(TCTG)- Năm trước, Phạm Tiến Duật một nhà thơ-chiến sĩ gắn bó với những tuyến đường Trường Sơn lịch sử đã ra đi. Nguyễn Trung Thu không phải là một người lính giải phóng suốt cuộc đời quân ngũ của mình phải gắn bó, sống chết với các cánh rừng, đồi núi trập trùng của Trường Sơn nhưng con đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng hơn một lần đã in dấu võng của anh.
Và chỉ vậy thôi, trong một đêm rừng già Trường Sơn không ngủ, ánh trăng mờ tỏ cảm khái về đất nước, dân tộc, về tình cảm của anh bộ đội với Bác Hồ, Nguyễn Trung Thu đã viết nên bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Bài thơ ấy, đã được nhạc sĩ Trần Chung sáng tác thành một bài hát về Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại. “Đêm Trường Sơn/Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/Cảnh về khuya như vẽ/Bâng khuâng, chúng cháu nghĩ/Bác như đã đến nơi này…”.
Hơn 50 năm lao động, học tập và sáng tạo, cuộc đời của một người lính, một nhà báo gắn trọn với Nguyễn Trung Thu. Đã có lúc ông làm việc ở Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Một thời kỳ đầy sóng gió sôi động của đời sống văn nghệ Việt Nam đêm trước của thời kỳ đổi mới, ông từng ở Ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương. Một thời gian dài ông lặng lẽ làm công việc của một cán bộ biên tập Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa và âm thầm làm thơ. Ông đã từng học Đại học với các ông GS Nguyễn Phú Trọng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Ông đã từng là thầy dạy cho các lứa sinh viên Đại học, tưởng như nghề dạy học, làm một anh công chức đã an bài với Nguyễn Trung Thu. Nhưng những năm chống Mỹ, cả dân tộc ta ra trận, tuổi trẻ không thể ngồi yên. 31 tuổi-nhà giáo Nguyễn Trung Thu trở thành anh binh nhì vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Chính những năm tháng sống ở chiến trường tâm hồn nhạy cảm của một thầy giáo dạy văn đầy khát vọng, mơ mộng, lý tưởng đã thôi thúc ông làm thơ, đến với thi ca. Đã có lần, trên căn gác của ngôi biệt thự cổ ở 49 Phan Đình Phùng, ngồi uống trà với tôi, ông bảo chân tình “Tớ không đi lính, không vào chiến trường, tớ không làm thơ được cậu ạ”. Rồi vui chuyện Nguyễn Trung Thu kể cho tôi nghe ti tỉ chuyện, những chuyện động trời, những cuộc đấu tranh phê bình những cuộc họp triền miên trong văn nghệ gắn liền với những biến động lịch sử của đất nước, để tìm một lối đi cho nền văn nghệ Việt Nam sau chiến tranh. Ông nhớ vanh vách tên tuổi của các nhà chính trị, các nhà văn nghệ như Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Hà Xuân Trường, Bảo Định Giang, Trần Độ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh… vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước gắn với các sự kiện văn học, nghệ thuật phức tạp đã đến với ngôi nhà 49 Phan Đình Phùng. Ông còn chỉ cho tôi xem, từng chiếc bàn, bộ sa lông ghi dấu kỷ niệm của từng vị thủ trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương ngày ấy.
Ngoài công việc làm báo, Nguyễn Trung Thu làm thơ nhiều, in rải rác trên các tờ báo. Cho đến gần lúc nghỉ hưu, ông mới công bố tập thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Vài năm sau lại ra tiếp tập “Em hoặc không ai cả”, “Kỷ niệm về lời ru buồn”, “Đôi mắt xa xăm”, “Tiím biển biếc trời” và tập cuối cùng “Thao thiết tiếng khuya”. Đã có lần anh lên chơi, tặng thơ, tôi đùa. “Sao anh viết khỏe vậy!”. “Thì cậu bảo tớ giờ có mỗi việc nghỉ ngơi, làm thơ, đi chơi thăm bạn bè, con cái. Vả lại giờ ra một tập thơ đâu có khó. Cơ chế thị trường mà! Ngày xưa làm thơ ra được một tập thơ đã nổi đình nổi đám lắm. Khối thằng vênh mặt với bạn bè…”. Nguyễn Trung Thu nói vậy và cười. Và cũng bởi sự thẳng thắn, chân thành, chẳng muốn phiền lụy ai mà anh là một trong số ít những người có tài năng văn chương cùng với thế hệ anh, nộp đơn vào Hội Nhà văn rất muộn. Nhưng văn chương nghệ thuật hay, có ích cho cuộc đời đâu cần đợi đóng dấu. Những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã thuộc bài thơ “Đêm Trường Sơn, nhớ Bác” của nhà thơ Nguyễn Trung Thu. Khi bài thơ được phổ nhạc, câu hát đưa bài thơ đi xa hơn. Những bài thơ của các tập thơ đầu, Nguyễn Trung Thu viết ở chiến trường, thời trai trẻ, mang âm hưởng tráng ca, hào khí của một thời. Càng những tập về sau, thơ Nguyễn Trung Thu chắt lọc, về cuộc sống và con người, buồn nhiều hơn vui, đầy ưu tư trắc trở. “Ông Nam Cao nhà văn lớn thế/Phố mang tên ông nhỏ nhoi/Giá ông về đứng đầu phố/Nắng nghiêng soi không ôm hết bóng người/Phố nhỏ nhoi vẫn lại qua giáo Thứ, Thị Nở, Chí Phèo, Lão Hạc…”. Phải là người yêu thương, xa sót với người dân nghèo khổ lắm lắm, ông mới viết vậy.
Nhưng ở một góc khuất tâm hồn, Nguyễn Trung Thu cũng đầy nhạy cảm, lãng mạn. “Thấy thoáng/em/anh theo/bước lên dấu chân em/dọc phố. Em ngồi/ghế đá Hồ Gươm/Liễu rủ, xa xa/Anh lặng nhìn. Em ra về/anh đến/sẽ sàng/ngồi chỗ em. Bằng đôi mắt em…” Nguyễn Trung Thu có nhiều người bạn tốt, chân tình. Anh sống với họ cũng vậy. Có nhiều người yêu anh. Nhưng tình yêu của anh dành cho thi ca thanh sạch như mây trời mùa thu soi bóng nước Hồ Gươm.
Một lần, đi thăm bạn lúc lâm chung, Nguyễn Trung Thu viết “Ba mươi năm vụt sáng phút giây này/Bạn như bát nước đầy không giọt sánh/Quen chín bỏ làm mười/Luôn là bếp lửa hồng đêm lạnh/Thơm cả sắn lùi, ấm đôi bàn tay…”.
Bây giờ, nhà thơ Nguyễn Trung Thu cũng nằm đấy. Anh không làm thơ nữa, để lại thơ cho đời. Và để lại căn gác có cây cầu thang gỗ, vào mùa đông luôn ẩm ướt tối tăm. Tôi như thể nghe rõ tiếng đế giầy của ông lộc cộc bước lên cầu thang. Sau vài câu chào hỏi, anh ngồi trầm ngâm, nhìn ra ngoài cửa sổ có giàn nho dại, lá mọc xanh um và thích thú nhìn con chuột thập thò ở chiếc cửa lò sưởi kiểu Pháp. Đã có lần anh cả quyết với tôi “con chuột nhắt ấy, nó sống ở đây từ thời cụ Hoàng Trung Thông còn lãnh đạo văn nghệ …”
Hà Nội 8.6.2009
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Nhà thơ Nguyễn Trung Thu do căn bệnh hiểm nghèo đã từ trần vào hồi 13 giờ 5 phút ngày 6/6/2009. Lễ viếng được tổ chức từ 9h30 - 11h ngày 10/6/2009 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 phố Trần Thánh Tông. Lễ hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển. |