Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 22/4/2012 9:46'(GMT+7)

Chống sách lậu, cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Lực lượng chức năng thu giữ sách lậu tại cơ sở in Huy Thi, (Ngọc Hồi, Hà Nội).

Lực lượng chức năng thu giữ sách lậu tại cơ sở in Huy Thi, (Ngọc Hồi, Hà Nội).

Muôn nẻo đường sách lậu

Có thể gặp ở khắp Hà Nội những phố sách, nhà sách công khai bày bán nhiều đầu sách in lậu với quảng cáo "giảm giá" , "chiết khấu" lên tới hàng chục phần trăm. Các sạp sách vỉa hè, trong công viên, sách đi rong càng là chuyện phổ biến. Việc rao bán, chào hàng giả còn xuất hiện nhan nhản tại các trang web trên mạng in-tơ-nét. Ðáng lo ngại là hiện tượng sách giáo khoa (SGK) in lậu, giáo trình phô-tô-cóp-py được tiếp thị, xâm nhập vào các thư viện, trường học. Ðiển hình là việc phát tán tờ rơi quảng cáo giảm giá 50% các bộ sách giáo khoa phô-tô-cóp-py của nhà xuất bản (NXB)

Giáo dục Việt Nam xuất hiện trước cổng Trường Ngô Sĩ Liên (Trảng Bom, Ðồng Nai) vừa qua; vụ kiện của Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - Fist New với hai trường ngoại ngữ tại TP Hồ Chí Minh vì đã vi phạm bản quyền giáo trình dạy, học tiếng Anh của công ty đang làm nóng dư luận...  Những ấn phẩm bị in lậu chủ yếu tập trung vào những đầu sách bán chạy, SGK, tham khảo và giáo trình dạy, học ngoại ngữ. Ngoài ra, các loại sách tôn giáo, văn học, mua bản quyền nước ngoài, tuyên truyền lối sống dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan... cũng được in lậu nhiều. Lịch bloc cũng bị in lậu, sử dụng tem giả mạo của Cục Xuất bản để phát hành. Còn sách điện tử (ebook) trên mạng in-tơ-nét thì là "chuyện thường ngày" khi không ít đơn vị xuất bản như các NXB Trẻ, Kim Ðồng, các công ty Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Ðông A...  đều chung một nỗi niềm bởi vô số đầu sách của họ bị "luộc" công khai, tung lên mạng phát tán rộng rãi gây thiệt hại không nhỏ đến nguồn thu từ sách giấy.

Hành vi, thủ đoạn của bọn in lậu cũng rất tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Chất lượng sách quá kém về cả nội dung và hình thức. Ðiển hình là sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam bị in sai nội dung, phô-tô-cóp-py, in mờ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Còn thiệt hại của các nhà làm sách chân chính thì không hề nhỏ. Ông Phạm Sĩ Sáu, đại diện NXB Trẻ cho biết, riêng vụ cuốn Ðời thay đổi khi chúng ta thay đổi bị vi phạm bản quyền đã gây thiệt hại cho NXB Trẻ hơn nửa tỷ đồng. Trong những năm qua, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - Fist New lập "kỷ lục" trong làm xuất bản với tổng số 117 đầu sách bị in lậu, xâm phạm bản quyền với những thiệt hại không thể tính được...

"Cuộc chiến" trường kỳ

Hiện nay, cả nước có hơn 1.500 cơ sở in và hàng nghìn cơ sở phô-tô-cóp-py. Năm 2011, số lượng in xuất bản phẩm đạt 19.134 cuốn với 319,538  triệu bản, tăng 114% về bản so với 2010. Nhìn chung, các cơ sở chấp hành đúng quy định Nhà nước về hoạt động in, tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm những quy định pháp luật về xuất bản. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cả thành phố có khoảng 400 cơ sở in công nghiệp, nhưng đến nay chỉ 40 cơ sở có báo cáo số liệu theo yêu cầu. TP Hồ Chí Minh có gần 300 cơ sở, chỉ 150 cơ sở báo cáo. Ðiều đó cho thấy hậu quả của việc buông lỏng quản lý hoạt động này. Tình trạng in lậu và vi phạm bản quyền đang từng ngày tiếp diễn, gây thiệt hại kinh tế cho các NXB, đơn vị phát hành và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên lĩnh vực in ấn, xuất bản.

Theo đánh giá của Cục An ninh Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, từ năm 2009 trở lại đây, công tác phòng, chống in lậu đã có chuyển biến đáng kể nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an; cụ thể, sau khi có Thông tư liên tịch 16/2009 TTLT - BTTTT- BCA (12-5-2009) về "Phối hợp phòng, chống in lậu" và sự ra đời, hoạt động của Ðoàn Liên ngành phòng, chống in lậu T.Ư. Trong năm qua, Ðoàn Liên ngành phòng, chống in lậu T.Ư đã tổ chức 30 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện, chỉ đạo xử lý vi phạm hành chính nhiều sai phạm. Ðoàn cũng phối hợp đội liên ngành các địa phương tổ chức hơn 200 đợt kiểm tra đối với hơn 300 cơ sở in, phát hành, phát hiện 145 cơ sở có sai phạm. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nhắc nhở các cơ sở, đơn vị sai phạm, xử phạt hành chính tổng số hơn 1 tỷ đồng...

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ðoàn Liên ngành với lực lượng công an, đã có một số vụ việc lớn được đưa ra xét xử trước pháp luật như vụ Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử, phạt tù sáu tháng 23 ngày với Ðỗ Ðức Thọ, Ðỗ Ðức Thanh; xử phạt ba đối tượng liên quan vụ án in lậu và làm hàng giả tại Công ty CP Phát hành sách và Thiết bị trường học Việt Nam; phạt tù, hưởng án treo với Nguyễn Minh Thắng (Thắng vi-rút) trong vụ in lậu tại Công ty TNHH văn hóa Minh Tân (Nhà sách Minh Thắng). Ở TP Hồ Chí Minh, có vụ khởi tố Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Công ty CP in Hoa Mai về hành vi in lậu... Ðáng chú ý, một số cơ sở in, gia công sản phẩm trong thời gian dài và quy mô lớn nhưng chưa bị cơ quan chức năng phát hiện đã được cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh xuất bản, Bộ Công an kiên trì theo dõi, khám phá, chuyển cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý như: Công ty CP TM Nhật Nam (TP Hồ Chí Minh) tổ chức in từ năm 2009 nhưng không có giấy phép hoạt động; tại thời điểm kiểm tra phát hiện công ty này đang in hơn 10 đầu sách tôn giáo với số lượng hơn 10 nghìn cuốn không có giấy phép xuất bản và hợp đồng in. Công ty TNHH In - Thương mại Thuận Phát (Hà Nội) hợp đồng với NXB Văn hóa - Thông tin tổ chức in lậu cuốn Mật mã Davinci từ năm 2006 đến nay với tổng số hơn 10 nghìn cuốn không có quyết định xuất bản. Cơ sở đóng xén Trương Thị Thiên Vân (TP Hồ Chí Minh) đóng xén hơn 30 nghìn cuốn sách in lậu gồm tám đầu sách tôn giáo, hai đầu sách tiếng Anh nhưng không có giấy tờ pháp lý...

Cần những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ

Có thể nói tình trạng sách lậu tồn tại ngang nhiên, kéo dài nhiều năm qua với số lượng lớn, quy mô rộng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là do lợi nhuận quá lớn khi chủ đầu nậu, in sách không phải đầu tư, xây dựng đề tài, bản thảo; không mất chi phí tiền bản quyền, nộp thuế; chất lượng mực, giấy in chỉ cần loại rẻ vì không cần bảo đảm chất lượng; đại lý phát hành được hưởng mức chiết khấu cao; còn với khách hàng là tâm lý dễ dãi và mua được giá rẻ. Bên cạnh đó, do các NXB chưa giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động in xuất bản phẩm của mình. Nhiều NXB ký giấy phép chạy theo số lượng đầu sách để thu quản lý phí mà không chú ý đến quá trình xuất bản, biên tập; không thực hiện đúng các quy định về liên doanh và phát hành, để đối tác tự in dẫn đến sai phạm. Các NXB, tác giả (chủ sở hữu) chưa có cơ chế phối hợp và đề ra các biện pháp tự bảo vệ; chưa chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để tố cáo hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa phát huy hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm; cơ chế phối hợp quản lý, xử lý chưa chặt chẽ đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Lực lượng tranh tra văn hóa - thông tin các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, khi xử lý còn nể nang, né tránh làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật...

Theo Thiếu tướng Bùi Văn Cơ, Cục trưởng An ninh thông tin - truyền thông (Bộ Công an), một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự "nhờn thuốc" của "đại nạn" sách lậu là bởi hành lang pháp lý về hoạt động in thiếu chặt chẽ, đồng bộ; chế tài chưa bao quát hết các hành vi vi phạm, mức xử lý còn nhẹ cho nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Theo Nghị định 56/2006/NÐ-CP mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động in lậu cao nhất chỉ 30 triệu đồng. Ðặc biệt, với một số vụ in lậu lớn có tính chất nghiêm trọng nếu xử theo Ðiều 271 Luật Hình sự, mức phạt tù cao nhất là một năm, không đủ sức răn đe dẫn đến một số đơn vị sai phạm sau đó tiếp tục in, tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm lậu. Vì thế, cần kiến nghị để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự, xác định in lậu cũng giống như hành vi sản xuất hàng giả để xử lý với mức hình phạt cao hơn. Nói về tầm quan trọng của sự góp sức, đồng lòng trong "cuộc chiến" chung, Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông Ðỗ Thị Tình, Trưởng đoàn liên ngành phòng, chống in lậu T.Ư nhấn mạnh: "Cần tăng cường công tác thông tin, trinh sát để nắm bắt, thu thập tài liệu, phát hiện sai phạm thông qua nhiều kênh như công an, cơ quan quản lý nhà nước, quần chúng nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng... Mặt trận này rất cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, cấp, ngành, của mọi thành phần xã hội".

Nguyễn Phương Liên/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất