Tuổi thơ của tôi không được sung sướng như bao đứa trẻ cùng lứa khác. Tôi mới chào đời chưa được bao lâu, ba mẹ tôi đã phải gửi tôi lại cho ông bà ngoại nuôi vì các cụ đều là cán bộ cách mạng lúc bấy giờ. Chẳng bao lâu, ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời, tôi được dì - chị ruột của mẹ tôi nuôi dưỡng. Trường học phải lên tận huyện mới có, nên dì tôi gửi tôi theo học một ông giáo làng. Trong suốt thời gian này tôi hay được nghe những người trong làng nói đến một ông Hồ. Những câu chuyện kể về ông Hồ như những huyền thoại ở trong truyện cổ tích mà dì tôi hay kể cho tôi nghe. Từ đó trong tôi luôn lưu giữ một hình ảnh ông Hồ như một ông tiên, ông bụt. Ở làng bọn trẻ con toàn gọi tôi là ” Con Mồ Côi ”. Nhiều lúc tôi rất tủi thân, cứ mong một ngày nào đó ông Tiên Hồ hiện lên, đưa ba mẹ tôi về với tôi.
Mãi đến cuối năm 1960, lúc này ba mẹ tôi đã có được một căn phòng vách đất, mái lá ở khu lao động Đại La (Nay là triển lãm Giảng Võ). Các cụ mới về đón tôi và dì tôi ra Hà Nội, lúc đó tôi nghĩ là ông Tiên Hồ đã hiểu được ao ước của tôi nên cho tôi đoàn tụ với ba mẹ. Tháng 9-1961 tôi mới được đi học. Không bao giờ tôi quên được ngày tựu trường đầu tiên đó. Tôi vào học lớp 1 ở trường phổ thông cấp I Đại La. Sau lễ khai giảng, chúng tôi vào nhận lớp. Sắp xếp chỗ ngồi xong, thầy giáo phụ trách lớp bắt nhịp cho chúng tôi hát bài: ”Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã viết từ năm 1945. Ngày đó thực sự là tôi chưa bao giờ được hát và cũng không biết hát. Được học hát, tôi vui lắm, nhất là được hát bài về Bác Hồ, về ông Tiên luôn ngự trị trong đầu tôi. Tôi đã hát say sưa mặc dù là sai nhạc, một mình một bè vẫn cứ hát. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghe thấy bài hát này, trong lòng tôi vẫn lâng lâng một cảm giác khó tả, nhớ về buổi sáng mùa thu năm đó. Thế rồi tôi ao ước được gặp Bác Hồ. Tôi nói với ba tôi:
- Ba ơi, con muốn gặp Bác Hồ lắm, làm thế nào gặp được Bác Hồ hả ba?
Ba tôi bảo tôi:
- Con muốn gặp Bác Hồ thì phải học thật giỏi, ở nhà cũng như ở trường phải thật ngoan thì mới được gặp.
Nghe ba tôi nói vậy, tôi ráng sức học và cố gắng thật ngoan để mong được gặp Bác Hồ. Cuối năm 1961, ba tôi được Bộ văn hóa phân cho một căn phòng rộng rãi hơn, khang trang hơn trong khu tập thể Bộ văn hóa ở 21 phố Lò Đúc. Nhà tôi chuyển lên Lò Đúc và tôi được chuyển về học ở trường phổ thông cấp I Lê Ngọc Hân. Tôi học hết lớp Hai, sang năm học lớp Ba. Tôi và một số bạn có thành tích học tập tốt được nhà trường gửi danh sách lên để đi gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ Tịch. Tôi còn nhớ là nhà trường bảo phải mặc váy xanh, áo trắng, tôi không có váy xanh, cũng chẳng có áo trắng, không biết làm thế nào, đang mếu máo thì một bạn ở lớp đã cho tôi mươn váy, áo của bạn ấy. Lúc đó tôi cảm động và sung sướng lắm. Đêm hôm trước ngày tập trung, tôi cứ nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, chỉ sợ ngủ quên dậy muộn thì lỡ dịp được gặp Bác Hồ. Trong đêm đó, hai câu thơ đã xuất hiện tự trong sâu thẳm đáy lòng tôi.
Con mong gặp Bác, Bác ơi
Ông Tiên tóc bạc, sáng ngời tình thương.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị kỹ càng, tôi tới trường và cùng các bạn đến nơi tập trung ở trước cửa nhà Quốc hội. Ở đó học sinh giỏi của các trường cấp I ở Hà Nội lần lượt đến tập trung để cùng vào gặp Bác. 9 giờ, chúng tôi được đưa vào Dinh Chủ Tịch theo đường cửa sau (góc giáp đường Hoàng Hoa Thám). Lúc đó Bác Hồ còn đang tiếp bác Cô-sơ-gin (Thủ tướng Liên Xô, sang thăm Việt nam). Chúng tôi ngồi chờ ở vườn có những cây to che bóng mát, nơi Bác hay dùng để gặp các cháu thiếu nhi. Tôi cũng như các bạn đều cố nhìn về phía nhà sàn của Bác tuy chỉ thấy thấp thoáng vì ngôi nhà ở cách chúng tôi một đoạn khá xa. Ai cũng nghĩ Bác sẽ đi ra từ đó. Một lúc thấy một xe ô tô đen chạy tới, Bác và bác Cô-sơ-gin từ trên xe bước xuống, thì ra là xe ô tô đưa hai Bác từ chỗ làm việc đến thẳng chỗ chúng tôi chờ, chứ không phải từ nhà sàn của Bác. Câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là: "Các cháu chờ Bác có lâu không?". Thật là cảm động, bận bịu là thế mà Bác vẫn không quên các cháu. Tôi lặng đi ngắm nhìn Bác. Tới lúc Bác bảo chúng tôi báo cáo thành tích cho Bác và bác Cô-sơ-gin nghe. Các bạn tranh nhau nói. Còn tôi, lần đầu tiên gặp Bác, tôi cảm động quá bởi ước mơ bao lâu nay đã thành hiện thực. Tôi muốn nói với Bác nhiều lắm mà không sao nói được. Tôi chỉ lặng lẽ lau những giọt nước mắt sung sướng. Rồi bác Cô-sơ-gin nói chuyện với chúng tôi, chia quà cho chúng tôi. Kẹo của Bác Hồ, phong socola của bác Cô-sơ-gin, tất cả tôi cầm trong tay. Các bạn đều bóc kẹo ăn, nhưng tôi không ăn. Bỗng nhiên Bác hỏi tôi: "Sao cháu không ăn kẹo?". "Dạ, thưa Bác! Cháu để dành mang về để cả nhà cùng được ăn kẹo của Bác ạ". Bác xoa đầu tôi và nói: "Cháu ngoan lắm, biết nghĩ đến cha, mẹ, anh chị em như thế là rất tốt". Sau đó Bác căn dặn chúng tôi nhiều lắm. Bác bảo chúng tôi là thế hệ mầm non của đất nước, phải học thật giỏi để sau này lớn lên xây dựng đất nước.
Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác. Sau đó còn nhiều lần thiếu nhi chúng tôi được lên dâng hoa trong các kỳ họp Quốc hội, họp Đảng, họp phụ nữ…Chúng tôi đều được gặp Bác và nghe Bác nói chuyện. Tôi thầm nghĩ: ”mình phải cố gắng học thật giỏi để còn được gặp Bác nhiều hơn nữa”.
Nhưng rồi chiến tranh đã phá đi tất cả những ước mơ của tôi. Chúng tôi phải đi sơ tán để tránh bom đạn. Năm 1967, tôi đạt thành tích học tập xuất sắc ở nơi sơ tán và được thông báo là chuẩn bị về Thủ đô đi thăm Bác Hồ. Không thể tả được lúc đó tôi sung sướng như thế nào. Bom đạn là thế, Có bao nhiêu việc phải lo mà Bác vẫn không quên chúng tôi. Tôi dự định những điều sẽ nói với Bác, tôi tưởng tượng trong đầu xem mấy năm qua Bác già đi có nhiều không ? Đất nước chiến tranh, Bác bận nhiều lắm, không biết Bác có khỏe không?... Đang tràn ngập trong những suy nghĩ thì lại nhận được tin hoãn đi gặp Bác vì sợ không an toàn trên đường đi. Tôi thất vọng vô cùng. Thế là bao nhiêu dự định lại đành phải để đó. Khi Ba tôi lên thăm mấy chị em tôi ở nơi sơ tán, tôi vừa khóc, vừa kể cho ba tôi nghe về việc hoãn chuyến đi thăm Bác. Ba tôi rút trong cặp ra một cuốn sổ tay và đưa cho tôi. Ba tôi bảo: "Ba tặng con quyển sổ này, trong đó có hình Bác. Con cứ cố gắng học cho giỏi, hết chiến tranh về thăm Bác sau cũng được. Lúc đó sẽ càng có nhiều chuyện để nói với Bác con ạ". Tôi giở quyển sổ ra, hình ảnh Bác đang mỉm cười hiền từ, mắt như nhìn thẳng vào tôi. Lúc đó tôi có cảm giác là Bác hiểu hết, biết hết những tâm tư của tôi, Bác như đang nói với tôi, động viên tôi. Tôi lặng lẽ ngồi vào bàn học, viết vào quyển sổ những vần thơ và thầm hứa với Bác:
Bác nhìn, mắt sáng như gương
Nụ cười hiền hậu, soi đường con đi
Giặc Mỹ chia cắt, phân ly
Dẫu không gặp Bác, khắc ghi những điều.
Cho tới năm 1969, lúc đó tôi đã là cô học sinh trường Bưởi tức trường Phổ thông cấp 3 Chu Văn An. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho ngày khai giảng năm học mới. Năm nay chúng tôi được trở về ngôi trường thân yêu bên hồ Tây, không còn phải ở nơi sơ tán nữa. Bỗng nhiên sáng 1-9 Đài tiếng nói Việt nam báo tin Bác mệt nặng. Ba tôi bảo: "Đài đã thông báo cho cả nước là Bác mệt nặng, chắc là nguy lắm rồi". Tôi lặng người đi vì sợ hãi. Ngày Quốc khánh 2-9 trôi qua một cách nặng nề và sáng sớm ngày 3-9, tin Bác mất được truyền đi trong cả nước. Không thể nói được hết nỗi đau trong lòng tôi lúc nghe tin đau đớn này. Tôi vào trường tập trung trong một tâm trạng hụt hẫng, dường như bước đi theo quán tính, không biết mình đang đi đâu, làm gì nữa. Ngày 7-9 cả trường tập trung đi viếng Bác. Lúc này Bác còn nằm trong nhà Quốc hội. Tôi bị đẩy đi theo dòng người vào viếng bác. Mọi người khóc nhiều lắm, nhưng sao lúc đó tôi chỉ nhìn Bác, không thể khóc, không thể nói, cũng không thể bước đi được nữa. Tôi cũng không hiểu vì sao người ta lại đẩy tôi ra đến tận ngoài trời. Mưa to lắm, tới khi nước mưa tạt vào mặt, tôi mới tỉnh lại. Lúc đó nước mắt tôi mới có thể tuôn rơi. Tối hôm đó, tôi đã viết vào cuốn sổ tay:
Nay về bên Bác kính yêu
Lòng con đau đớn, mưa chiều tuôn rơi.
Thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi đi, nỗi đau dần dần cũng lắng xuống, chìm sâu vào đáy lòng, nhưng làm sao mà có thể quên được!
Khi tôi đã học xong Đại học và ra công tác. Một lần tôi đưa đoàn khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác. Nhìn Bác nằm trong linh cữu, khuôn mặt thản nhiên như đang ngủ, những nỗi đau tự đáy lòng tôi lại trào lên. Về nhà tôi lại viết tiếp:
Bác nằm im lặng nghỉ ngơi
Biết chăng giông tố tơi bời lòng con.
Cuốn sổ tay có hình Bác mà ba tôi tặng tôi năm 1967 đã kín những trang thư tôi viết cho Bác. Cuốn sổ vẫn theo tôi suốt, kể cả khi tôi theo chồng sang Hungary và định cư lạị ở đó. Cho đến năm 1996, tôi bị mất cắp túi xách tay ở một bến metro, trong đó có quyển sổ. Chính quyền Hungary chỉ cấp lại cho tôi giấy tờ tùy thân chứ không thể cấp lại cho tôi quyển sổ. Tôi có cảm giác tôi bị mất một gia tài vô cùng to lớn, tiền bạc tôi không tiếc, nhưng quyển sổ thì tôi tiếc đứt ruột.
Năm 1999, con trai tôi đang học lớp 12 phổ thông trung học, một hôm cháu về nhờ tôi nói cho cháu về Việt Nam và Bác Hồ từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến 1975 (để phục vụ cho bài học lịch sử thế giới ở trường). Tôi đã nói lại cho cháu toàn bộ lịch sử Việt Nam thời kỳ đó cùng với công lao của Bác Hồ đối với đất nước. Cháu đến trường trả bài và nói liền suốt hai tiết học về Viêt Nam và Bác Hồ. Cả lớp cháu lắng nghe, các thầy cô giáo ở trong trường cũng kéo lên lớp cháu để nghe. Và sau đó nhà trường đã hỏi cháu ai nói với cháu những điều này, cháu nói là nhờ mẹ giảng giải cho. Chiều tan trường về cháu đưa cho tôi một bức thư của nhà trường cảm ơn tôi đã giúp không chỉ cho cháu mà còn cho học sinh và giáo viên trong trường hiểu biết được rất nhiều về Việt Nam và Bác Hồ, thậm chí còn xin lỗi là trước đây đã có những hiểu biết sai lệch về Việt Nam vì chỉ được nghe và xem những phim ảnh của Mỹ về cuộc chiến tranh Viêt Nam mà thôi.
Cho đến ngày hôm nay, khi trên đầu đã hai thứ tóc, bản thân tôi cũng đã từng trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Hình ảnh Bác vẫn luôn rực sáng ở trong tôi. Soi cho tôi vượt qua những ghềnh thác để sống và nuôi dạy các con tôi trưởng thành, mặc dù sống ở nước ngoài nhưng các cháu vẫn một lòng hướng về đất nước. Khi có cuộc thi này. Các anh ở Đại sứ quán có nhã ý mời tôi tham gia, tôi muốn viết lại và kể lại câu chuyện này cùng những vần thơ từ thủa thơ ấu, tất cả vẫn theo tôi suốt gần 50 năm nay, và bây giờ tôi mới viết được hai câu kết của bài thơ:
Bác ơi, đá núi dẫu mòn
Tình thương của Bác mãi còn trong con.
Trần Thị Thanh Sơn (Hungary)