(TCTG) - Đảng ta đã nêu những yêu cầu cần có của người lãnh đạo, có tác giả đã nói gọn lại trong ba từ Tâm, Tầm, Tín. Có tâm trong sáng, một lòng vì nước vì dân; có tầm nhìn xa, có khả năng nhạy bén, xử lý đúng đắn các tình huống phức tạp và khả năng tập hợp sức mạnh của tổ chức hoàn thành nhiệm vụ; nhưng lại phải có tín, được nhân dân và đồng nghiệp tin cậy. Uy tín của người lãnh đạo trước đồng bào, đồng chí do cái Tâm, cái Tầm nhưng quan trọng, có khi quan trọng hàng đầu do đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu của họ.
Trong hệ thống chính trị của nước ta có tổ chức được lãnh đạo theo cơ chế thủ trưởng, có tổ chức, được lãnh đạo theo cơ chế tập thể, nhưng dù ở cơ chế nào thì người đứng đầu (là người lãnh đạo, quản lý) đều rất quan trọng.
Theo tôi nghĩ, người đứng đầu có trách nhiệm dẫn dắt tập thể, nhưng trước hết là người biết phát huy trí tuệ và năng lực của tập thể để có thể sáng suốt, đúng đắn khi đưa ra quyết sách và có sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận, đồng tâm trong thực hiện. Chỉ có thực hành thực sự dân chủ mới có thể phát huy được sức mạnh tập thể, do đó họ không những chỉ giỏi truyền đạt mà còn biết chân thành lắng nghe, có lòng bao dung để tôn trọng những ý kiến khác nhau, bao gồm cả phát biểu, kiến nghị trái với ý kiến mình để phát huy trí tuệ tập thể vì lợi ích chung. Thực thi dân chủ rộng rãi chắc chắn sẽ có những ý kiến khác nhau, nhưng người đứng đầu lại cần có khả năng kết luận có sức thuyết phục để trở thành ý chí chung mà hành động. Trong công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, lúc thuận lợi thì biết động viên mọi người chớp thời cơ tiến lên, khi khó khăn vẫn vững vàng mục tiêu lý tưởng, có hiểu biết rộng và tầm nhìn xa để nhận ra thời cơ trong thách thức, đoàn kết mọi người dẫn dắt đơn vị vượt qua khó khăn, tiến bước theo định hướng.
Đảng ta đã nêu những yêu cầu cần có của người lãnh đạo, có tác giả đã nói gọn lại trong ba từ Tâm, Tầm, Tín. Có tâm trong sáng, một lòng vì nước vì dân; có tầm nhìn xa, có khả năng nhạy bén, xử lý đúng đắn các tình huống phức tạp và khả năng tập hợp sức mạnh của tổ chức hoàn thành nhiệm vụ; nhưng lại phải có tín, được nhân dân và đồng nghiệp tin cậy. Uy tín của người lãnh đạo trước đồng bào, đồng chí do cái Tâm, cái Tầm nhưng quan trọng, có khi quan trọng hàng đầu do đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu của họ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhấn mạnh sự gương mẫu của người đứng đầu. Bác Hồ và Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát, bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. Như vậy, sự gương mẫu của đảng viên là một trong phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với xã hội. Sự gương mẫu của người đứng đầu lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng... Nếu người đứng đầu tổ chức hết lòng vì dân, vì nước, vì Đảng, thực hiện cần kiệm, liêm chính theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, không sa vào ích kỷ, cơ hội, thực dụng, vụ lợi, ham danh, tham nhũng, hết lòng gắn bó với nhân dân, sống giản dị không phô trương lãng phí... thì sẽ làm gương cho cả đơn vị. Người đứng đầu trong sạch, không “dính bùn” thì có điều kiện kiểm tra nghiêm túc cán bộ, nhân viên trong đơn vị, sẽ có điều kiện công tâm, công bằng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, là điều kiện để đoàn kết cơ quan, tổ chức. Ngược lại, người đứng đầu nào tư túi, vụ lợi thì không bảo được ai trong tổ chức. Nếu họ lợi dụng quyền lực để thu vén lợi quyền cho vợ con, họ hàng, người thân thì chắc chắn không thể công tâm trong việc xem xét các quyết sách cũng như bổ nhiệm cán bộ, dễ sa vào việc cất nhắc cán bộ theo “cánh hẩu”, phe nhóm lợi ích, gây họa lớn cho Đảng và xã hội.
Trong việc tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, sự gương mẫu lần này được nhấn mạnh bắt đầu từ cấp cao nhất, khi đồng chí Tổng Bí thư truyền đạt Nghị quyết Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc nói: “Sự tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là cấp trung ương và người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị... Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là ở cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”.
Sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người đứng đầu rất quan trọng như phần trên đã nêu, những người đứng đầu còn có trách nhiệm về tập thể của mình. Từ 13 năm trước (1999), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã chỉ rõ “các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách”. Nghị quyết còn nêu rõ “khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”. Từ trước đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống sự suy thoái của cán bộ, đảng viên, nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Nghị quyết Trung ương 4 lần này, một lần nữa nêu trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện, nhấn mạnh: “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết giải quyết từng vấn đề cấp bách, xác định rõ những việc cần làm ngay, làm quyết liệt, có hiệu quả, thời gian hoàn thành và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể”.
Trong quá trình nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, xin phép nêu một số thu hoạch để cùng trao đổi ý kiến về vai trò rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề, cụ thể của người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba về tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, khi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm./.
HỮU THỌ