Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 1/5/2009 7:51'(GMT+7)

Cổ phần hoá trường học?

Cổ phần hoá các trường học sẽ làm méo mó trầm trọng hệ thống giáo dục.

Cổ phần hoá các trường học sẽ làm méo mó trầm trọng hệ thống giáo dục.

Bộ Tài chính soạn thảo "Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần" dự kiến được ban hành. Dự thảo quyết định và quy chế được đưa lên trang web của Bộ để công dân và các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức khác góp ý. Đây là cách làm theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ đầu năm nay.

Khi công bố dự thảo rất nhiều báo đã đưa tin "trường học sẽ được cổ phần hoá". Để góp ý theo lời kêu gọi trên, tôi tìm đọc dự thảo và thấy Điều 2 của dự thảo Quy chế xác định phạm vi đối tượng cổ phần hoá gồm: đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, văn hoá thể thao, sự nghiệp kinh tế thuộc các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Không cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, báo chí, xuất bản, các bệnh viện công hiện có.

Tuy nhiên, tôi không rõ khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập có thu là gì, dự thảo không nói rõ. Ngay cả trong Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng không có định nghĩa rõ ràng. Có lẽ chúng được hiểu là các tổ chức do Nhà nước lập ra để cung cấp các dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, chăm sóc sức khoẻ, thể thao, văn hoá và nghệ thuật, được hưởng (một phần) ngân sách nhưng có thu khi cung cấp dịch vụ.

Song tôi chưa thấy định nghĩa tường minh trong văn bản pháp quy. Nếu hiểu đúng như vậy, thì tất cả các tổ chức loại đó trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các báo (viết, hình, nói), các tạp chí, các nhà xuất bản, các bệnh viện công không thuộc diện cổ phần hoá theo dự thảo này. Còn các tổ chức nghiên cứu, các trường, nhà hát, bảo tàng..., có thể được cổ phần hoá.

Đầu tiên, phải nói thật rành rọt, cổ phần hoá là một khái niệm chỉ việc tư nhân hoá một phần hay toàn bộ một doanh nghiệp nhà nước. Nay nó lại được dùng sang các lĩnh vực khác nữa, để chuyển đổi các tổ chức không phải là doanh nghiệp thành doanh nghiệp. Một quan niệm nhiều khi chưa thật rõ ràng. Sau đây chỉ bàn đến cổ phần hoá trường học. Với các tổ chức khác cũng gần tương tự.

Trường học dạy làm người. Trường có thể là trường công hay trường tư. Tại các nước phát triển phần lớn các trường tư đều hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và thường không có những con người cụ thể nào là các ông chủ cả. Rất tiếc, các trường tư ở ta (kể cả các đại học) đều hoạt động như doanh nghiệp và các bộ liên quan cũng nghĩ như vậy (minh chứng là điều lệ mẫu của đại học tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, là dự thảo này của Bộ Tài chính).

Các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Xa rời mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ chết. Chủ trương biến trường học thành công ty cổ phần, thành doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (tức là hoạt động vì lợi nhuận) là một sai lầm lớn. Phải bàn cho kỹ một cách công khai. Các nhà khoa học, dư luận phải lên tiếng để nâng cao nhận thức, nâng cao "quan trí" giúp đưa ra các chủ trương tốt hơn hay đỡ hại hơn.

Cổ phần hoá các trường học sẽ làm méo mó trầm trọng hệ thống giáo dục đang rất cần phải cải cách. Nếu đây là một bước cải cách thì là một bước theo hướng sai lầm.

Thứ nhất, các công ty cổ phần hoạt động theo luật doanh nghiệp là các tổ chức kinh tế hoạt động vì lợi nhuận, theo cơ chế thị trường. Các trường học, các tổ chức khoa học, văn hoá, thể thao không phải là các doanh nghiệp, chúng hoạt động vì các sứ mệnh và mục tiêu khác với mục tiêu lợi nhuận (tuy chúng vẫn phải hoạt động có hiệu quả, có lãi, nhưng lợi nhuận tuyệt nhiên không thể là mục tiêu hàng đầu như với các doanh nghiệp). Vì vậy biến các tổ chức này thành các công ty cổ phần là không nên.

Cần phải có một luật riêng cho các tổ chức thuộc khu vực xã hội (giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá, nghệ thuật): nếu chúng đăng ký theo luật doanh nghiệp (hoạt động vì lợi nhuận) thì phải tuân thủ mọi quy định liên quan đến doanh nghiệp (thuế, kế toán, phá sản, ...); nếu chúng đăng ký như các tổ chức bất vụ lợi (cũng có thể gọi là doanh nghiệp xã hội, vẫn phải hoạt động có lãi nhưng không chia lợi nhuận cho ai cả, không có các cổ đông) thì chúng được hưởng các ưu đãi của các tổ chức bất vụ lợi (tất nhiên vẫn phải tuân thủ các luật khác tương tự như các doanh nghiệp).

Nói cách khác các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực đó có thể có nhiều khả năng lựa chọn hơn: với tư cách tổ chức vì lợi nhuận hay bất vụ lợi. Chúng có thể thuộc sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân hay sở hữu hỗn hợp.
 
Lưu ý rằng cơ chế thị trường không hoàn toàn phù hợp với các tổ chức trong lĩnh vực xã hội và có thể gây ra những hậu quả khôn lường mà kinh tế học đã biết rõ từ lâu. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong lĩnh vực kinh tế thành công ty cổ phần là việc nên làm vì chúng hoạt động trong lĩnh vực mà cơ chế thị trường là cơ chế điều phối chủ yếu.

Cơ chế thị trường cũng có thể hoạt động trong lĩnh vực xã hội, song không phải là cơ chế chính và nếu buộc nó trở thành cơ chế chính, thì các khuyết tật của cơ chế này sẽ làm sai lạc trầm trọng hệ thống. Chính vì thế việc cổ phần hoá các trường học, các đơn vị trong lĩnh vực văn hoá rất phải nên cân nhắc lại.

Thứ hai, tuy điều kiện để chuyển đổi (Điều 3) là: đơn vị sự nghiệp công lập có thu phải đảm bảo có nguồn thu, tự bù đắp các nhu cầu chi trong quá trình hoạt động, ngân sách nhà nước không phải cấp bù. Như thế, Nhà nước sẽ không bớt được chút nào gánh nặng ngân sách với việc cổ phần hoá này. Mặt khác, nó sẽ tạo khuyến khích để các tổ chức này tận thu (tăng phí, tăng giá dịch vụ) để đạt điều kiện có thể cổ phần hoá.

Thứ ba, việc cổ phần hoá này sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu nêu trong Điều 1 của dự thảo, mà còn có thể tạo ra những khuyến khích gây tham nhũng và nhiều vấn đề xấu khó có thể lường trước.

Thứ tư, nếu là thí điểm như đầu đề của quy chế, thì phải hạn chế về số lượng, địa điểm, thời gian làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Đáng tiếc không thấy các quy định như thế trong dự thảo.

Cải cách hệ thống giáo dục đào tạo là đòi hỏi cấp bách. Nếu tiến hành cổ phần hoá trường học như dự thảo sẽ làm cho hệ thống giáo dục đi sai hướng và gây thêm nhiều khó khăn cho cải cách.

Theo TS Mai Quang Hoà (LAODONG)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất