong lễ tốt nghiệp cao học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên |
Xã hội hoá không phải lấy thêm tiền của dân
Kỳ vọng khi "đồng tiền liền khúc ruột thì các cổ đông sẽ dốc sức xây dựng chất lượng và uy tín của trường là một kỳ vọng chưa được chứng minh.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp CPH thì Nhà nước vẫn chiếm 51% hoặc chiếm cổ phần ưu thế, tức là cổ phần của Nhà nước còn lớn hơn gấp đôi cổ phần của bất cứ tư nhân nào khác.
Vậy, liệu tư nhân có thể tiến hành cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp không khi mà 85% cán bộ lãnh đạo của DNNN cổ phần hoá vẫn như cũ?
Đại diện của Nhà nước chính là những người cũ đó và cung cách làm việc vẫn như xưa.
Thực tế hơn 3.800 doanh nghiệp Nhà nước đã CPH cho kết quả rất vừa phải.
Nói một cách tường minh, hy vọng CPH trường học để có cải thiện là điều chưa được chứng minh và rất có thể kỳ vọng đó gắn với lợi ích nhóm.
Họ sẽ nằm trong số 85% vị trí giữ nguyên đó và với một số tiền nhỏ, họ sẽ thâu tóm được toàn bộ tài sản lớn.
Ở ĐH Chicago (Mỹ) mà tôi là thành viên trong hội đồng cố vấn thì học phí SV phải nộp chỉ bằng 1/3 tổng chi phí mà nhà trường chi cho đào tạo.
Số còn lại lấy từ ngân quỹ của trường do các doanh nghiệp, các nhà tài trợ là cựu SV của trường, nay thành đạt, đóng góp để xây dựng trường.
Vì vậy, nhà trường nên kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào hội đồng tư vấn, hội đồng tài trợ…
Nhưng cần lưu ý rằng, sự tham gia này phải lâu dài, bền vững chứ không phải kiểu cam kết tài trợ nhằm đánh bóng tên tuổi rồi sau đó mất hút. |
VietNamNet